Samsung: sức mạnh trong tầm tay

Dù “The Power within” không được chọn làm khẩu hiệu cho Samsung, nhưng rõ ràng hãng điện tử khổng lồ này đang có đủ sức mạnh và quyền lực trong tay để đạt được mục tiêu vượt Nokia vào năm 2010.

Điện thoại di động có vị trí trong Samsung như là Walkman của Sony. Mười năm trước, điện thoại hiệu Samsung chỉ tiêu thụ được ở Hàn Quốc, và thậm chí còn thua xa đối thủ cạnh tranh Motorola đến từ Mỹ. Thế nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, Samsung bất ngờ vươn lên vị trí á quân thế giới, và đang lập kế hoạch qua mặt Nokia vào 2010 cho dù doanh thu của Nokia hiện nay chiếm 34% thị trường di động, gấp đôi Samsung (13%).

Tốc độ ra mắt sản phẩm

Để đạt được điều này, trước hết Samsung phải thống lĩnh thị trường di động Mỹ. Hiện nay, Samsung vượt trội hơn bất cứ hãng nào về tốc độ ra mắt sản phẩm. Trung bình 2 tuần Samsung tung vào thị trường Mỹ một mặt hàng mới, không ngừng thay đổi các tính năng như dịch vụ video mail, dung lượng thẻ nhớ… Samsung đã phổ biến điện thoại PDA và là hãng đầu tiên trang bị thiết bị nghe nhạc MP3. Yun, giám đốc điều hành của Samsung cho biết: “Để nâng cao vị thế của công ty, chúng tôi cần đưa ra những sản phẩm có chất lượng cao, dễ chấp nhận và có vị trí hàng đầu trên thị truờng”.

E700: một trong những "cú hích" của Samsung

 E700: một trong những "cú hích" của Samsung

Samsung đưa ra thị trường các mẫu mã mới với tốc độ nghẹt thở. Giờ hãng chỉ mất 5 tháng để hoàn thành một sản phẩm thay vì 14 tháng như trước đây. Chu kỳ sản phẩm được rút ngắn, giá giảm và nhân công được khích lệ để duy trì tiến độ. “Sự đồng lòng là yếu tố quan trọng cũng như tốc độ làm việc và quyền nhân công” (theo Thomas Quinn, trưởng ban kinh doanh của Samsung tại Bắc Mỹ).

Khuếch trương hình ảnh

Quảng cáo là phương pháp hiệu quả để mở rộng hình ảnh và tiếng tăm công ty. Samsung đang gặp vấn đề về xây dựng hình ảnh của chính mình. Hãng không tạo được “ánh hào quang” mà người dùng vẫn gán cho Sony, Dell hay Nokia, nhất là tại Mỹ. Ngay một cuộc thăm dò do chính Samsung thực hiện cho thấy hãng được coi là cứng nhắc, thiếu sáng tạo – một kẻ bắt chước hơn là một nhà cải cách, đổi mới. Với 800 triệu đola cho quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị mỗi năm, cũng như khuyếch trương hình ảnh công ty lên mạng, Samúng đang dần thoát khỏi thời kỳ đen tối, vươn lên đứng thứ 25 trong bảng tổng sắp các hãng lớn nhất thế giới. Dù vậy, Samsung vẫn đứng sau Nokia (thứ 6), Hewlett-Packad (thứ 12) và Sony (thứ 20).

Eric Kim, giám đốc thị trường tại Seoul đã bỏ ra 500 triệu đola mỗi năm cho quảng cáo. “Samsung không thể hài lòng với vị trí của mình ở Mỹ”, Brendan Ryan, trưởng bộ phận FCB nói “không ai được tự cho phép mình nghỉ ngơi”. Samsung mới xây dựng hình ảnh của mình được 5 năm, và cần nâng cao độ tin cậy để “Chúng tôi mong mọi người nói: Tôi muốn có một sản phẩm hiệu Samung”.

