Tài khoản mạng xã hội của Tổng thống Obama được chuyển giao ra sao?

Facebook, Instagram, Twitter của Tổng thống Barack Obama sẽ được chuyển giao cho bà Hillary Clinton hoặc ông Donald Trump.


Tài khoản mạng xã hội của ông Obama được chuyển giao cho vị Tổng thống tiếp theo. Ảnh minh họa: Internet

Tài khoản mạng xã hội của ông Obama được chuyển giao cho vị Tổng thống tiếp theo. Ảnh minh họa: Internet

Nhà Trắng vừa công bố tài liệu tổng quan về kế hoạch “chuyển giao kỹ thuật số” giữa chính quyền Tổng thống Obama và vị Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ. Tài liệu nêu chi tiết từng tài khoản mạng xã hội của Nhà Trắng sẽ được giao cho người chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống ngày 8/11 sắp tới như thế nào. Do ông Obama là Tổng thống đầu tiên sử dụng các ứng dụng này, chưa có tiền lệ về thủ tục “sang tên tài khoản mạng xã hội”, vì vậy Nhà Trắng phải tự phát triển vài quy tắc.

Việc chuyển giao được ấn định vào lễ nhậm chức ngày 20/1/2017. Đó chính là thời điểm bà Hillary Clinton hoặc ông Donald Trump sẽ được sử dụng tài khoản Twitter @POTUS. Nhà Trắng cho biết số người theo dõi (hiện tại là 11 triệu) được giữ nguyên nhưng các tweet được làm trống để vị Tổng thống Mỹ thứ 45 bắt đầu từ đầu. Lịch sử tweet của ông Obama được chuyển sang tài khoản mới @POTUS44. Tài khoản đã mở nhưng đang được bảo vệ.

Điều tương tự cũng xảy ra với Facebook và Instagram: các trang hiện tại của Nhà Trắng sẽ xóa mọi bài đăng nhưng số người theo dõi vẫn như vậy. Nội dung mà chính quyền ông Obama đăng tải được chuyển sang địa chỉ Facebook.com/ObamaWhiteHouse và Instagram.com/ObamaWhiteHouse. Theo Nhà Trắng, chiến lược mở rộng sang các nền tảng khác như Tumblr, YouTube.

Để thực hiện sự thay đổi “chưa từng có tiền lệ”, chính quyền ông Obama tập trung vào 3 mục tiêu:

1. Bảo toàn mọi thứ (tweet, ảnh, bài đăng Facebook…) với Cơ quan Quản trị Kỷ lục và Văn khố Quốc gia (NARA). “Mọi tài liệu chúng tôi đăng tải trên mạng đều được bảo toàn với NARA giống với các chính quyền trước đây làm với bản ghi từ ghi chú viết tay đến fax, email”, Kori Schulman, Phó Giám đốc Kỹ thuật Nhà Trắng, viết. NARA cũng nhận được tất cả bản sao độ phân giải đầy đủ về ảnh và video đăng trên mạng để chúng được lưu ở chất lượng cao nhất.

2. Bảo đảm nội dung được duy trì trên nền tảng được đăng tải. Ảnh Instagram ở trên Instagram. Video YouTube ở trên YouTube. Thư viện mạng xã hội không chỉ được NARA lưu trữ mà Nhà Trắng còn muốn bảo đảm tất cả mọi thứ đều dễ tiếp cận về sau.

3. Chuyển giao mọi tài sản kỹ thuật số cho chính quyền tiếp theo. Điều này áp dụng với tất cả tài khoản của Nhà Trắng và các công cụ khác như We The People (một mục trên website Nhà Trắng, cho phép bất kỳ ai đăng nhập và gửi thỉnh nguyện cho chính quyền). Vị Tổng thống tiếp theo không có trách nhiệm phải duy trì website này nhưng Nhà Trắng đã công bố mã nguồn mở với hi vọng nó tiếp tục được sử dụng.

Website WhiteHouse.gov của ông Obama được “đóng băng” vào ngày 20/1 và chuyển sang tên miền khác, nhường không gian lại cho người kế nhiệm. Cuối cùng, Nhà Trắng khẳng định hoạt động mạng xã hội rất dễ tải về (qua tập tin .zip) và lưu lại, cho phép “người quan tâm đến việc xây dựng gì đó cho công chúng” để biến nội dung trong 8 năm qua “hữu ích và sẵn sàng trong nhiều năm sau”.

Theo ICTNews