Những hiểu nhầm phổ biến về cách sử dụng pin trên smartphone

(Dân trí) - Có rất nhiều lời khuyên khác nhau được đưa ra để giúp kéo dài tuổi thọ và thời lượng sử dụng pin trên smartphone. Tuy nhiên không phải lời khuyên nào cũng đúng. Dưới đây là những nhầm tưởng phổ biến nhất về cách sử dụng pin trên smartphone mà nhiều người mắc phải.

Chai pin là tình trạng pin không thể nạp đầy 100% dung lượng như ban đầu và có thời lượng pin sử dụng không còn cao như ban đầu. Tuy nhiên, tình trạng chai pin thường gặp phải với những thế hệ điều thoại cũ, còn thế hệ smartphone ngày nay đã cải thiện rất nhiều và khắc phục đáng kể tình trạng chai pin.

Do vậy, những lời khuyên về cách sử dụng pin đối với thế hệ điện thoại cũ giờ đây đã không còn phù hợp với smartphone. Dưới đây là những nhầm tưởng phổ biến về cách sử dụng pin trên smartphone mà nhiều người không hay biết.

Những hiểu nhầm phổ biến về cách sử dụng pin trên smartphone
Smartphone ngày này đã có cơ chế quản lý pin thông minh hơn, giúp tránh tình trạng chai pin thường gặp trước đây

Không nên sử dụng smartphone trong lúc đang sạc pin

Nhiều người từng khuyên rằng không nên vừa sử dụng smartphone vừa sạc pin, vì điều này sẽ khiến tuổi  thọ pin bị ảnh hưởng do pin vừa được nạp đầy vừa phải tiêu thụ điện năng. Tuy nhiên, trên thực tế, người dùng hoàn toàn có thể vừa sạc pin smartphone vừa sử dụng nếu cần thiết mà không hề làm ảnh hưởng đến tuổi thọ của pin trên smartphone.

Điều này cũng tương tự như trường hợp pin trên laptop, trong nhiều trường hợp sử dụng laptop bị hết pin, người dùng có thể cắm nguồn điện để vừa có thể sạc pin cho laptop, vừa sử dụng máy tính bình thường.

Lời khuyên này chỉ đề phòng trường hợp smartphone có thể bị rò điện hoặc phát nổ trong quá trình sạc pin (do nhiệt độ tăng lên quá cao), gây nguy hiểm cho người dùng. Trên thực tế đã từng có những trường hợp tử vong tại Trung Quốc và Thái Lan do giật điện vì sử dụng smartphone trong khi đang cắm sạc.

Cắm sạc qua đêm có thể làm hỏng pin

Lời khuyên này có thể đúng với những chiếc điện thoại lâu đời với ít chức năng, còn với smartphone ngày nay thì thực sự thông minh hơn so với bạn nghĩ. Trên thực tế, trong khi sạc pin, nếu nhận thấy mức pin đã đầy, smartphone sẽ có cơ chế tự động ngắn nguồn điện nạp vào pin để ngừng chế độ sạc

Người dùng không bao giờ cần phải tắt smartphone

Khác với máy tính, người dùng thường ít khi quan tâm đến việc khởi động lại (tắt và mở lại) smartphone của mình, ngoại trừ khi smartphone có vấn đề bị treo hoặc hoạt động không ổn định.

Trên thực tế, smartphone vẫn cần được “nghỉ ngơi”.  Theo lời khuyên của một nhân viên chăm sóc khách hàng của Apple, để kéo dài tuổi thọ của pin, người dùng nên thường xuyên tắt chiếc smartphone của mình, đặc biệt khi đi ngủ.

Còn trong trường hợp không muốn tắt smartphone của mình (có thể bỏ lỡ các cuộc gọi quan trọng), người dùng cũng nên khởi động lại smartphone (tắt và mở lại) ít nhất mỗi lần một tuần. Điều này không chỉ  giúp thiết bị hoạt động nhẹ nhàng hơn (do giải phóng tài nguyên hệ thống và xóa bỏ các tiến trình chạy ngầm sau thời gian sử dụng) mà còn giúp duy trì và kéo dài tuổi thọ pin.

