Thử nghiệm cảm biến vân tay siêu âm trên Galaxy S10

(Dân trí) - Tính năng mở khóa bằng bằng vân tay trên màn hình của Galaxy S10 có lẽ được chờ đợi nhiều nhất, giúp tối giản thiết kế và hợp thời. Tuy nhiên, thực tế sử dụng nó có hiệu quả không?

Tính năng được chờ đợi nhất trên Galaxy S10+ đó là cảm biến vân tay dưới màn hình. Galaxy S10+ sử dụng công nghệ cảm biến vân tay bằng sóng siêu âm dưới màn hình. Ưu điểm của công nghệ này đó là tốc độ nhận diện nhanh tương đương cảm biến điện dung. Công nghệ cảm biến siêu âm sẽ sử dụng âm thanh siêu âm tần số cao có nhiệm vụ ghi lại các chi tiết dấu vân tay của người dùng. Người dùng chỉ cần chạm ngón tay để mở thay vì vuốt trên màn hình.

Thử nghiệm cảm biến vân tay siêu âm trên Galaxy S10 - 1

Hệ thống nhận diện vân tay sẽ bao gồm máy phát và máy thu tín hiệu. Khi một xung siêu âm được truyền đến ngón tay, cung cấp thông tin về đường vân tay và nhiều chi tiết khác để phục vụ xây dựng bản đồ đường vân và rãnh trên dấu vân tay.

Bên cạnh đó, hệ thống vân tay siêu âm cũng sử dụng một cảm biến để phát hiện các ứng suất cơ học nhằm tính toán cường độ xung siêu âm tại các điểm khác nhau trên máy quét. Công nghệ này cũng thú vị ở chỗ khi liên tục thu thập dữ liệu vân tay nó sẽ học hỏi và tái tạo, nhận diện vân tay 3D ngày càng chính xác hơn.

Với những thông tin trên cũng khiến tôi thích thú với trải nghiệm mới và đặc biệt điều tôi muốn có một cảm biến vân tay trong màn hình trên dòng S đã từ thời S9 trước đó. Có lẽ vì công nghệ chưa sẵn sàng nên thế hệ Galaxy S10 mới được tích hợp. Việc trang bị công nghệ này giúp cho thiết kế mặt sau liền mạch hơn, mở khóa sẽ tiện hơn.

Thử nghiệm

Ngay khi cầm trên tay thiết bị tôi đã ngay lập tức thiết lập mở khóa vân tay siêu âm trên Galaxy S10+. Việc thiết lập diễn ra thuận lợi và tương tự cách mà tôi đã từng thiết lập trên Galaxy S9+ năm ngoái. Cảm giác chạm vào cảm biến siêu âm trên màn hình nó rung nhẹ như việc thiết lập cảm biến vân tay sau của Galaxy S9+.

Thử nghiệm cảm biến vân tay siêu âm trên Galaxy S10 - 2

Ở những thử nghiệm ban đầu, có lẽ vẫn chưa quen nên tôi có xu hướng đưa tay chạm giữ lâu để mở thiết bị. Thử 10 lần thì 8 lần cảm biến vân tay này nhận ngay trong thử nghiệm đầu tiên. Về cơ bản nó không khác cảm biến vân tay vật lý như trên Galaxy S9+. Và có vẻ tốt hơn hẳn mẫu Mate 20 Pro và cả Vivo X20+ mà tôi đã thử qua... Đây là những cảm biến vân tay quang học dùng ánh sáng chiếu lên màn hình để nhận diện.

Theo như các thông tin trước đó có cho biết, công nghệ cảm biến vân tay siêu âm hiện tại có thể nhận diện vân tay xuyên qua lớp kính dày đến 800 micron và kim loại dày 400 micron. Thời gian mở khoá của cảm biến vân tay siêu âm nhanh 30% hơn so với bảo mật vân tay quang học và các hình thái bảo mật phổ biến khác. Thực tế sau khi sử dụng vài trải nghiệm qua vài ngày mới thấy tốc độ nó phản hồi cực tốt.

Thử nghiệm cảm biến vân tay siêu âm Galaxy S10+

Trong các ngày tiếp theo, tôi hiểu rõ hoạt động của cảm biến vân tay này nên khả năng mở khóa cực kỳ dễ chịu, khá nhanh, chỉ chạm vào ngay cả màn hình tắt là máy đã tự động mở màn hình thay vì nó rung nhẹ lên cũng như hiển thị hình ảnh cảm biên vân tay.

