Phản ứng của game thủ Võ lâm truyền kỳ

Khi thông tin game Võ lâm truyền kỳ có thể bị ngừng “online”, những ý kiến không thống nhất đã nổi lên không chỉ giữa các nhà quản lý mà rất nhiều độc giả cũng tỏ ý bức xúc và quan tâm, nhất là các game thủ, những người ít nhiều bị ảnh hưởng trực tiếp.

Tam đại phi lý

 

Tôi là một doanh nhân, tôi cũng chơi VLTK như nhiều vị giám đốc khác, do vậy sự kiện này được tôi quan tâm theo dõi. Tôi cảm thấy đề nghị VinaGame ngưng cung cấp Võ lâm truyền kỳ của Sở BC-VT TPHCM xem ra có nhiều điều không ổn, nếu không nói là hoàn toàn phi lý.

 

Theo thứ trưởng Bộ BC-VT, tức cấp trên của Sở BC-VT TP.HCM thì kinh doanh game online không cần giấy phép OSP (xin lưu ý rằng giấy phép OSP là một giấy phép cấp quốc gia chứ không phải là giấy phép cục bộ cấp thành phố). Như vậy, rõ ràng việc đòi hỏi VinaGame phải có giấy phép OSP là một yêu cầu phi lý. Đòi hỏi một cái không cần là điểm phi lý thứ nhất.

 

Giả sử rằng việc Sở vẫn bắt buộc phải có giấy phép OSP, vậy thì VinaGame phải bổ sung giấy phép này. Nhưng VinaGame không thể nào có giấy phép này được vì hai lẽ: một là để có được giấy phép này, doanh nghiệp phải hoạt động 2 năm (VinaGame mới hoạt động được 1 năm)! Lẽ thứ hai, cơ quan có quyền cấp giấy phép OSP là Bộ BC-VT sẽ không cấp giấy phép cho VinaGame vì cơ quan này đã khẳng định game online không cần OSP! Đòi hỏi một cái không thể là điều phi lý thứ hai. Nhìn lại toàn bộ vấn đề đi đến ngày hôm nay là do game online là một ngành nghề kinh doanh quá mới mẻ, phát triển quá nhanh nên các cơ quan quản lý trở nên bối rối, quan niệm bất nhất. Và như vậy, trong trường hợp này lỗi thuộc về chính các cơ quan quản lý chứ không phải doanh nghiệp.

 

Luật không cấm, cơ quan cấp phép bảo không cần, vậy VinaGame không có lỗi gì cả và họ phải được quyền kinh doanh bình thường theo đúng pháp luật quy định. Cấm người khác vì một lỗi mà họ không có là điều phi lý thứ ba.

 

Mong rằng Sở BC-VT TPHCM bình tĩnh xem lại vấn đề, rút lại đề nghị của mình nhằm chứng minh sự minh mẫn, bản lĩnh và uy tín của mình cũng như của các cơ quan công quyền nói chung!

 

(Trinh Hoang Thien Thu, trumcuoi@gmail.com)

 

Chẳng lẽ Sở lớn hơn Bộ?

 

Tôi, một người “U.30” bình thường trong 80 triệu dân rất mong muốn có một cuộc sống sung túc, một đất nước ngày càng mạnh mẽ, phồn thịnh và trước nay không bao giờ có ý kiến trên diễn đàn hay báo chí. Nhưng nay thấy việc này quả thật có nhiều điểm "không ổn" nên phải có vài dòng tâm sự.

 

Theo tôi, việc Sở BC-VT TPHCM ra đề nghị như vậy đã bộc lộ rất rõ vấn đề quản lý của ta. Thứ nhất, theo Bộ BC-VT thì VinaGame không cần giấy phép (OSP) khi đưa sản phẩm của họ ra thị trường; và như vậy thì không có lý do gì ngưng việc hoạt động kinh doanh của họ. Thứ hai, trong trường hợp này rõ ràng quan niệm của Bộ và Sở đã khác nhau. Mà Bộ thì lớn hơn Sở, vậy theo lẽ thuận của trời đất xưa nay thì cấp dưới phải tuân theo cấp trên. Nếu Sở cứ cấm thì hóa ra trên bảo dưới không nghe, chẳng lẽ Sở lớn hơn Bộ? Thứ ba, sở dĩ sự việc phát sinh như vậy là do bản thân các cơ quan quản lý chưa có quy định rõ ràng về pháp lý chứ không phải lỗi do doanh nghiệp, cho nên nếu nay có muốn bổ sung thêm "n" giấy phép mới thì phải hướng dẫn cho doanh nghiệp thực hiện chứ không nên ngưng mọi hoạt động của họ.

 

Thứ tư, chúng ta đang trên đường cố gắng gia nhập WTO, nghĩa là phải chơi theo luật của thế giới, nghĩa là trong tương lai sẽ có thể có thêm những ngành nghề mới phát sinh mà chúng ta chưa chuẩn bị trước như trường hợp game online này, vậy nếu cứ động chút là chúng ta cấm hay bắt các doanh nghiệp ngưng cung cấp sản phẩm như vậy thì liệu có phải là cách mà chúng ta sẽ đối đãi với các nhà đầu tư sau này ? Và khi đó, độ tín nhiệm của chúng ta sẽ là bao nhiêu? Thứ năm: Trong trường hợp này, việc bắt doanh nghiệp ngưng việc cung cấp dịch vụ của họ sẽ làm ảnh huởng đến quyền lợi của rất đông khách hàng, mà nguyên nhân này, theo Bộ BC-VT thì không phải là lỗi của doanh nghiệp, vậy liệu có thỏa đáng hay không?

 

(ngocminh@yahoo.com)

 

Theo Thanh Niên