Sắp “đo” độ sẵn sàng với IPv6 của báo điện tử, mạng xã hội

Ngay trong tháng 4/2015, VNNIC sẽ tổ chức đợt khảo sát về nhận thức, tác động và khả năng sẵn sàng với IPv6 của nhóm đơn vị, doanh nghiệp mới được bổ sung vào Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6, trong đó có các báo điện tử, mạng xã hội.

Sắp “đo” độ sẵn sàng với IPv6 của báo điện tử, mạng xã hội

Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng chủ trì cuộc họp Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 diễn ra ngày 2/4/2015.

Chiều 2/4, Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia đã họp phổ biến kế hoạch công tác năm 2015. Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng, Trưởng Ban công tác cho biết, Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 gồm 3 giai đoạn: chuẩn bị (2011-2012), khởi động (2013-2015) và chuyển đổi (2016-2019). Hiện chúng ta ở năm cuối cùng của giai đoạn khởi động.
 
Mục tiêu của giai đoạn này là đến hết 2015 toàn bộ mạng lưới, dịch vụ và các ứng dụng phải sẵn sàng cho việc chuyển đổi từ IPv4 sang IPv6; làm sao để từ năm 2016 trở đi bắt đầu tiến hành chuyển đổi sang IPv6 trên thực tế và kết thúc chuyển đổi vào năm 2019.

Được Bộ TT&TT ra quyết định ban hành ngày 25/3/2015, Kế hoạch hoạt động thúc đẩy phát triển IPv6 năm 2015 tập trung vào 15 nhiệm vụ theo 4 mảng công tác chính gồm: Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách; Thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức; Đào tạo, hợp tác quốc tế; Thúc đẩy phát triển hạ tầng, cung cấp dịch vụ trên nền IPv6.

Trong đó, với việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách, dự kiến đến quý 3/2015, Ban công tác sẽ hoàn tất việc ban hành các bộ tiêu chuẩn quy chuẩn đánh giá khả năng đáp ứng, tính sẵn sàng IPv6 của các thiết bị, hạ tầng thông tin, mạng lưới của tổ chức, doanh nghiệp; đồng thời triển khai phòng đo kiểm chứng nhận thiết bị sản phẩm hỗ trợ IPv6 tại Việt Nam.

Đối với công tác đào tạo, hợp tác quốc tế, trong năm 2015, song song với việc triển khai hướng dẫn tổ chức đào tạo IPv6 cho sinh viên các trường ĐH-CĐ chuyên ngành CNTT và điện tử viễn thông, Ban công tác cũng sẽ phối hợp đào tạo về nhận thức và công nghệ IPv6 cho các Sở TT&TT, tổ chức đoàn công tác đi tham quan, học tập kinh nghiệm triển khai IPv6 ở một số nước có trình độ phát triển ICT tương đương Việt Nam.

Về công tác thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng cung cấp dịch vụ trên nền IPv6, 3 nhiệm vụ sẽ được tập trung thực hiện trong năm nay là: Duy trì mạng IPv6 quốc gia, tăng cường kết nối và lưu lượng IPV6 trao đổi qua mạng IPv6 quốc gia; Hoàn thiện kế hoạch tổng thể, thí điểm chuyển đổi hạ tầng và dịch vụ viễn thông của một số cơ quan Đảng, Nhà nước sang IPv6; Làm việc với các DN để khảo sát đánh giá về mức độ sẵn sàng với IPv6 ở từng phân mạng cụ thể và kế hoạch triển khai IPv6 của các DN để có giải pháp thúc đẩy tỉ lệ người sử dụng và lưu lượng IPv6 trên thực tế.

Đáng chú ý, triển khai công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, theo kế hoạch, Ban công tác sẽ triển khai hàng loạt nội dung công việc như: tổ chức hội thảo chuyên đề “IPv6 với dịch vụ di động nhân ngày IPv6 Việt Nam 2015”; triển khai đề án chương trình công bố và gán logo sẵn sàng IPv6 ở Việt Nam; tuyên truyền phổ biến về dịch vụ IPV6 đến người sử dụng cuối; tổ chức đợt khảo sát về nhận thức tác động và khả năng sẵn sàng với IPv6 của nhóm DN mới được bổ sung vào Kế hoạch quốc gia…

Theo Quyết định 1509/QĐ-BTTTT được Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son ký ngày 20/10/2014, có 7 đối tượng thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 được bổ sung thêm: các báo điện tử, các trang thông tin điện tử tổng hợp, các mạng xã hội, các nhà đăng ký tên miền quốc gia Việt Nam, các nhà đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam, các DN sản xuất phần mềm, các DN sản xuất thiết bị mạng.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Lê Nam Thắng đề nghị các đơn vị được phân công chủ trì cũng như các đơn vị phối hợp thực hiện những nội dung công việc trong Kế hoạch công tác năm 2015 phải bám sát kế hoạch để đảm bảo triển khai đúng theo tiến độ, thời hạn đã đề ra.

“Thường trực Ban công tác cần lưu ý, nhắc nhở các cơ quan báo chí, nhất là các cơ quan báo chí trực thuộc Bộ đẩy mạnh hơn nữa thông tin tuyên truyền về hướng dẫn chuyển đổi sang IPv6 tại Việt Nam. Đồng thời, cũng sẽ làm việc thêm với Cục Báo chí, Cục PTTH&TTĐT để làm sao tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các thông tin về kế hoạch chuyển đổi sang IPv6 không chỉ tới các cơ quan, đơn vị, DN mà cả người dân và xã hội”, Thứ trưởng nhấn mạnh. 

Đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề tiêu chuẩn, đo kiểm, cùng với việc nhất trí với kế hoạch của Vụ Khoa học và Công nghệ sẽ xây dựng để ban hành trong khoảng quý II tới một số tiêu chuẩn, Thứ trưởng cũng đề nghị đơn vị này nghiên cứu việc công nhận một số tiêu chuẩn quốc tế áp dụng tại Việt Nam để có thể triển khai ngay. Bên cạnh đó, Thứ trưởng giao Cục Viễn thông xây dựng lộ trình cho việc sản xuất và nhập khẩu các thiết bị đầu cuối tại Việt Nam phải hỗ trợ IPv6.

Theo Ictnews