Tự lọc asen trong nước sinh hoạt không mấy hiệu quả

(Dân trí) - Tình trạng ô nhiễm nước sinh hoạt không chỉ ở nông thôn mà diễn ra ngay tại các khu đô thị lớn nhà Hà Nội, TPHCM đang gây nhiều bức xúc cho người dân. Những phương án tự lọc nước tại gia đình trên thực tế không đem lại nhiều kết quả.

Không khó để đưa ra những ví dụ về các khu chung cư tại Hà Nội, khi người dân phải sử dụng nước sinh hoạt bị ô nhiễm. Điển hình là sự kiện Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã đề nghị TP  Hà Nội đình chỉ hoạt động của Trạm cấp nước Mỹ Đình 2 vì có nồng độ asen (thạch tín) trong nước vượt gần 4 lần quy định cho phép. Thông tin này khiến 1.200 hộ dân (tương ứng khoảng trên 7.000 nhân khẩu) đang sử dụng nguồn nước do trạm này cung cấp đứng ngồi không yên.

Trước đó nhiều người dân ở khu đô thị Xa La cũng bày tỏ lo lắng khi biết kết quả mẫu nước tại đây bị ô nhiễm nặng:  Nước chứa asen gấp 4 lần mức cho phép; amoni cao gấp 2,5 lần, nước bị nhiễm khuẩn nặng vi khuẩn E.Coli và Coliform.

Tổ chức y tế thế giới đã khẳng định nếu nước nhiễm một số chỉ tiêu về vi sinh, hóa học với hàm lượng quá thì về lâu dài sẽ gây tác hại cho cơ thể, như hàm lượng asen dùng lâu dài sẽ bị ngộ độc mãn tính với triệu trứng táo bón, tổn thương da (dày sừng) thậm chí ung thư. Lo lắng về chất lượng nước sinh hoạt, nhiều người dân ở các thành phố lớn đã tự đem nước đi xét nghiệm.

Tuy nhiên, theo ông  Vũ Đức Lợi Phó viện trưởng Viện hóa học - Viện Hàn Lâm Khoa học cộng nghệ Việt Nam. Mẫu nước chuẩn đem đi xét nghiệm phải đạt 4 yêu cầu gồm: Lấy mẫu, bảo quản mẫu, phân tích mẫu, phân tích kết quả. Theo ông Lợi, cả 4 bước đều quan trọng, chẳng hạn mẫu lấy đã đủ tiêu chuẩn chưa, đựng bình mẫu có đảm bảo tiêu chí vô trùng. Bởi để có những phân tích chính xác thì chỉ tiêu vi sinh của bình đựng phải đảm bảo đã được khử trùng, cùng đó mẫu nước phải bảo quản chống vấn đề axit hóa. Sau đó các mẫu là phân tích sẽ tiến hành xét nghiệm các chỉ tiêu liên quan đến nitơ,  amoniac…

Người dân Mỹ Đình lo lắng khi nước sinh hoạt bị nhiễm asen.
Người dân Mỹ Đình lo lắng khi nước sinh hoạt bị nhiễm asen.

Theo ông Lợi, trên thực tế ngay cả khi cả khi phòng xét nghiệm đưa ra kết qủa thì mẫu đó có đạt hay không cần xem xét. Như vậy,  để có mẫu nước xét nghiệm chuẩn, cần bảo đảm nhiều yếu tố. Khó khăn là tế, nhưng vì sốt ruột người dân vẫn tìm đến phòng xét nghiệm vì lo lắng cho sức khỏe. Trong khi đó, theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, nước sinh hoạt của người dân phải đạt 109 chỉ tiêu, từ cảm quan, đến chỉ tiêu hữu cơ, vô cơ, mức nhiễm xạ và mỗi chỉ tiêu cần đến một xét nghiệm riêng.

Câu hỏi đặt ra là trách nhiệm của cơ quan chức năng đến đâu khi để tình trạng người dân phải dùng nước ô nhiễm?

Về vấn đề này TS Đỗ Mạnh Cường, Cục quản lý Môi trường Y tế - Bộ Y tế cho rằng, phía  ngành y tế có trách nhiệm kiểm tra, lấy mẫu giám sát. Khi phát hiện nước có vấn đề sẽ thông báo đến đơn vị cấp nước để khắc phục. Trong trường hợp sự cố ở mức nặng nền, cơ quan này sẽ báo cáo lên Thành phố để xử lý

“Tuy nhiên tại nhiều đô thị, do địa bàn rộng và năng lực ngành y tế cán bộ chưa đáp ứng được nên vấn để kiểm soát chất lượng nước có lúc thiếu sot. Chúng tôi  khuyến khích người dân tự đi xét nghiệm khi thấy nghi ngờ. Ở các tỉnh, mẫu nước có thể đem đến Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh. Tại  Hà Nội gửi mẫu đến Viện Sức khỏe Nghề nghiệp Môi trường hoặc tại HCM  có thể đến đến Trung tâm Y tế công cộng TP. HCM” – ông Cường nói.

Cũng theo ông Cường, Nghị định số 117 /2007 quy định rất rõ cơ sở cấp nước phải chịu trách nhiệm chất lượng nước cơ sở cung cấp. Người dân hoàn toàn có quyền yêu cầu cơ sở cấp nước phải chịu trách nhiệm về sức khỏe cũng như bất tiện trong sinh hoạt.

Muốn tự cải thiện chất lượng nước sinh hoạt và mong muốn lọc bỏ asen, một số người dân đã áp dụng phương pháp lọc qua cát vàng. Tuy nhiên, theo các nhà khoa hoc, cách này chỉ lọc được vài hôm là hết tác dụng. Ngay sau đó thì lượng asen tích lũy trong cát vàng lại phát tán ra và còn gây ra những nguy cơ cao hơn khi cùng lúc người sử dụng bị nhiễm với nồng độ cao.

Một giải pháp khác đang được nhiều người dân thành phố sử dụng, đó là dùng bình lọc nước asen. Tuy nhiên, việc đầu tư một chiếc bình lọc asen đối với nhiều gia đình hiện nay là một khoản tiền không nhỏ (khoảng 1,6 triệu đồng/cái và hàng năm phải bỏ ra khoảng 300 nghìn để thay bộ phận lọc nước). Vì thế, cách tốt nhất là loại bỏ asen trong nước trước khi cung cấp cho người dân thông qua việc đưa công nghệ vào trong nhà máy cấp nước.

Phạm Thanh