Phát hiện hóa thạch 54,5 triệu năm là tổ tiên của bộ guốc lẻ

(Dân trí) - Mới đây, các nhà nhà khảo cổ học đã khai quật một hóa thạch quan trọng và đây chính là “mắt xích còn thiếu” minh chứng cho những động vật thuộc bộ guốc lẻ (Perissodactyla) như ngựa, tê giác, heo vòi hiện đại… từng có mối quan hệ cùng tổ tiên với nhau.

Phát hiện hóa thạch 54,5 triệu năm là tổ tiên của bộ guốc lẻ

Một nhóm các nhà khảo cổ học thuộc trường Đại học Johns Hopkins School of Medicine đã tiến hành khai quật một vùng rộng lớn gần mỏ than lộ thiên phía Đông Bắc Mumbai, Ấn Độ. Tại đây, nhóm phát hiện ra hóa thạch của một loài còn cổ hơn cả Perissodactyla, sống vào khoảng đầu kỷ Eocene cách đây khoảng 56 triệu năm về trước. Loài này có tên là Cambaytherium.

Tại khu khai quật, các nhà khảo cổ đã thu thập được tới hơn 200 mẫu hóa thạch khác nhau, chủ yếu là răng và xương của một con Cambaytherium con.

“Nhiều biểu hiện thông qua răng, số lượng đốt trên xương đốt sống, xương bàn tay và bàn chân của Cambaytherium cho thấy loài này là loài trung gian giữa Perissodactyla và loài cổ hơn”, ông Ken Rose của Johns Hopkins, một trong những thành viên nhóm khảo cổ cho biết.

Theo giám định, hóa thạch này được xác định có niên đại lên tới 54,5 triệu năm tuổi, lâu hơn so với bất cứ hóa thạch Perissodactyla nào khác được phát hiện trước đây.

Với kết quả trên, các nhà nghiên cứu đang kì vọng rằng sẽ bổ sung thêm nhiều thông tin quý giá cho thấy bộ guốc lẻ có chung tổ tiên xa xôi. Đồng thời, từ đó đưa ra những dẫn chứng ban đầu về đời sống, sự di cư của loài này sau khi đảo Madagascar tách khỏi lục địa Ấn Độ.

Vào năm 1990, hai nhà nghiên cứu David Krause và Mary Maas thuộc Đại học Stony Brook cũng đã từng có báo cáo khoa học gợi ý về một số nhóm động vật có vú xuất hiện ngay đầu kỷ Eocene bao gồm linh trưởng, động vật móng guốc, thậm chí là động vật có ngón. Nhóm này đã tiến hóa mạnh mẽ tại Ấn Độ sau khi lục địa này phân lập. Cộng với những gì đã khai quật, người ta đang đặt nghi vấn rằng có thể Cambaytherium cũng nằm trong số đó.

Hiện bản báo cáo chi tiết đã được đăng tải trên tạp chí Nature Communications hôm 20/11 vừa qua. 

Lâm Anh