Bạn đọc viết:

Từ Bphone nhìn vào “căn bệnh mãn tính” của người Việt

(Dân trí) - Dù được bạn bè thế giới đánh giá là một dân tộc thông minh, cần cù, chăm chỉ nhưng thói đố kỵ kiểu “ai cho phép mày giỏi hơn tao” dường như đã ăn sâu vào máu người Việt Nam.

Người ta luôn miệng chê bai đất nước nghèo nàn, lạc hậu nhưng chỉ cần thấy người Việt Nam thành công hay sáng chế được thứ gì thì lại phải a dua nhau, phải ném đá hội nghị, nhiệt tình chê bai. Dường như cái bệnh thích chê đã trở thành “mãn tính” mà nhất là trong thế giới ảo - khi người ta tự cho phép mình làm những “anh hùng bàn phím” mà chẳng phải chịu hậu quả gì, nhưng hệ lụy từ những comment phách lối của họ thì rõ rệt.

Từ Bphone nhìn vào “căn bệnh mãn tính” của người Việt
"Running man” Vũ Xuân Tiến làm người ta khó chịu vì "dám" lên xe buýt ngồi cùng các cầu thủ Arsenal.

Ngày trước, khi "Running man” Vũ Xuân Tiến được Arsenal mời sang nước Anh, được khoác lên vai lá quốc kỳ Việt Nam đi giữa sân vận động Emirates nổi tiếng. Thay vì cảm thấy tự hào thì rất nhiều người, bao gồm cả "trẻ trâu" và "già trâu" đồng loạt lên đồng chê bai. Dường như người ta không quan tâm đến chuyện Quốc kỳ tung bay trên Emirates, người ta chỉ cảm thấy khó chịu khi 1 chàng trai bình thường như Tiến được mời lên xe buýt ngồi cùng các cầu thủ Arsenal, được các công ty mời làm đại diện thương hiệu với mức lương khủng, được đội bóng Arsenal mời sang London…

Khi anh chàng này chia sẻ những bức ảnh trong chuyến sang Anh trên Facebook cá nhân, nhất là bức ảnh Tiến tự tay ghi tên các cầu thủ lên những hộp bánh đậu xanh làm quà tặng - một hành động thể hiện sự thân thiết, mộc mạc và chân thành, lập tức lại có những “anh hùng bàn phím” lên tiếng chê Tiến quá cẩu thả, thậm chí… bức xúc khi “soi” thấy những món quà không được bọc gói mĩ miều. Không ai thích thừa nhận mình thua kém người khác về tài năng, địa vị, vinh dự, danh tiếng, sự giàu có, vận may, nhan sắc… từ đó mà nảy sinh tâm lý bực bội vô cớ, tìm cách chỉ trích, phủ nhận, hoài nghi những cống hiến và nỗ lực của người khác làm ra, thậm chí bới móc những cái chưa tốt, chưa hoàn thiện hay sơ hở để “dìm hàng” họ.

Cứ hãy trải nghiệm, cứ hãy cho người ta một cơ hội thay vì là ném đá hội đồng.

Cứ hãy trải nghiệm, cứ hãy cho người ta một cơ hội thay vì là "ném đá hội đồng".

Nếu như Vũ Xuân Tiến bị ném đá vì may mắn thì Nguyễn Hà Đông, Bkav bị ném đá vì cái tội "giỏi". Nguyễn Hà Đông có cái tội rất lớn: Là người Việt Nam mà "dám" sáng tạo ra một trò chơi FlappyBird gây rúng động thế giới. Nếu Đông là một anh Tây nào đó, chắc hẳn "người ta" sẽ suýt xoa, ngưỡng mộ lắm. Là một người Việt Nam mà Đông "dám" làm cái việc mà đám anh hùng bàn phím không làm được. Vì vậy anh "xứng đáng" bị ném đá hội đồng.

Việc anh tuyên bố gỡ bỏ FlappyBird vì "không chịu đựng được" đã cho thấy sức mạnh vô đối của cộng đồng mạng. Sau Nguyễn Hà Đông là anh Nguyễn Tử Quảng, anh sinh viên Bách Khoa đi lên từ 2 bàn tay trắng, sau bao năm vật lộn trên thương trường để xây dựng lên một đế chế như Bkav. Bphone là mồ hôi nước mắt, là tâm huyết trong gần 5 năm để đổi lại 1 chiếc smartphone cao cấp thực sự, vì trải nghiệm người dùng, vì lòng tự tôn của dân tộc. Nhưng rồi họ nhận được thứ gì? Chip Snapdragon 801, Ram 3GB, màn hình FullHD, camera 13Mp có kính saphire, rồi vô vàn tiện ích khác. Bphone không thua kém bất kỳ smartphone của Apple hay Samsung hay LG. Người tiêu dùng có quyền sử dụng, cảm nhận và nhận xét. Ok. Nhưng liệu có bao nhiêu người trong đám anh hùng bàn phím kia đã được chạm tay vào chiếc Bphone? Bphone có sử dụng linh kiện nhập ngoại. Ok. iPhone của Apple sử dụng chip của Samsung, còn Samsung lại xây nhà máy ở Việt Nam....

Nguyễn Hà Đông cũng là nạn nhân của căn bệnh mãn tính của người Việt.
Nguyễn Hà Đông cũng là "nạn nhân" của căn bệnh mãn tính của người Việt.

Các fan ốc vít vẫn ngày ngày rên rỉ bài ca Việt Nam lạc hậu vì "không sản xuất nổi con ốc vít" nhưng cũng chính họ lại là những người chê bai mạnh nhất khi Bkav đưa ra Bphone. Nhìn nhận một sự việc bằng cái nhìn tiêu cực, thiếu thiện chí; quá khắt khe trong việc công nhận khả năng hay thành công của người khác; không bao giờ khen nổi ai một câu mà phải chê trước cho “không ngóc đầu lên nổi” là một thói quen rất điển hình của các “anh hùng bàn phím". Họ gần như không bao giờ nhìn thấy sự tích cực mà chỉ chăm chăm soi mói, chê bai và lên án (đa phần) một cách thiếu hiểu biết, mặc dù người đó, sự việc đó chẳng liên quan đến họ. Rồi sau đó vài ngày, có thể chính những người này sẽ lại: “Tao thấy nước Nhật thế này, tao thấy bọn Hàn làm được thế kia, còn cái Việt Nam này thì,...” Nhưng bạn ạ, bạn đã làm được như những gì người Hàn, người Nhật họ làm vì đất nước, vì sản phẩm của họ chưa. Không phải tự nhiên là Samsung lên được vị trí của ngày hôm nay đâu.

Dinh Dai (dinhdai0312@gmail.com)