Tràn ngập phần mềm nghe lén: Thị trường béo bở cần phải truy quét

(Dân trí) - Vụ việc hơn 14.000 số điện thoại bị công ty TNHH Việt Hồng nghe lén đã làm dấy lên bức xúc từ dư luận. Tuy nhiên, thâm nhập sâu hơn vào “đường dây” cung cấp dịch vụ theo dõi, nghe lén, kiểm soát điện thoại thì mới biết được đây là thị trường béo bở từ nhiều năm nay.

Thử gõ từ khóa tìm kiếm “phần mềm nghe lén”, “phần mềm theo dõi điện thoại” và cả “thiết bị nghe lén” trên Google, PV Dân trí không khỏi giật mình khi có tới hơn hơn 3,3 triệu kết quả trả về chỉ trong vòng 0,33 giây. Có thể thấy phần mềm nghe lén đã được rao bán công khai trên hàng loạt các trang thương mại điện tử, thậm chí có những công ty lập riêng trang web chỉ để bán phần mềm nghe lén.

Thị trường mua bán phần mềm nghe lén đã sôi động từ nhiều năm nay. Người mua và người bán đều có thể giao dịch một cách dễ dàng. Với khách hàng mua, chỉ cần thực hiện một cú điện thoại, truy cập vào trang web của nhà cung cấp, nhấp chuột để nhập mã đã mua và đăng ký sử dụng các gói dịch vụ, từ 90.000 đồng đến 510.000 đồng/tháng.

Mặc dù trên các trang web bán phần mềm gián điệp đều quảng cáo không nhằm mục đích xấu nhưng thực tế ai cũng hiểu việc giám sát người khác một cách bí mật và không được cho phép là một điều không bao giờ được xem là hợp pháp.
 
Thị trường béo bở từ nhiều năm nay khiến không ít người trở thành nạn nhân mà không hề hay biết.

Thị trường béo bở từ nhiều năm nay khiến không ít người trở thành nạn nhân mà không hề hay biết.

Theo tìm hiểu của PV Dân trí, bằng cách nào đó, khi phần mềm theo dõi điện thoại đã được cài đặt lên máy thì nạn nhân sẽ bị theo dõi mọi hoạt động trên điện thoại,bao gồm tất cả các nội dung cuộc đàm thoại, tin nhắn, định vị tọa độ di chuyển của điện thoại, thậm chí cả e-mail gửi đến và đi trên điện thoại. Theo lời quảng cáo từ các trang web, phần mềm theo dõi điện thoại có thể hoạt động ở khắp nơi trên thế giới, hỗ trợ mọi ngôn ngữ. Điều này có thể thấy dù một người đang ở rất xa chúng ta nhưng mỗi khi đã cài được phần mềm vào máy của người dùng thì có thể “nắm lòng” tất cả thông tin của người dùng.

Như một lời mời gọi, trên trang web http://giamsatdinhvi.net/,  không hết lời quảng cáo về các tính năng của phần mềm theo dõi của mình mang tên Spyphone. Chủ nhân của trang web này nhấn mạnh phần mềm có mục đích theo dõi và định vị điện thoại. “Tuy nhiên, trong thực tế những phần mềm theo dõi điện thoại này có thể sử dụng cho rất nhiều mục đích tốt và hợp pháp trong cuộc sống. Các tính năng hữu ích của phần mềm theo dõi điện thoại như quản lý giám sát con em ở độ tuổi vị thành niên, giám sát nhân viên kinh doanh, hỗ trợ tìm lại điện thoại bị mất, phát hiện các hành vi ngoại tình của vợ chồng...”.

Những người bán mặt hàng này cũng không quên “trấn an” khách hàng bằng lời lẽ: “Phần mềm này cũng rất dễ sử dụng. Mọi thông tin và dữ liệu nhạy cảm từ điện thoại đã cài phần mềm này sẽ được gửi trực tiếp về điện thoại của người cài đặt”.

Những trang web thám tử cũng giới thiệu phần mềm nghe lén, định vị trên điện thoại như là một dịch vụ “chuyên biệt” của mình, giúp khách hàng theo dõi mọi đối tượng.

