Phần mềm cho phép mọi người góp sức đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu về Covid-19

(Dân trí) - Trong bối cảnh virus corona mới đang lây lan trên toàn cầu, một phần mềm được ra đời để giúp người dùng máy tính trên toàn cầu có thể góp sức để các nhà khoa học nghiên cứu về loại virus mới này.

Bạn thường xuyên làm việc bên máy vi tính hoặc đôi khi để máy tính chạy không mà không hề sử dụng? Vậy tại sao không tận dụng sức mạnh chiếc máy tính của mình để giúp sức với các nhà khoa học trong việc nghiên cứu và tìm hiểu về loại virus Covid-19 đang lây lan trên toàn cầu, từ đó đẩy nhanh quá trình phát triển thuốc chữa loại virus này?

Folding@home là một dự án thuộc trường đại học danh tiếng Stanford (Mỹ) để tính toán sự xoắn lại của các protein, qua đó tìm ra các trường hợp xoắn không chính xác của protein và các bệnh có liên quan, từ đó có thể tìm ra cách chữa một số bệnh như Alzheimer, ung thư và Hội chứng hô hấp SARS, một chứng bệnh gây ra bởi một loại virus corona khác (không phải virus corona gây ra Covid-19).

Phần mềm cho phép mọi người góp sức đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu về Covid-19 - 1

Nhờ Folding@home, người dùng máy tính trên toàn cầu có thể góp sức với các nhà khoa học để nghiên cứu về virus Covid-19 (Ảnh minh họa)

Trong bối cảnh virus corona mới đang lây lan nhanh chóng trên toàn cầu và chưa có thuốc chữa đặc hiệu, dự án Folding@home sẽ tham gia “cuộc đua” tìm hiểu về virus corona mới, từ đó tìm ra biện pháp để chữa trị căn bệnh viêm phổi do loại virus này gây ra.

“Đối với cả 2 loại virus corona (gây ra SARS và 2019-nCoV hiện nay), bước đầu tiên của quá trình nhiễm trùng sẽ xảy ra tại phổi, khi một protein trên bề mặt của virus liên kết với protein thụ thể trên tế bào phổi. Protein của virus này được gọi là protein tăng đột biến, chúng hoạt động, gấp lại và mở ra để tạo ra nhiều hình dạng. Chúng tôi cần phải nghiên cứu không chỉ một hình dạng của protein tăng đột biến, mà là của tất cả các hình thức protein uốn cong và gấp lại thành nhiều hình dạng thay thế”, dự án Folding@home cho biết trên trang web chính thức của mình.

Tuy nhiên, loại nghiên cứu này đòi hỏi một sức mạnh tính toán mạnh mẽ và siêu tốc của hệ thống máy tính. Do vậy, đặc điểm của dự án Folding@home đó là được xây dựng dưới dạng hệ thống phân tán, thay vì tập trung, và cho phép mọi người dùng mọi người dùng máy tính đều có thể tham gia vào hệ thống này để góp sức cho quá trình nghiên cứu của các nhà khoa học.

Những gì người dùng cần làm là cài đặt một phần mềm do các nhà khoa học tạo ra lên máy tính của mình, kết nối với mạng Internet, lúc này, phần mềm sẽ kết nối với dữ liệu của máy chủ của Folding@home và tải một phần nhỏ dữ liệu của dự án nghiên cứu về virus Covid-19 đang được các nhà khoa học tiến hành về máy tính của mình. Dữ liệu này sau đó sẽ được phân tích, xử lý trên máy tính của người dùng và kết quả sẽ được gửi trả ngược lại các nhà nghiên cứu của dự án Folding@home, nơi họ có thể sử dụng cho công việc của mình.

Nói cách khác, người dùng có thể góp sức mạnh của tài nguyên hệ thống trên máy tính của mình để tạo nên một hệ thống siêu máy tính, giúp các nhà khoa học xử lý các dữ liệu trong quá trình nghiên cứu. Càng nhiều người tham gia vào dự án Folding@home sẽ giúp tăng thêm sức mạnh của hệ thống mạng phân tán này, giúp đẩy nhanh quá trình tìm hiểu và nghiên cứu về virus Covid-19 đang lây lan nhanh chóng trên toàn cầu.

Hướng dẫn cài đặt phần mềm của Folding@home để giúp các nhà khoa học nghiên cứu về virus Covid-19:

- Để tham gia vào hệ thống mạng phân tán của dự án Folding@home, bạn phải download phần mềm có tên gọi FAH do các nhà khoa học thuộc dự án tạo ra. Download và cài đặt miễn phí tại đây.

- Sau khi cài đặt và kích hoạt phần mềm, một cửa sổ web sẽ được mở lên, đây là giao diện cho phép người dùng thiết lập cách thức hoạt động của phần mềm.

Tại giao diện trang web này, bạn chỉ việc chọn “While I’m working” để có thể góp tài nguyên trên máy tính của mình ngay cả khi bạn đang làm việc bình thường, hoặc chọn “Only when idle”, khi này phần mềm sẽ tự động nhận ra khi nào bạn đang tạm ngưng làm việc, nhưng máy tính vẫn đang hoạt động, lúc đó FAH sẽ tự động khai thác tài nguyên hệ thống máy tính của bạn để đưa vào hệ thống mạng phân tán.

Phần mềm cho phép mọi người góp sức đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu về Covid-19 - 2

Nếu máy tính của bạn có cấu hình đủ mạnh, bạn nên chọn “While I’m working” để có thể góp tài nguyên hệ thống của mình một cách hiệu quả hơn.

Tại mục “Power”, bạn có thể chọn “Light” nếu muốn góp tài nguyên hệ thống ít, “Medium” để góp ở mức trung bình và “Full” để đóng góp ở mức tối đa.

Trong trường hợp muốn dừng phần mềm, bạn có thể nhấn vào nút “Stop Folding”.

Sau khi hoàn tất các bước thiết lập, bạn có thể đóng cửa sổ trình duyệt web này, phần mềm sẽ tự động hoạt động nền trên hệ thống và biểu tượng phần mềm sẽ xuất hiện trên khay hệ thống. Trong trường hợp muốn thoát khỏi phần mềm, bạn kích chuột phải vào biểu tượng phần mềm, chọn “Quit” hoặc chọn “Web Control” để mở giao diện trang web thiết lập phần mềm.

Phần mềm cho phép mọi người góp sức đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu về Covid-19 - 3

Bạn cũng có thể nhấn chuột phải vào biểu tượng phần mềm và chọn “Protein Viewer” để xem quá trình tính toán sự xoắn lại của protein.

Phần mềm cho phép mọi người góp sức đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu về Covid-19 - 4

T.Thủy