Tiềm năng khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam rất phong phú

(Dân trí) - Việt Nam có tiềm năng khảo cổ học rất lớn, gồm những loại hình di tích chìm ngập có niên đại từ hàng chục nghìn năm trước, cảng và thương cảng có niên đại ít nhất 2.000 năm trước công nguyên, di tích tàu đắm từ thế giới Ả-rập, Trung Quốc, Bồ Đồ Nha, Tây Ban Nha, Pháp, Hà Lan, Mỹ, Nhật Bản và Anh...

Trong 3 ngày từ 14 - 16/10, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội thảo khoa học Quốc tế “Khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam và Đông Nam Á: Hợp tác cùng phát triển” tại tỉnh Quảng Ngãi.

Đề dẫn và tuyên bố khai mạc Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng – Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết ngành khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam vừa mới hình thành và đang bắt đầu những hoạt động nghiên cứu đầu tiên. Các chương trình hợp tác nghiên cứu giữa Việt Nam và quốc tế đã thực hiện ở Vân Đồn (vùng biển Đông Bắc) và Thị Nại (khu vực vùng biển miền Trung), đồng thời phát hiện các di tích tàu đắm ở Cà Mau, Vũng Tàu, Cù Lao Chàm (Quảng Nam) hay vùng biển Bình Châu (Quảng Ngãi) vừa qua.


Tiềm năng khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam rất phong phú

GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phát biểu đề dẫn Hội thảo.

GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng đưa ra khái niệm, di sản văn hóa dưới nước là một loại di sản đặc biệt không phải ai muốn cũng có thể tiếp cận được, cho dù đấy là nhà chuyên môn. Di sản này đặc biệt bởi nó tồn tại trong một môi trường đặc biệt. Với hàng loạt cổ vật vừa trục vớt từ dưới biển, đó là đối tượng chính của khảo cổ học dưới nước, cụ thể là di chỉ tàu đắm cũng được tiến hành nghiên cứu khai quật và bảo tồn theo một phương pháp đặc thù.


Theo quan điểm của PGS. Mark Staniforth – Đại học Flinders (Úc), thành viên ICOMOS-ICUCH (Ủy ban quốc tế về các công trình tưởng niệm và di tích - Ủy ban quốc tế về Di sản văn hóa dưới nước) thuộc UNESCO, cho rằng Việt nam có đường bờ biển dài hơn 3.000km và hoạt động trên biển diễn ta trên 2.000 năm về trước. Việt Nam cũng nằm ở trung tâm khu vực Đông Nam Á, trên “con đường tơ lụa trên biển”, đã chứng kiến mối quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và phương Tây hàng thế kỷ trên biển Đông.

Trên cơ sở đó, Việt Nam có tiềm năng khảo cổ học rất lớn, gồm những loại hình di tích chìm ngập có niên đại từ hàng chục nghìn năm trước, cảng và thương cảng có niên đại ít nhất 2.000 năm trước công nguyên, di tích tàu đắm có nguồn gốc địa phương ở khu vực từ thế giới Ả-rập, Trung Quốc và những quốc gia thương mại khác như Bồ Đồ Nha, Tây Ban Nha, Pháp, Hà Lan, Mỹ, Nhật Bản và Anh.

Tiềm năng khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam rất phong phú

PGS. Mark Staniforth tham gia thảo luận với nhìn nhận về tiềm năng khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam.

PGS. Mark Staniforth nhấn mạnh: “Khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam rõ ràng có tiềm năng rất lớn đối với việc tăng cường nhận thức của chúng ta về quá khứ cũng như cung cấp tư liệu, chứng cứ khảo cổ học cho việc giải thích, trưng bày và du lịch văn hóa trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Việc quản lý di sản văn hóa dưới nước cần gắn với giáo dục cộng đồng, tăng cường sự tham gia của cộng đồng gắn với đánh giá nguy cơ đe dọa đối với di sản”.

Tiềm năng khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam rất phong phú
Hội thảo góp phần mở ra tương lai cho khảo cổ học dưới nước, đặc biệt là cách xử lý, bảo vệ và phát huy giá trị những con tàu đắm ở nước ta.

Nhìn nhận công tác khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Giang Hải – Viện trưởng Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) thống kê cho đến nay, Việt Nam đã khai quật được 6 con tàu đắm. Cụ thể vào tháng 6/1990, trục vớt tàu đắm gần đảo Hòn Cau (Vũng Tàu) ở độ sâu khoảng 40m; ở Hòn Dầm (đảo Phú Quốc, Kiên Giang) vào tháng 5/1991; tàu cổ ở Cà Mau vào năm 1999; Cù Lao Chàm (Quảng Nam) khai quật từ năm 1997 đến 1999; tàu đắm ở Bình Thuận vào năm 2001-2002 và ở vùng biển Bình Châu (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) vào năm 2013.

“Mặc dù là một quốc gia giàu tiềm năng về di sản văn hóa dưới nước nhưng Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc bảo vệ, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị những di sản văn hóa dưới nước, trong đó, nước ta không có nhiều chuyên gia được đào tạo bài bản về khảo cổ học biển”, PGS.TS. Nguyễn Giang Hải chia sẻ.

Các đại biểu là nhà khoa học, nghiên cứu về khảo cổ học dưới nước đến từ các quốc gia khác nhau.
Các đại biểu là nhà khoa học, nghiên cứu về khảo cổ học dưới nước đến từ các quốc gia khác nhau.

Bên cạnh đó, Hội thảo có sự chia sẻ của 24 bài tham luận từ 170 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa thuộc 17 quốc gia; trong đó có các nước như Indonesia, Philippines, Thái Lan, Ấn Độ, Úc, Đức, Pháp, Brunei,…

Bên lề hội thảo, các đại biểu đã trực tiếp tham quan, tìm hiểu thực tế tại di tích tàu đắm ở xã Bình Châu (huyện Bình Sơn), đảo Lý Sơn và Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi.

Hồng Long