Ông Ngô Tuấn Anh,  Phó chủ tịch phụ trách An ninh mạng của Bkav, cho rằng vụ việc công ty Việt Hồng và phần mềm Ptracker theo dõi hơn 14.000 số điện thoại người dùng là một phát hiện gây chấn động nhất trong thời gian qua. Tuy nhiên, trên thực tế, thị trường phần mềm giám sát điện thoại đã tồn tại từ nhiều năm nay và đã có không ít người đã trở thành nạn nhân của những kẻ cố tình kiếm lợi bằng mọi cách, kể cả xâm phạm đến đời tư của người khác.
Người dùng nên cẩn thận, không cho những người không tin tưởng mượn điện thoại.
Người dùng nên cẩn thận, không cho những người không tin tưởng mượn điện thoại.

Theo ông Tuấn Anh, phần mềm gián điệp hầu hết được xây dựng mặc định dành quyền admin trên điện thoại, khiến cho người dùng không thể xóa phần mềm này ra khỏi máy theo cách thông thường. Do đó, người dùng phải gỡ bỏ quyền admin của phần mềm này để loại bỏ sự tồn tại của nó.

Các chuyên gia bảo mật cho rằng, với người dùng phổ thông, bước đầu tiên để phát hiện điện thoại của mình có bị cài đặt phần mềm Ptracker và các loại phần mềm gián điệp khác hay không thì có thể nhận biết bằng mắt thường. Ví dụ như là pin điện thoại hao hụt nhanh, lưu lượng dữ liệu 3G tăng đột biến, và cấu hình định vị GPS bật, tắt một cách bất thường… Tuy nhiên, đối với một số điện thoại cấu hình cao, tốc độ nhanh thì những dấu hiệu trên gần như không thể hiện, thế nên người dùng rất khó để xác định chính xác.

Ông Tuấn Anh đưa ra lời khuyên, tốt nhất là người dùng nên hạn chế, và thật cẩn trọng không nên cho người khác, đặc biệt là người lạ mượn điện thoại bởi chỉ cần vài phút thôi là có thể cài đặt phần mềm gián điệp mà mình không hay biết.

Ngoài ra, chuyên gia bảo mật cũng khuyến cáo người dùng khi cài đặt các ứng dụng trên điện thoại cần lựa chọn các nguồn tin cậy, chính thống của các hãng, như Apple Store, Google Play, Windows Store, Nokia Store. Đối với các kho ứng dụng không chính thống, các phần mềm được cài đặt mã độc có thể ẩn chứa trong ứng dụng tưởng như vô hại.
Theo ông Tuấn Anh, nếu không kịp thời ngăn chặn, thị trường thiết bị, phần mềm nghe lén sẽ trở thành một “ngành công nghiệp” bởi những kẻ xấu có thể lợi dụng sự tinh vi của phần mềm để tống tiền, ăn cắp thông tin người dùng, và thực hiện nhiều hành động khác mà khó ai có thể ngờ tới. Vì vậy, có nên chăng các nhà quản lý, các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng cần phải ra tay để xóa sổ thị trường phần mềm, thiết bị nghe lén vốn đã bùng nổ từ nhiều năm nay.

Chia sẻ với báo Dân trí về vụ việc hơn 14.000 số điện thoại bị theo dõi, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO, cho rằng, cần phải phạt tù, và ít nhất cũng phải xử phạt hành chính những người chủ ý truy cập bất hợp pháp vào máy điện thoại của rất nhiều người để chiểm quyền điều khiển và can thiệp vào chức năng của máy điện thoại.

Mặc dù mức hình phạt tối đa của tội vi phạm khoản 3, Điều 6 về “Bảo đảm bí mật thông tin” là 20 triệu đồng, như luật sư Đức cho rằng, trong trường hợp này, nếu xử lý hành chính như trên thì quá nhẹ, cần phải xem xét xử lý hình sự, vì có dấu hiệu vi phạm Điều 125 về “Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác”, Bộ luật Hình sự năm 1999. Cụ thể khoản 1 của Điều luật này quy định: “1. Người nào chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính hoặc có hành vi trái pháp luật xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ một triệu đồng đến năm triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.”. Nếu phạm tội có tổ chức, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, phạm tội nhiều lần hoặc gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 2 của Điều luật này, thì có thể bị phạt cải tạo không giam giữ từ một năm đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Khôi Linh