Những “điểm nhấn” trong bức tranh công nghệ 2012

(Dân trí) - Làng công nghệ trong năm qua đã có những thăng trầm với hàng loạt sự kiện và diễn biến bất ngờ. Cuộc chiến giữa Apple và Samsung tiếp tục leo thang; Facebook phát hành cổ phiếu; trang chia sẻ Megaupload bị “khai tử”…

Dưới đây là những điểm nhấn đáng nhớ, theo bình chọn của Báo điện tử Dân trí.
 
Apple - Samsung: Cuộc chiến dai dẳng

 

Cuộc chiến giữa Apple và Samsung diễn ra từ năm 2011 đã làm tốn không ít giấy mực của giới truyền thông, tuy nhiên đến tháng 8/2012, phán quyết quan trọng nhất của cuộc chiến dai dẳng này mới được đưa ra. Một tòa án ở Bắc California, phiên tòa xét xử kéo dài suốt ba tuần đã cho rằng Samsung đã vi phạm bản quyền của Apple và buộc phải bồi thường số tiền lên đến 1 tỷ USD.
 
Những “tiêu điểm” của làng công nghệ 2012

 

Tuy nhiên, cuộc chiến vẫn chưa đến hồi kết khi mà sau đó vài ngày, Apple đã chấp nhận thất bại tại một số tòa án ở các nước, như Nhật Bản, và bị tòa án Anh yêu cầu công khai xin lỗi Samsung trên website của hãng để đính chính cáo buộc hãng di động Hàn Quốc vi phạm bản quyền thiết kế của iPad.

 

Chiến thắng tại Mỹ vẫn có ý nghĩa quan trọng nhất đối với Apple. Tuy nhiên, để có một chiến thắng như vậy, Apple cũng đã phải phô bày ra hết những bí mật bên trong công ty, dùng để làm bằng chứng chống lại Samsung, và điều này đã khiến cho Apple không còn là công ty nổi tiếng với sự bí ẩn và ẩn chứa nhiều điều thú vị như trước đây.

 

Facebook phát hành cổ phiếu, cán mốc 1 tỷ người dùng

Những “tiêu điểm” của làng công nghệ 2012

Ngày 18/5, Facebook chính thức lên sàn với giá trị cổ phiếu đạt 104 tỷ USD - là IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng) cao kỷ lục trong lịch sử ngành công nghệ. Tuy nhiên, đáng tiếc, chỉ trong vài ngày sau đó, Facebook đánh mất cột mốc đáng mơ ước của mình và liên tiếp mất điểm trong mắt giới đầu tư. Giới công nghệ giật mình khi chỉ sau 2 phiên giao dịch, giá cổ phiếu của mạng xã hội lớn nhất hành tinh “bốc hơi” 11%, còn 34,03 USD/cổ phiếu. Vị CEO trẻ tuổi đánh mất 2 tỷ USD chỉ trong nháy mắt.

 

Tuy nhiên, Facebook đã dần lấy lại được phong độ trong vài tháng sau đó. Sự thành công của Facebook trên thị trường chứng khoán là một tin tức tốt lành của làng công nghệ trong năm nay.

Ngày 5/10, mạng xã hội lớn nhất hành tinh Facebook đã chính thức cán mốc 1 tỷ người dùng. Facebook tiếp tục cho thấy thế mạnh độc tôn của mình trong lĩnh vực mạng xã hội, bỏ xa các đối thủ khác như Google+, MySpace… và hiện vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy số lượng người dùng Facebook sẽ bị sụt giảm trong tương lai.

Megaupload bị “khai tử” và dự luật SOPA “giết chết” Internet
 
 
Những “tiêu điểm” của làng công nghệ 2012
 

Một trong những sự kiện làm “choáng váng” giới công nghệ ngay trong những ngày đầu năm mới 2012 đó là trang chia sẻ dữ liệu lớn nhất thế giới Megaupload bị chính phủ Mỹ đóng cửa vì chia sẻ nội dung vi phạm bản quyền, trong khi đó nhà sáng lập của trang web này Kim Dotcom bị cảnh sát bắt giữ.