Đừng sạc khi pin vẫn còn

Nhiều người có thói quen dùng pin đến lúc cạn kiệt mới bắt đầu sạc lại pin. Tuy nhiên, sẽ tốt hơn nếu sạc pin vào mỗi ngày, thay vì thường xuyên việc “sạc sâu” (sạc khi pin đã hết).

Pin lithium-ion hiện đang sử dụng trên các loại smartphone và máy tính bảng hiện này sẽ trở nên không ổn định khi nguồn pin xuống đến 0% và loại pin này thường có một số lượng lần sạc nhất định trước khi bị hư hỏng, cứ mỗi lần bạn sử dụng pin đến 0% và sạc đầy lại từ đầu sẽ tương đương với một chu kỳ sạc pin. Ngoài ra, việc thường xuyên sạc pin (thay vì chờ đến 0% mới sạc) sẽ giúp người dùng tránh được tình trạng pin hết bất ngờ, đặc biệt vào những thời điểm quan trọng cần sử dụng smartphone.

Sử dụng không đúng cáp sạc đi kèm theo máy sẽ làm hư hỏng pin

Thông thường người dùng có thói quen chỉ sử dụng đúng cáp sạc và dây sạc đi kèm theo máy để sạc pin cho thiết bị của mình và ngại sử dụng sạc của những thiết bị khác vì lo sợ điều này sẽ làm hỏng pin và máy.

Những hiểu nhầm phổ biến về cách sử dụng pin trên smartphone

Sử dụng chung dây cáp sạc cho nhiều smartphone khác nhau, miễn là chúng có chung chuẩn sạc, là điều hoàn toàn bình thường

Trên thực tế, bạn hoàn toàn có thể sử dụng chung dây cáp sạc của nhiều thiết bị với nhau, miễn là chúng có chung dạng cổng sạc, chẳng hạn là dây cáp sạc microUSB cho các smartphone chạy Android hay dây cáp Lightning cho các phiên bản của iPhone...

Điều này chỉ cần lưu ý trong trường hợp bạn sử dụng dây cáp sạc không rõ nguồn gốc hoặc cáp sạc giả mạo, có thể gây nên hiện tượng rò rỉ và giật điện nếu người dùng sử dụng thiết bị trong lúc sạc. Đây cũng được xem là nguyên nhân dẫn đến các trường hợp bị tử vong khi sử dụng smartphone đang cắp sạc đã được ghi nhận gần đây.

Sự thật: Nhiêt độ là “kẻ thù” của pin

Nhận định này hoàn toàn chính xác. Trong quá trình sử dụng, nhiệt độ của pin trên smartphone sẽ bị tăng lên đáng kể và nhiệt độ này thậm chí còn tăng cao hơn khi đang cắm sạc.  Nhiệt độ quá thấp thậm chí còn tác động lớn hơn đối với tuổi thọ của pin so với nhiệt độ cao. Nếu sử dụng smartphone trong điều kiện môi trường quá thấp, thời lượng của pin thậm chí còn bị sụt giảm nhanh hơn.

Pin trên smartphone sẽ hoạt động an toàn và đảm bảo nhất trong điều kiện khuyến nghị. Apple cho biết 0 độ C là nhiệt độ thấp nhất mà pin iPhone có thể chấp nhận được, còn Samsung cho biết smartphone của mình có thể hoạt động được trong điều kiện từ nhiệt độ -20 độ C đến 50 độ C.

Nếu đang sử dụng smartphone chạy Android, bạn có thể nhờ đến ứng dụng Battery Log (đã được Dân trí giới thiệu tại đây) để kiểm tra và quản lý nhiệt độ trên pin smartphone, giúp sử dụng phù hợp và kéo dài tuổi thọ của pin.

Lưu ý: những thông tin trên cũng có thể áp dụng với cả máy tính bảng, chứ không riêng gì smartphone.

Phạm Thế Quang Huy