Tương lai trong mắt Intel: Người máy biến hình và nạp điện không dây

(Dân trí) - Với Intel, công nghệ máy tính của tương lai sẽ là các... người máy biến hình như phim Transformer và sạc pin qua kết nối Wi-Fi.

Tại hội thảo Diễn đàn các nhà phát triển Intel (IDF) cuối tuần trước, giám đốc kĩ thuật của hãng -Justin Rattner- cho biết Intel đang nghiên cứu các công nghệ tương tác giữa người-máy sẽ thay đổi mạnh mẽ ngành công nghiệp máy tính và robot. Cụ thể, Intel đang hiện thực hoá công nghệ cấp điện qua sóng không dây và phát triển robot tí hon có thể lập trình để biến hình thành bất cứ hình dạng nào, từ mobile phone tới giày, hoặc thậm chí... con người.

Từ robot biến hình

"Ngành công nghiệp máy tính đã tiến bước xa hơn bất cứ người nào mường tượng 40 năm về trước. Đã từng có những phỏng đoán cho rằng chúng ta đang tiến đến bước chuyển lớn, khi công nghệ tiến quá nhanh đến mức máy tính biết suy nghĩ vượt cả con người. Bước chuyển đó sẽ xảy ra trong tương lai không xa"

Tháng trước, Ratter cũng từng bình luận tương tự trong một cuộc phỏng vấn khác, cho rằng ranh giới giữa người-máy sẽ bắt đầu bị xoá nhoà vào khoảng năm 2012. Khoảng cách trí thông minh giữa "2 giới" sẽ chỉ còn rất nhỏ vào 40 năm tới. Tới năm 2050, công nghệ máy tính sẽ không còn xoay quanh các ứng dụng lập trình sẵn, mà chủ yếu ứng dụng các thiết bị gắn bó chặt chẽ với cuộc sống hàng ngày.

Tai hội thảo IDF, ông vẽ nên viễn cảnh về "vật chất lập trình được", hay cụ thể hơn là hàng triệu robot siêu nhỏ, gọi là catom có thể lập trình để biến thành bất cứ hình dạng nào.

"Điều gì sẽ xảy ra nếu những cỗ máy siêu nhỏ này có một chút ý thức, và có thể tự ráp thành nhiều hình dạng khác nhau, có thể di chuyển theo ý muốn? Nếu có đủ số, bạn có thể tạo bất cứ hình dạng nào, hoạt động theo cách thức kì quặc nhất". Những robot siêu nhỏ, mà kích thước có thể chi bằng hạt cát, có thể thông qua lực điện từ để ghép nối lại thành nhiều hình dạng 3 chiều khác nhau.

Jason Campbell, một nhà nghiên cứu của Intel cho biết quá trình phát triển và ứng dụng catom sẽ thay đổi toàn diện cách con người tương tác với máy móc: "Ví dụ như chiếc di động của tôi quá lớn để nhét vừa túi, nhưng quá nhỏ khi cầm trên tay. Màn hình bé nên rất khó chịu khi xem phim hoặc gửi/nhận email. Nhưng nếu có một ít catom trong tay, tôi có thể sai chúng ráp hình thành bàn phím chuẩn để dùng nhắn tin, sau đó "rã ra" cho gọn để bỏ vào túi áo khi đã xong việc".

Tương lai trong mắt Intel: Người máy biến hình và nạp điện không dây - 1
 Robot biến hình trong phim Transformer, đồ điện tử tương lai trong mắt Intel?

Theo Campbell, mỗi catom sẽ có một bộ vi xử lý và bộ nhớ riêng. Bốn năm trước, ông từng nghĩ công nghệ này cần tới 30-50 năm để trở thành hiện thực. Giờ đây, viễn cảnh này chỉ còn cách hiện tại 10 năm.

Campbell và Rattner đều đồng thuận rằng cản trở lớn nhất là tìm cách để các robot siêu nhỏ này "suy nghĩ" tập thể. Thay vì chỉ dẫn từng cá thể một ráp hình, các catom cần biết tự chọn vị trí thích hợp để ráp khi nhận lệnh. Nhưng cả hai đều hi vọng bước đột phá đó sẽ sớm xảy ra. Rattner lạc quan: "Công nghệ này sẽ có mặt trong cuộc sống hàng ngày 40 năm tới. Và không chỉ giới hạn ở máy móc, vật dụng, ta sẽ có cả các robot dạng người biết-biến-hình"

Tới nạp điện... không dây

Một công nghệ khác sẽ thay đổi cách thức con người giao tiếp với máy móc là năng lượng không dây.  Thử tưởng tượng người dùng có thể đem máy tính, di động và máy nghe nhạc đi khắp nơi, chúng sẽ tự nạp điện mà không cần không cần ổ cắm, không cần dây nhợ chằng chịt..

Tương lai trong mắt Intel: Người máy biến hình và nạp điện không dây - 2

 Dựa trên lý thuyết đề xuất bởi  học viện công nghệ Massachusset, các nhà nghiên cứu của Intel đang tích cực hiện thực hoá công nghệ Liên kết năng lượng cộng hưởng không dây (Wireless Resonant Energy Link). Trong bài phát biểu tại IDF, Rattner trình diễn một bóng đèn 60W được thắp sáng không cần dây dẫn, và cho biết số điện năng tiêu thụ cho việc này còn nhiều hơn dùng để nạp một laptop thông thường.

Ông hào hứng "Thật tuyệt nếu chúng ta có thể gỡ bỏ dây nhợ lằng nhằng và không phải tay xách nách mang các cục pin nặng trịch. Nếu năng lượng truyền dẫn không dây, máy móc hiện tại sẽ hiệu quả hơn rất nhiều".

Joshua Smith, một kĩ sư lý thuyết tại Intel cho biết trong một cuộc phỏng vấn khác rằng hãng đã có khả năng cấp điện thắp sáng bóng đèn cách nguồn vài bước chân, với hiệu suất 70% - có nghĩa tới 30% năng lượng thất thoát trong không khí. Nhưng ông vẫn lạc quan:  "Dù vậy, đây vẫn là bước tiến lớn. Chỉ trong vài năm tới, laptop sẽ tự sạc điện thông qua kết nối không dây trong khoảng 10 bước tới nguồn điện. Bạn sẽ có thêm một khái niệm mới, power hotspot (điểm .. nạp điện không dây) bên cạnh hotspot (điểm truy cập Internet không dây qua Wifi)!"

Hoàng Hải
Theo PCworld