Thủ tướng yêu cầu chặn dòng tiền vi phạm pháp luật giữa người dùng VN và Facebook, Google

(Dân trí) - Bộ Thông tin & Truyền thông cho biết các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới chưa có sự hợp tác tích cực với Chính phủ Việt Nam khi không đồng ý gỡ bỏ các bài viết, nội dung theo yêu cầu của Việt Nam vì cho rằng không vi phạm chính sách cộng đồng doanh nghiệp.

Trong Báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ TT&TT đánh giá, lợi nhuận các dịch vụ xuyên biên giới kinh doanh ở Việt Nam đang tiếp tục tăng và trong đó không ít nguồn tiền từ Việt Nam chi trả cho các dịch vụ bất hợp pháp, như việc đặt quảng cáo trên các nội vi phạm, phản cảm trên các website, báo điện tử. 

Khi phát hiện vi phạm khó xác định được nhân thân chủ thể vi phạm và khó xử lý hành chính vì các nội dung vi phạm trên mạng hiện nay chủ yếu là các web có tên miền quốc tế, đặt máy chủ ở nước ngoài, cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, gây khó khăn cho công tác quản lý, xử lý vi phạm. 

Thủ tướng yêu cầu chặn dòng tiền vi phạm pháp luật giữa người dùng VN và Facebook, Google  - 1

Nêu rõ hơn, Bộ TT&TT chỉ ra tình trạng Facebook không đồng ý gỡ bỏ các bài viết, nội dung theo yêu cầu của Việt Nam vì cho rằng không vi phạm chính sách cộng đồng doanh nghiệp. Tức cả Facebook, Google đều đặt chính sách cộng đồng của doanh nghiệp trên các quy định của pháp luật Việt Nam khi xem xét, đánh giá nội dung vi phạm.

Từ đó, Bộ cũng biết đã đẩy mạnh việc trao đổi và yêu cầu các dịch vụ xuyên biên giới như Facebook, Google hợp tác ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin sai sự thật, trái với quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước. Đồng thời yêu cầu Facebook và Google phải tuân thủ các quy định pháp luật Việt Nam, mở văn phòng đại diện và lưu trữ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam theo quy định tại Luật An ninh mạng.

Bộ cũng nói thêm đã thiết lập đầu mối và cơ chế hợp tác dành riêng với Việt Nam để trao đổi về các vấn đề còn tồn tại. 

Về vấn đề xử lý phát tán thông tin sai sự thật (Fake news) trên Facebook và Youtube, Bộ TT&TT cho biết đã từng bước xử lý vấn đề này, góp phần hạn chế tình trạng giả mạo fanpage của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng xã hội này.  Trong đó, Bộ cũng yêu cầu Facebook cấp nhanh xác thực (dấu tick xanh) cho các fanpage chính thức của một số cơ quan, tổ chức, cá nhân có nguyện vọng, cũng như chỉ cho phép lập fanpage chính thức của một số cơ quan, tổ chức Đảng và Nhà nước khi có sự đồng ý của Bộ TT&TT hoặc sự xác nhận của chính cơ quan, tổ chức đó.

Người đứng đầu Bộ TT&TT cũng cho biết, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xây dựng phương án chặn dòng tiền giao dịch vi phạm pháp luật giữa người dùng Việt Nam và các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Facebook, Google.

Trước đó, Cục PTTH&TTĐT cho biết, hiện nay trên YouTube có khoảng 55.000 video clip có nội dung xấu độc vi phạm pháp luật. Hai nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới đang chiếm hơn 70% doanh thu quảng cáo online ở Việt Nam, ước khoảng 400 triệu USD. Tuy nhiên, rất nhiều nội dung trên Facebook và Google đang vi phạm pháp luật Việt Nam. Tình trạng các clip xấu, độc được đăng tải trên nền tảng YouTube vẫn còn rất nhiều và có chiều hướng gia tăng. 

Tính đến thời điểm này, Google đã hợp tác và gỡ bỏ gần 8000 clip xấu độc theo yêu cầu, gỡ bỏ 58/63 trò chơi vi phạm pháp luật Việt Nam trên kho ứng dụng. Facebook cũng đã gỡ bỏ 208/211 tài khoản giả mạo, hơn 200 bài viết có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật Việt Nam...

Ngọc Linh