Ưu nhược điểm khi sử dụng bình nước nóng trực tiếp và bình nước nóng gián tiếp

(Dân trí) - Tìm hiểu cơ chế và ưu điểm của bình nước nóng trực tiếp, cũng như bình nước nóng gián tiếp, để từ đó chọn ra thiết bị phù hợp với nhu cầu trong bài viết dưới đây.

Bình nước nóng (hay còn gọi là bình nóng lạnh) là thiết bị gia dụng không thể thiếu trong mùa đông tại các tỉnh Bắc Bộ, đặc biệt là những gia đình có người già, trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh nhờ vào khả năng cung cấp nước nóng đơn giản mà không cần tốn công ngồi đun nước tắm, đun nước gội đầu. Nước nóng còn có thể sử dụng để rửa bát, nấu cơm.  

Tuy nhiên trong số các loại bình nước nóng phổ biến hiện nay là bình nước nóng trực tiếp và gián tiếp, thì đâu mới là lựa chọn phù hợp cho nhu cầu của gia đình bạn? Mời bạn đọc cùng tham khảo trong bài viết dưới đây. 

Bình nóng lạnh gián tiếp

Ưu nhược điểm khi sử dụng bình nước nóng trực tiếp và bình nước nóng gián tiếp - 1

Bình nước nóng gián tiếp là loại phổ biến nhất trên thị trường hiện nay. Ưu điểm của loại này đó là có dung tích lớn; đường nước vào/ra riêng biệt, có thể sử dụng được nhiều lần, phù hợp với gia đình đông người. 

Bình nước nóng gián tiếp có thể sử dụng với bồn tắm, bồn rửa mặt để sử dụng. Bình này có trang bị cơ chế chống giật ELCB và cầu dao ngắt điện khi bị quá áp. Người dùng không lo chập cháy hay giật điện. 

Tuy nhiên bình nước nóng loại này lại có nhược điểm là khá cồng kềnh, có kích thước lớn. Vì vậy thời gian lắp đặt khá lâu, khi lắp đặt cần có kệ đỡ vững chắc và không gian phòng tắm phải rộng. 

Ngoài ra, do phải đun nóng một khối nước lớn, nên bình nóng lạnh gián tiếp cũng cần cắm điện trong thời gian khá lâu, từ 15 - 30 phút, mới có nước nóng để sử dụng. 

Bình nóng lạnh trực tiếp

Ưu nhược điểm khi sử dụng bình nước nóng trực tiếp và bình nước nóng gián tiếp - 2

Khác với bình nước nóng gián tiếp, thì loại này hoạt động theo cơ chế làm nóng trực tiếp bằng điện trở, nên có khả năng làm nóng nước nhanh chỉ trong vòng vài phút. 

Ngoài ra, một số ưu điểm khác của bình nước nóng trực tiếp là được thiết kế nhỏ gọn, mẫu mã đa dạng và mức giá rẻ hơn so với loại máy nước nóng gián tiếp, lắp đặt dễ dàng, tích hợp sẵn vòi sen kháng khuẩn. 

Bên cạnh đó, đa số mẫu bình nước nóng trực tiếp cũng được trang bị hệ thống cách ly dòng điện ELCB, cảm biến nhiệt, cảm biến nước. Điều này giúp đảm bảo an toàn cho người sử dụng. 

Nhược điểm của bình nước nóng loại này là có dung tích nhỏ, và chỉ sử dụng được trực tiếp khi có điện áp ổn định. Ngoài ra trong trường hợp áp lực nước yếu, bạn phải trang bị thêm máy bơm trợ lực để tăng áp lực nước.

Một điểm trừ khác đó là bình nóng lạnh trực tiếp chỉ có thể sử dụng được ở vòi sen. Do đó, bạn không thể lắp đặt thêm bình này ở bồn rửa mặt hay chậu rửa. 

Nên mua bình nước nóng trực tiếp hay gián tiếp?

Ưu nhược điểm khi sử dụng bình nước nóng trực tiếp và bình nước nóng gián tiếp - 3

Với những ưu điểm là nhỏ gọn, làm nóng nhanh, và giá thành rẻ, bình nước nóng trực tiếp được khuyến cáo là phù hợp nhất cho những hộ gia đình ít người, diện tích nhỏ, hoặc có thu nhập thấp. 

Bên cạnh những ưu điểm trên, thì loại bình này cũng tiết kiệm điện hơn khá nhiều so với bình nước nóng gián tiếp, do bám sát nhu cầu sử dụng, tránh bị lãng phí nước nóng như đối với bình gián tiếp. Ngoài ra, dung tích của bình càng lớn, thì công suất cũng càng lớn. 

Tuy nhiên, nhược điểm của bình nước nóng trực tiếp là chỉ có thể làm nóng nước tối đa khoảng  từ 45-55 độ C, nên sẽ không phù hợp với một số khu vực miền Bắc chịu không khí rét đậm, rét hại.

Trong khi đó, bình nước nóng gián tiếp với ưu điểm làm nóng nước đến 80 độ C sẽ phục vụ tốt hơn và rộng hơn cho nhu cầu của người dân, đặc biệt là tại các tỉnh miền Bắc với mức nhiệt trung bình vào mùa đông có thể xuống dưới 20 độ C. 

Dung tích lớn của bình nước nóng gián tiếp cũng là một ưu thế vượt trội đối với các hộ gia đình có đông người, với nhu cầu sử dụng nước nóng thường xuyên và đa dạng, như không chỉ tắm gội, mà còn rửa bát đĩa, giặt quần áo,...

Nguyễn Nguyễn