 

Megaupload khai tử đã khiến nhiều mạng chia sẻ khác “rúng động”, một loạt trang web “tự nguyện” đóng cửa như một quyết định an toàn.

 

Megaupload có thể xem là một trong những “nạn nhân” đầu tiên và tiêu biểu cho dự luật gây tranh cãi mà nhiều người cho rằng sẽ “giết chết” Internet, với tên gọi Dự luật Đình chỉ hoạt động vi phạm bản quyền trực tuyến (SOPA), là một dự luật được đề nghị tại Quốc hội Hoa Kỳ nhằm chống lại sự truyền tải trực tuyến những sản phẩm sở hữu trí tuệ được bảo hộ bản quyền.

 

Nếu được thông qua, những nội dung chia sẻ trên Internet sẽ bị kiểm soát một cách nghiêm ngặt và không còn những nội dung miễn phí được chia sẻ như trước đây, điều này sẽ dẫn đến sự tê liệt và “giết chết” Internet. Hàng loạt các “ông lớn” như Google, Facebook, Microsoft, Apple hay Wikipedia… đã cùng lên tiếng phản đối dự luật này. Rất may dự luật này sau đó đã bị bãi bỏ và không được Quốc hội Mỹ thông qua.

 

Windows 8 ra mắt, Microsoft gia nhập thị trường máy tính bảng
 
 
Những “tiêu điểm” của làng công nghệ 2012
 

Windows 8 là hệ điều hành được Microsoft xây dựng nhằm thay đổi khái niệm máy tính cá nhân khi cho phép người dùng vừa có thể thao tác bằng chuột và bàn phím, vừa có thể vuốt trên màn hình cảm ứng. Micosoft cũng đã xây dựng thêm kho ứng dụng Windows Store dành riêng cho Windows 8.

 

Windows 8 cũng là hệ điều hành được xây dựng để tối ưu cho máy tính bảng, là điều mà các phiên bản Windows trước đây không được nhắm đến. Hàng loạt những sản phẩm chạy Windows 8, bao gồm máy tính màn hình cảm ứng, máy tính bảng… cũng đã được các hãng sản xuất phần cứng tung ra thị trường ngay khi Windows 8 xuất hiện.
 
2012 cũng chứng kiến một bước đi quan trọng của Microsoft khi tung ra thị trường chiếc máy tính bảng đầu tiên của mình - Surface. Với thiết kế đẹp, sang trọng và đặc biệt được trang bị hệ điều hành Windows 8, Surface đã khiến các đối tác của Microsoft ái ngại. Tuy vậy, Surface RT với nền tảng Windows RT chưa đủ hấp dẫn với giới công nghệ. Và, thị trường chờ đợi sự đột phá của Surface trong phiên bản Windows 8 Pro với nguy cơ thay thế laptop truyền thống.

 

Samsung chấm dứt 14 năm “ngôi vương” của Nokia; các “đại gia” liên tục hụt hơi

 

Cuối tháng 4/2012, Samsung chính thức “truất ngôi” của Nokia sau 14 năm  “trị vì ngôi vương” để trở thành hãng sản xuất di động lớn nhất thế giới. Theo khảo sát của công ty Strategy Analytics, trong quý đầu năm nay,  Samsung đã xuất xưởng 93.5 triệu điện thoại trong quý đầu năm nay, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, ông vua một thời Nokia bị đẩy lùi về vị trí thứ 2 với doanh số 82,7 triệu điện thoại bán ra.

Những “tiêu điểm” của làng công nghệ 2012

 
Và mới đây khảo sát của công ty IHS iSuppli một lần nữa khẳng định Samsung đã chính thức thế ngôi Nokia để dẫn đầu thị trường di động. Theo đó, Samsung đang thống lĩnh thị trường, chiếm 29% tổng lượng điện thoại bán ra trên toàn cầu (tăng từ 21% trong năm 2011), và Nokia rời mốc son, xuống vị trí thứ 2 với doanh số giảm từ 30% xuống còn 24%.

