Thung lũng Silicon chao đảo vì "đòn đánh" từ ông Trump?

(Dân trí) - Đây là nhận định của Nicole Lee, cây viết của tờ báo công nghệ nổi tiếng Engadget, khi cho rằng các công ty công nghệ tại thung lũng Silicon sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều bởi quyết định mới ban hành từ Tổng thống Mỹ.

Nhân viên Google biểu tình phản đối sắc lệnh cấm người nhập cư tại Mỹ. (Ảnh: Twitter)
Nhân viên Google biểu tình phản đối sắc lệnh cấm người nhập cư tại Mỹ. (Ảnh: Twitter)

Gần như ngay sau khi Tổng thống Trump ký sắc lệnh cấm người nhập cư từ 7 quốc gia có đông người Hồi giáo cư trú, giới công nghệ ở thung lũng Silicon đã đón nhận những ảnh hưởng rõ rệt. Lệnh cấm khiến hàng trăm người đa quốc tịch bị kẹt tại các sân bay ở Mỹ, ngay cả đối với những người có trong tay thẻ xanh. Một vài người thậm chí đã bị trục xuất.

Giám đốc điều hành Sundar Pichai của Google thậm chí phải vội vã quay trở lại Mỹ vì đối mặt nguy cơ không được phép lên máy bay. Ông gửi một thông điệp trên mạng xã hội: "Thật đau đớn khi đối tượng nhắm đến của sắc lệnh này là chính những đồng nghiệp, những người bạn của chúng tôi." Hồi cuối tuần trước, nhân viên Google tại nhiều nơi cũng đã tiến hành những cuộc biểu tình phản đối sắc lệnh cấm nhập cư của Tổng thống Donald Trump.

Lãnh đạo của một loạt các công ty hàng đầu ở thung lũng Silicon như Apple, Microsoft, Uber, Facebook, Airbnb cũng đã phát biểu những suy nghĩ trái chiều liên quan tới sắc lệnh mới được ban hành.

Ngoài ra, họ cũng cho biết sẽ hỗ trợ tài chính và quyền lợi cho các nhân viên bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm. Các công ty như Google và Lyft thì lần lượt quyên góp hàng triệu USD cho các tổ chức, hoạt động nhằm phản đối lại sắc lệnh cấm từ Tổng thống Trump.

CEO Uber tuyên bố rời khỏi ban cố vấn kinh tế của Tổng thống Trump trước sức ép từ cộng đồng mạng đòi tẩy chay dịch vụ của họ. (Ảnh: CNET)
CEO Uber tuyên bố rời khỏi ban cố vấn kinh tế của Tổng thống Trump trước sức ép từ cộng đồng mạng đòi "tẩy chay" dịch vụ của họ. (Ảnh: CNET)

Uber thì đối mặt tình thế "trớ trêu" khi có hàng trăm ngàn người Mỹ kêu gọi tẩy chay các dịch vụ của họ vì cho rằng công ty đã "về một phe" với vị tân Tổng thống trong chiến dịch chống lại người nhập cư. CEO Uber là Travis Kalanick sau đó đã phải rời ban cố vấn kinh tế của ông Trump trước sức ép từ dư luận.

Nicole Lee, cây viết của tờ báo công nghệ nổi tiếng Engadget thậm chí nhận định rằng sắc lệnh mới ban hành là một "đòn đánh vào thung lũng Silicon".

Quả thật, sự thành công của thung lũng Silicon nói riêng, và ngành công nghệ thông tin của thế giới nói chung khó lòng đạt được vị trí như ngày nay nếu như không có những người lao động nhập cư. Rất nhiều ý tưởng và sự đột phá từ thung lũng Silicon được phát minh và nuôi dưỡng bởi những người nhập cư. Nếu như không có họ, chúng ta có thể sẽ không được cầm chiếc iPhone như ngày nay, hoặc sẽ không có Google hay Amazon để phát huy hết khả năng của Internet.

Không chỉ riêng CEO của Google là người nhập cư gốc Ấn, mà Sergey Brin - một trong những người sáng lập của công ty cũng xuất thân là người tị nạn từ Nga. Giám đốc điều hành của Microsoft - ông Satya Nadella cũng là người Ấn Độ giống như Sundar Pichai. Ngoài ra, nhiều công ty như Apple, Google và Facebook cũng đang tuyển dụng nhiều nhân tài nước ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực kỹ thuật cao. Chưa hết: Hơn một nửa cộng đồng khởi nghiệp tại thung lũng Silicon trị giá 1 tỷ USD là do người nhập cư sáng lập.

Thung lũng Silicon có thể sẽ không đạt được những thành quả như ngày nay nếu không có sự đóng góp của những người nhập cư.
Thung lũng Silicon có thể sẽ không đạt được những thành quả như ngày nay nếu không có sự đóng góp của những người nhập cư.

Gần đây, nhiều công ty công nghệ lớn bao gồm cả Apple, Google, Facebook, Uber đã soạn thảo một bức thư ngỏ tới Tổng thống Trump, lập luận rằng lệnh cấm nhập cư không chỉ chống lại giấc mơ Mỹ, mà còn đem lại những rủi ro lớn về mặt kinh tế. "Trong một nền kinh tế toàn cầu phát triển, điều quan trọng nhất là chúng ta tiếp tục tập trung và thu hút được những nhân tài từ khắp nơi trên thế giới", bức thư viết.

Tuy nhiên cho tới nay thì lệnh cấm vẫn đang được ban hành, bất chấp sự phản đối và tạm thời gián đoạn do có sự can thiệp của các thẩm phán liên bang Mỹ. Các cuộc biểu tình vẫn đang xảy ra tại nhiều sân bay trên toàn quốc với một câu hỏi nhức nhối: "Những người nhập cư sẽ còn bị giam giữ bao lâu nữa?"

Nếu Tổng thống Trump tiếp tục thi hành lệnh cấm, hoặc tệ hơn nữa là mở rộng sang các nước khác, đây có thể sẽ là một thảm họa với thung lũng Silicon.

Các chuyên gia cho biết sắc lệnh sẽ làm gián đoạn và khiến các công ty phải thay đổi hoàn toàn phương pháp tuyển dụng của họ - chuyển sự chú ý tới một nhóm các người ứng tuyển có trình độ thấp hơn. Những kỹ sư được đào tạo bài bản và có trình độ cao thì lại không thể tiếp tục làm việc tại Mỹ, khiến xảy ra tình trạng chảy máu chất xám trên diện rộng.

Đà phát triển của ngành công nghệ thế giới theo đó cũng đối mặt với nguy cơ bị chững lại, khiến chúng ta tụt hậu hơn so với những gì có thể làm trong điều kiện thuận lợi.

Nguyễn Nguyễn

Theo Engadget

Thung lũng Silicon chao đảo vì "đòn đánh" từ ông Trump? - 4