Vì sao Viettel không muốn là doanh nghiệp thống lĩnh thị trường

(Dân trí) - Chuyên gia dự báo về một cuộc cạnh tranh mạnh mẽ giữa 3 nhà mạng, khi vai trò thống lĩnh có sự thay đổi. Viettel lo ngại tình trạng xáo trộn lớn trên thị trường.

Tại cuộc Hội nghị vừa diễn ra do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức, Phó Tổng giám đốc Viettel, ông Lê Đăng Dũng đưa ra đề xuất: Giữ nguyên 3 doanh nghiệp Viễn thông thống lĩnh thị trường là MobiFone, Vinaphone và Viettel.

Ông Dũng cho rằng, về tâm lý và thói quen của thị trường, thương hiệu MobiFone, Vinaphone và Viettel đều gần gũi, bởi cả 3 nhà mạng đều nắm giữ số thuê bao lớn và  chia nhau đến 90% thị trường viễn thông. Do đó, nếu một trong những doanh nghiệp (DN) này ra khỏi vị trí thống lĩnh thị trường, không bị quản lý nữa, nghĩa là có sự thay đổi về giá thì lập tức thị trường sẽ diễn ra xáo trộn lớn, ảnh hưởng mạnh mẽ đến DN còn bị quản lý về giá.

Sở dĩ Viettel đưa ra đề xuất này, bởi theo dự thảoThông tư sửa đổi một số quy định của Thông tư số 18/2012/TT-BTTTT ngày 15/11/2012 Bộ TT&TT, trong lĩnh vực dịch vụ thông tin di động mặt đất, Viettel là doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường duy nhất.

Trước đó, theo Thông tư số 18/2012/TT-BTTTT, trong lĩnh vực dịch vụ thông tin di động mặt đất, cả 3 đơn vị là: Viettel, MobiFone, và VNPT, đều thuộc nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường đối với cả 3 dịch vụ gồm: Dịch vụ điện thoại, dịch vụ nhắn tin, dịch vụ truy nhập Internet.

Theo công bố của Bộ TT&TT, đến hết năm 2014, VinaPhone có 26 triệu thuê bao, MobiFFone có 40 triệu thuê bao và Viettel có 55,5 triệu thuê bao. Sau khi MobiFone tách ra khỏi VNPT thì hai nhà mạng MobiFone và VinaPhone sẽ ra khỏi nhóm thống lĩnh thị trường.

Ông Phan Tâm, Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết rõ, các tiêu chí xác định thế nào là doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp thống lĩnh thị trường cũng được quy định rõ. Bộ căn cứ vào các tiêu chí đó cũng như báo cáo từ chính doanh nghiệp về doanh thu từng dịch vụ cũng như để ban hành danh mục doanh nghiệp thống lĩnh thị trường.

Vì sao Viettel không muốn là doanh nghiệp thống lĩnh thị trường

Chiểu theo thống kê, đến hết năm 2014 Viettel đã chiếm tới 52,12% thị phần thuê bao di động. Như vậy, Viettel dù không muốn cũng phải thực hiện đúng quy định quản lý đối với doanh nghiệp thống lĩnh thị trường. Nghĩa là Viettel vẫn phải thực hiện đăng ký giá cước với cơ quan quản lý trên cơ sở không được bán dưới giá thành.

Còn đối với doanh nghiệp không chiếm thị phần khống chế: VinaPhone và MobiPhone, nếu được ra khỏi nhóm thống lĩnh thị tường, hai DN này sẽ được quyền ban hành giá cước có thể thấp hơn cả giá thành của mình ( nhưng không quá thấp so với mức trung bình hiện có trên thị trường).

Nhìn lại chặng đường hơn 10 năm trước, VinaPhone từng giữ vị trí số 1 trong làng viễn thông, nhưng rồi bởi sự ì ạch trong quá trình hoạt động, nhà mạng này đã bị MobiFone và Viettel vượt qua.  

Đến năm 2014, nếu như Viettel đạt doanh thu hơn 197.000 tỷ đồng và có gần 57,5 triệu thuê bao; MobiFone đạt doanh thu hơn 36.600 tỷ đồng, có hơn 40 triệu thuê bao, thì  VinaPhone chỉ có doanh thu hơn 25.600 tỷ đồng, với hơn 26 triệu thuê bao.

Theo chuyên gia kinh tế, ra khỏi nhóm thống lĩnh là cơ hội giúp VinaPhone vượt lên, giành lại thị phần. Bản thân DN này đã có nhiều kinh nghiệm trên thị trường viễn thông cùng với nền tảng đầu tư hạ tầng ổn định, nên có thể dễ dàng thực hiện các chương trình khuyến mãi “khủng”  trong thời gian dài. Chắc chắn, VinaPhone sẽ là đối thủ không hề nhẹ ký của Viettel trên thị trường.

Cùng đó, theo chiến lược của tập đoàn Bưu chính viễn thông (VNPT), VinaPhone còn chuyển dịch từ cung cấp các dịch vụ viễn thông thuần túy sang cung cấp dịch vụ tích hợp giữa viễn thông và công nghệ thông tin để phục vụ cho khách hàng cá nhân, DN và cả khối cơ quan của Chính phủ.

Chuyên gia cũng đưa ra nhận định, một khi có sự cạnh tranh lớn trên thị trường viễn thông, khách hàng sẽ được hưởng lợi và có quyền lựa chọn mạng viễn thông có mức cước hợp lý và dịch vụ tốt nhất.

Phạm Thanh