 

Samsung chính thức vượt qua Apple trở thành hãng sản xuất smartphone lớn nhất thế giới với 28% thị phần, trong khi đó Apple giữ 19% thị phần.

 

Không chỉ có Nokia “hụt hơi” trong cuộc đua di động, các hãng công nghệ một thời đình đám: RIM và HTC, LG cũng mất phương hướng trên thị trường cạnh tranh khốc liệt. RIM một thời là hãng smartphone thống lĩnh thị trường dành cho doanh nhân với điện thoại BlackBerry nhưng ông lớn này đã thể hiện sự chậm chạp chuyển mình. BlackBerry đã không còn là sự lựa chọn ưu tiên của giới yêu công nghệ bởi thiết kế cứng nhắc, đặc biệt nền tảng BlackBerry tỏ ra  yếu thế trước sức nóng từ các nền tảng Android và iOS. Trong khi đó, HTC, LG cũng chỉ dành được miếng bánh nhỏ trên thị trường smartphone dù hai hãng này cũng đã tiên phong trong một số trào lưu di động, và là hãng đầu tiên tích hợp chip lõi tứ cho smartphone (HTC One X), công nghệ 3D trên di động (LG Optimous 3D)…

 

Lịch sử Internet sang trang mới từ năm 2012

 

Tháng 6/2012 đánh dấu một trang mới trong lịch sử phát triển Internet, khi địa chỉ IP theo giai thức IPv4 chính thức cạn kiệt và sẽ được thay thế bằng giao thức IPv6 cao hơn.

 
IPv6 là phiên bản thứ 6 của Giao thức Internet và là phiên bản kế tiếp của IPv4. Nó có chức năng tương tự như IPv4, cung cấp một số địa chỉ IP duy nhất cho mỗi thiết bị kết nối Internet. Tuy nhiên, IPv6 sử dụng địa chỉ 128-bit, cho phép tạo ra đến 2^128 địa chỉ IP khác nhau (tương đương 340,282,366,920,938,000,000,000,000,000,000,000,000), một con số khổng lồ, phù hợp với xu thế phát triển nhanh chóng của Internet hiện nay.
Những “tiêu điểm” của làng công nghệ 2012
 

Ngày ra mắt giao thức IPv6 được xem là một ngày trọng đại trong lịch sử phát triển của Internet toàn cầu, tuy nhiên không phải người dùng nào cũng có thể nhận ra được sự kiện trọng đại này, ngoại trừ các nhà cung cấp dịch vụ cũng như chủ sở hữu của các trang web lớn.

 

Giới công nghệ nhận định rằng sự nâng cấp địa chỉ IP lên giao thức IPv6 là sự nâng cấp lớn nhất trong lịch sử Internet từ trước đến nay.

 

Những vụ thâu tóm đình đám

 

Đình đám và bất ngờ nhất có thể kể đến thương vụ Facebook bỏ ra đến 1 tỷ USD để mua lại ứng dụng di động xử lý và chia sẻ hình ảnh Instagram. Bất ngờ nằm ở chỗ quyết định của Facebook chỉ được đưa ra từ quyết định của CEO Mark Zuckerberg mà không thông qua ban giám đốc, và điều bất ngờ khác phải kể đến đó là tại thời điểm mua ứng dụng này (và cả hiện tại), Instagram là ứng dụng miễn phí và chưa có bất kỳ cách thức nào để kiếm doanh thu từ ứng dụng này.
 