Cải tiến thiết kế

Để không ngừng phát triển, bên cạnh việc đẩy mạnh quảng cáo, hãng đã và đang đầu tư cho các nghiên cứu mới, tập trung vào những mẫu thiết kế hợp thời trang. Kế hoạch vĩ mô của Samsung là trong một vài năm tới sẽ tăng gấp đôi khoản đầu tư cho các nghiên cứu (số tiền hiện tại là 3 tỷ đola). Hiện nay Samsung có 20 000 nhà nghiên cứu với 15 phòng thí nghiệm (bao gồm cả ở Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Isarel) và đang có kế hoạch tăng số lượng này lên vài nghìn người nữa. Hyung Kyu Lim - trưởng ban nghiên cứu của Samsung phát biểu: “Chúng tôi đã quá tập trung vào sản phẩm của năm tới. Đáng ra ta cần dự đoán về những gì sẽ đến trong vòng 3 hay 10 năm nữa”.

Trong ngành công nghiệp di động, thiết kế đóng vai trò quan trọng. Samsung có 6 phòng thiết kế trong đó có 5 phòng ở ngoài Hàn Quốc. Hyun Chung, người điều hành trung tâm thiết kế tai Seoul cho biết: “5 năm trước, các kỹ sư chỉ cho các nhà thiết kế về sản phẩm sẽ trông như thế nào. Còn bây giờ, các nhà thiết kế đưa ra yêu cầu cho các kỹ sư các đặc tính mà họ mong muốn cho một chiếc điện thoại”. Năm nay cũng như năm 2004,  Samsung luôn giành giải thiết kế tại cuộc thi IDEA, qua mặt các hãng khác. Tại Mỹ, Samsung trong ngành di động được sánh với Lexus trong ngành sản xuất ôtô vậy, đặc biệt sau khi ra mắt sản phẩm SGH-E700.

Duy trì thế mạnh sẵn có

Bên cạnh đó, Samsung tiếp tục phát huy thế mạnh của mình là duy trì vị trí hàng đầu về 2 trong 3 thiết bị tối quan trọng của sản phẩm là bộ nhớ và màn hình (thiết bị thứ 3 là bộ vi xử lý do Intel kiểm soát). Hiện nay Samsung chiếm 1/3 thị trường con chip DRAM và SRAM, 1/5 thị trường bộ nhớ flash. Samsung cũng là nhà sản xuất hàng đầu về màn hình tinh thể lỏng siêu mỏng và màn hình phẳng máy tính.

Samsung cho biết việc sản xuất màn hình và bộ nhớ flash chính là chiếc chìa khoá vàng để hãng vươn lên trong thị trường di động khó tính này. Riêng về bộ nhớ, Samsung đã vượt qua cả Intel về sản xuất DRAM. Samsung sản xuất flash dưới 2 dạng NOR (cổng vào cũ, do Intel thống lĩnh) và NAND (electronic logic gate, cổng điện tử mới). Samsung tạo được ưu thế của mình với NAND khi chiếm tới 65% thị trường về bộ nhớ này. Cả NOR và NAND đều được ưa chuộng hiện nay, nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng NAND sẽ chiến thắng. “NOR có tốc độ nhanh hơn, nhưng NAND có dung lượng lớn hơn. Hãy chờ xem điều gì sẽ xảy ra trong 5 năm tới, Peter Nori – nhà quản lý phần cứng của Franklin Templeton Investment, sở hữu 1 tỷ đola trong cổ phần của Samsung cho biết.

Samsung đã khiến thị trường con chíp điện tử dao động khi đưa ra giá thành theo yêu cầu khách hàng. Cả Intel và Samsung đang trong cuộc chiến cam go để giành ưu thế về linh kiện multichip, bộ nhớ, và bộ xử lý dùng cho di động. Giới chuyên môn tin rằng Samsung dù hiện giờ đứng thứ 2 nhưng sẽ dẫn đầu trong vài năm tới.

Samsung đang tận dụng mọi thế mạnh của mình để phát triển ngày càng lớn mạnh. “Giai đoạn huy hoàng nhất cũng chính là giai đoạn nguy hiểm nhất” - Jong Yong Yun cảnh báo “chúng ta cần luôn thường trực suy nghĩ rằng ta đang trong giai đoạn khủng hoảng và rất có thể phá sản vào ngày mai”. Chính suy nghĩ này đã thúc đẩy Samsung không ngừng vươn lên khẳng định vị thế của mình. “Hãy cho chúng tôi 5 năm” - 5 năm đủ để cho Samsung vượt qua hãng điện thoại số một thế giới Nokia.

P.Thúy