Chỉ đếm nhẩm có thể thấy chưa đầy 2 giây máy đã được mở khóa từ màn hình chờ một cách dễ dàng.

Một vấn đề liên quan đến rào cản của cảm biến vân tay so với các loại bảo mật khác đó là nước. Tuy nhiên, ở thế hệ cảm biến vân tay siêu âm của Galaxy S10+ có lẽ đã khắc phục cũng khá tốt nhược điểm này. Trong thử nghiệm của tôi, khi tay dính nhiều mồ hôi do vận động thể thao, tôi đều có thể mở được dễ dàng, tỉ lệ 8/10. Khi tay tôi dính nước, thì tỉ lệ cũng không thua kém là bao 7/10 (dù tôi đang dùng cả miếng dán màn hình của hãng) rất tốt so với các thế hệ cảm biến vân tay vật lý. Thậm chí tay khá bẩn, máy vẫn quét rất tốt, chẳng thua kém là bao. 

Thử nghiệm cảm biến vân tay siêu âm trên Galaxy S10 - 3

Làm trầy nhưng máy quét vẫn hoạt động hiệu quả

Tôi cũng có xem một video "phá" Galaxy S10+ của một reviewer công nghệ. Anh chàng này đã dùng tua vít để làm trầy xướt vùng cảm biến vân tay. Khi làm trầy khá nhiều nhưng máy quét vẫn cho hoạt động khá tốt. Tuy nhiên khi bề mặt bị trầy với độ lõm lớn hơn, nó hoàn toàn mất tác dụng. Vì vậy, nếu sử dụng thông thường tôi nghĩ nó chẳng hề hấn gì đối với cảm biến vân tay này. 

Tất nhiên công nghệ này cũng hưởng lợi thế từ các công nghệ cảm biến vân tay khác đó là sử dụng ở bất cứ môi trường ánh sáng nào. Ngay cả trong đêm tối vẫn có thể quét dễ dàng, điều này giúp cho khả năng truy cập vào sử dụng smartphone dễ dàng.

Một điểm cộng cho công nghệ này đó là vân tay giả 2D không thể qua mặt, điều mà vân tay quang học dễ dàng bị đánh lừa. Thú thật tôi chưa có cả 2 cái công nghệ cùng lúc để có thể trải nghiệm chính xác. Tuy nhiên, việc nó khó bị đánh lừa giúp tôi yên tâm hơn khi sử dụng vân tay này cho các giao dịch online, giao dịch qua nền tảng Samsung Pay.

Nhược điểm

Tất nhiên công nghệ nào cũng có nhược điểm và máy quét này cũng vậy. Cảm biến vân tay siêu âm hiện tại của Galaxy S10+ chỉ có vùng hoạt động giới hạn, là một khu vực nhỏ trên màn hình. Việc này buộc người dùng phải quét ngay tại vị trí đó và cần có thời gian làm quen ít nhất 3 ngày thì mới thành thạo.

Thử nghiệm cảm biến vân tay siêu âm trên Galaxy S10 - 4

Vùng cảm biến vẫn còn giới hạn

Bên cạnh đó, miếng dán màn hình vẫn còn là rào cản. Tôi sử dụng miếng dán có sẵn khi mua máy, kết quả cho ra vẫn tốt nhưng thực tế lột miếng dán này ra, khả năng nhận dạng nhanh hơn đáng kể.

Thử một miếng cường lực dày đều ngăn cản cảm biến vân tay này hoạt động hiệu quả. Và thông tin tôi tìm hiểu thì các miếng dán truyền thống đều không hoạt động với cảm biến vân tay siêu âm mà cần có loại chuyên dụng. Tất nhiên, các miếng dán chuyên dụng chắc chắn sẽ được tung ra nhiều trong thời gian tới khi công nghệ này đang dần được phổ biến, mình chứng là việc Samsung tung ra Galaxy A50 mới có cảm biến này.

Với những nâng cấp mới, tôi tạm hài lòng với cảm biến vân tay trên Galaxy S10+. Đó là một trải nghiệm thú vị và nhanh chóng. Tôi thường kết hợp việc mở khóa cả khuôn mặt giúp cho khả năng hoạt động hiệu quả hơn. Khi chưa kịp mở khóa bằng vân tay thì máy đã nhận diện mở khóa bằng khuôn mặt cực nhanh.

Gia Hưng