 

Những “tiêu điểm” của làng công nghệ 2012


Tuy nhiên, mọi chuyện vẫn chưa dừng lại. Sau thương vụ 1 tỷ USD, cuối cùng giá trị của Instagram chỉ còn 713 triệu USD sau khi thương vụ hoàn tất. Lý do nằm ở chỗ Facebook trả cho Instagram bằng cả tiền mặt lẫn cổ phiếu, và kể từ thời điểm bắt đầu thương vụ đến lúc hoàn tất đã  chứng kiến sự xuống dốc không phanh cổ phiếu của Facebook, khiến giá trị của Instagram cũng bị sụt giảm theo.

 

Năm 2012 cũng chứng kiến sự hoàn tất của 2 thương vụ “bom tấn” khác bắt đầu từ năm 2011, đó là việc Sony chính thức hoàn tất thâu tóm Ericsson để “khai tử” thương hiệu Sony Ericsson với giá 1,45 tỷ USD và Google cũng đã hoàn tất việc sở hữu bộ phận di động của Motorola với giá 12,5 tỷ USD.
 

Chạy đua thiết bị di động cấu hình cao

 

Thị trường thiết bị di động trong năm nay thực sự đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Chưa năm nào thị trường lại được đón nhận nhiều thiết bị di động, từ máy tính bảng cho đến smartphone với cấu hình “khủng” đến thế.

 

Vi xử lý lõi tứ trở nên phổ biến trên thị trường smartphone với một loạt điện thoại mới ra mắt, như HTC One X, Galaxy S III, Galaxy Note II.
 
Những “tiêu điểm” của làng công nghệ 2012

 

Cuộc đua này cũng chính là “mặt trận” đã mang lại thành công vang dội cho Google với chiếc máy tính bảng Nexus 7 cấu hình  cực mạnh và đặc biệt là chiếc điện thoại được đánh giá là “hàng khủng” - Nexus 4 do Google và LG phối hợp sản xuất và bán với giá rẻ - 199 USD.

 

Xu hướng tăng kích thước màn hình cho smartphone cũng rõ rệt trong năm nay khi các hãng di động liên tiếp tung ra các dòng máy kích thước lớn với sự tiên phong của Galaxy Note ra mắt từ năm ngoái.

  

Một năm đầy thăng trầm của Apple
 
Năm 2012 là năm đầu tiên Apple dưới sự dẫn dắt của Tim Cook mà không còn Steve Jobs bên cạnh và cũng là một năm không thể nào quên của Apple với nhiều sự thăng trầm, biến động.
 
2012 là năm mà Apple đã thực sự thay đổi quan niệm trong cuộc đua trên thị trường smartphone và máy tính bảng. Apple đã lần đầu tiên tăng kích thước màn hình cho iPhone 5 và trình làng iPad mini 7 inch vốn từng là “đối tượng” bị CEO quá cố Steve Jobs chỉ trích.
 
2012 cũng là năm chứng kiến pha “vấp ngã” không thể nào quên của Apple. Từ lâu, Apple nổi tiếng là công ty yêu thích sự hoàn thiện, các sản phẩm của hãng luôn được chăm chút kỹ càng và cẩn thận trước khi đến tay người dùng. Tuy nhiên, mọi sự đã thay đổi với việc Apple tung ra ứng dụng bản đồ của riêng mình, Apple Maps, trên nền tảng iOS 6. Một ứng dụng được đánh giá là hết sức cẩu thả, với hàng loạt lỗi không thể chấp nhận được, như hiển thị sai thông tin trên bản đồ, hiển thị sai địa điểm hay những hình ảnh méo mó…
 
Thế giới méo mó trên bản đồ Apple Maps.
Thế giới méo mó trên bản đồ Apple Maps.

 Đích thân CEO Tim Cook của Apple đã phải lên tiếng xin lỗi về ứng dụng bản đồ Apple Maps và khuyên người dùng tìm kiếm một sản phẩm khác để thay thế, một điều chưa có trong tiền lệ của Apple. Điều đáng tiếc là “cha đẻ” của iOS Scott Forstall và đã từng là một trong những “cánh tay phải” của Steve Jobs đã phải ra đi vì lỗi ngớ ngẩn này.
 
Dân trí

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm