Smartphone và mạng xã hội đang “giết chết” truyền thông trực tuyến?

(Dân trí) - Sự tăng trưởng nhanh chóng của các thiết bị di động thông minh và mạng xã hội có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai của các tổ chức truyền thông trực tuyến trên toàn thế giới, một kết quả nghiên cứu đã chỉ ra điều này.

Nhận định trên được đưa ra bởi Việc nghiên cứu Báo chí Reuters (RISJ), trực thuộc Đại học Oxford (Anh), chuyên nghiên cứu và đưa ra các nhận định về các vấn đề ảnh hưởng đến báo chí và truyền thông trên toàn cầu.

Theo nhận định của RISJ, nhiều hãng tin đang phải chật vật để tìm kiếm lợi nhuận từ các nội dung trực tuyến, khi mà ngày càng nhiều người dùng các thiết bị di động thông minh, đặc biệt smartphone, đang muốn khám phá tin tức thông qua các công cụ tìm kiếm hoặc qua mạng xã hội, thay vì trực tiếp vào các trang tin điện tử của các hãng tin này.

Xu thế này dẫn đến tình trạng doanh thu từ quảng cáo trực tuyến đã bị sụt giảm nghiêm trọng, bởi lẽ người dùng smartphone, những người sử dụng đến 1/2 thời gian trên smartphone của mình để đọc tin tức, ngày càng trở nên thất vọng với các nội dung quảng cáo hiển thị trên các trang tin điện tử.

“Nhiều người thích đọc và sử dụng tin tức, nhưng họ không muốn trả tiền cho các tin tức đó cũng như không muốn nhìn thấy các nội dung quảng cáo xuất hiện hoặc xen lẫn bên trong các nội dung tin tức”, Giám đốc nghiên cứu của RISJ Ramus Kleis Nielsen nhận định. “Điều này đồng nghĩa với việc mô hình kinh doanh trở nên khó bền vững hơn ngay cả với những người đã thành công trong việc lôi kéo được độc giả trước đây”.

Smartphone và mạng xã hội đang “giết chết” truyền thông trực tuyến?
Smartphone và mạng xã hội đang “giết chết” truyền thông trực tuyến?

Theo RISJ, hiện chỉ những người dùng smartphone trung thành với các trang báo điện tử vẫn đang đọc tin tức trên các trang báo trực tiếp qua trang web hoặc thông qua các ứng dụng tin tức, trong khi đó phần lớn người dùng smartphone còn lại đang theo dõi tin tức qua mạng xã hội, email... 

Nghiên cứu của RISJ cũng chỉ ra rằng 40% người dùng smartphone đang sử dụng Facebook để tìm kiếm, đọc, bình luận và chia sẻ các tin tức mỗi tuần. Các ứng dụng nhắn tin và mạng xã hội mới nổi khác như WhatsApp, Instgram hay Snapchat... cũng đang đóng những vai trò ngày càng lớn và quan trọng trong việc chia sẻ tin tức.

Tuy nhiên RISJ cho biết có một thực tế khá ngược đời rằng mặc dù phần lớn người dùng smartphone đang sử dụng các mạng xã hội để theo dõi và chia sẻ tin tức, tuy nhiên nhiều người lại cho biết họ không tin chắc về độ chính các cũng như sự tin cậy của những thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội.

Không chỉ đang mất đi độc giả bởi mạng xã hội, các trang web truyền thông điện tử cũng đang mất đi doanh thu từ quảng cáo trực tuyến, khi mà ngày càng nhiều người dùng đang sử dụng các công cụ chặn quảng cáo do không muốn nhìn thấy các bảng quảng cáo hoặc hộp thoại quảng cáo xuất hiện trên trang web. RISJ cho biết hơn 40% người dùng smartphone tại Mỹ và Anh đang sử dụng các công cụ chặn quảng cáo này.

Trong đó hơn 30% người dùng smartphone cho biết họ cảm thấy thất vọng hoặc bị lừa dối sau khi đọc một  bài báo và sau đó họ nhận thấy rằng đây là một nội dung quảng cáo và được tài trợ, trong khi 25% người dùng cho biết những bài viết kiểu này đã ảnh hưởng tiêu cực đến quan điểm của mình về trang tin tức trực tuyến.

“Làm mờ đi ranh giới giữa các bài viết quảng cáo và những bài viết thực sự có thể làm tổn hại đến uy tín của các trang tin tức, nhưng lại ít có tác động đến các nhà quảng cáo”, Shaun Austin, Giám đốc nghiên cứu thị trường truyền thông Internet của công ty YouGov cho biết.

Nghiên cứu của RISJ cũng chi ra rằng niềm tin của độc giả ở các tin tức được đăng tải trên các phương tiện truyền thông trực tuyến là rất khác nhau tại các quốc gia, chẳng hạn tối thiểu 60%  người đọc tại Phần Lan, Brazil và Đức cho biết họ tin tưởng vào các cơ quan truyền thông, trong khi đó tại Mỹ, Tây Ban Nha và Ý, con số này chỉ ở mức 30%.

T.Thủy