“Nhân tài đất Việt đã ngang tầm khu vực”

(Dân trí) - Đó là nhận xét của Bộ trưởng Bộ BC-VT Đỗ Trung Tá ngay sau lễ công bố giải thưởng cuộc thi Nhân tài Đất Việt 2006 (NTĐV 2006). Đánh giá về cuộc thi này, Bộ trưởng cho biết:

Cuộc thi NTĐV 2006 đã thực sự gắn kết được những lý thuyết trên sách vở vào các sản phẩm có tính ứng dụng cao. 19 sản phẩm lọt vào vòng chung khảo năm nay tuy chia thành 2 hệ thống: nhóm sản phẩm đã ứng dụng trong thực tiễn và nhóm sản phẩm có tiềm năng ứng dụng nhưng đều gắn liền với thực tế. Tôi tin tưởng, những sản phẩm tham gia NTĐV 2006 sẽ có khả năng thương mại hóa rất cao.

Đêm tôn vinh Nhân tài đất Việt 2006 là một cuộc biểu dương lực lượng khá hùng hậu về lĩnh vực CNTT-TT, cũng là đêm tỏa sáng của trí tuệ, nhân tài nước nhà. Cuộc thi đã khẳng định được vị thế của lớp trẻ hiện nay. Họ có rất nhiều lợi thế khi đi vào lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là CNTT. Chúng ta tuy đi chậm hơn các nước khác, được tiếp cận CNTT muộn hơn nhưng Nhân tài Đất Việt đã đạt được trình độ ngang ngửa tầm khu vực và sẽ vươn xa ra thế giới. Tôi có thể chứng minh điều này bằng việc liệt kê thêm về kết quả của các cuộc thi khác như Robocon quốc tế, Olympic tin học hay những cuộc thi về giải pháp CNTT tổ chức hằng năm.

 

Thưa ông, để tôn vinh tài năng, khuyến khích sáng tạo trong lĩnh vực CNTT-TT chúng ta cần phải làm gì?

 

Như các bạn đều biết, luật Sở hữu trí tuệ và luật Công nghệ thông tin đều cam kết bảo hộ bản quyền tác giả. Theo tôi đây là một trong những điều kiện tốt để thúc đẩy tài năng phát triển. Những người say mê sáng tạo trọng lĩnh vực CNTT-TT sẽ không sợ bị sao chép trái phép các sản phẩm tâm huyết của mình. Như vậy, những nhân tài thực sự sẽ có điều kiện để đóng góp cho đất nước trong những sản phẩm công nghệ cao.

 

Thêm nữa, hiện nay chúng ta đã hòa nhập với thế giới, có mặt tại nhiều tổ chức, diễn đàn tầm cỡ quốc tế như WTO, APEC, Hội nghị Thiên niên kỷ... Điều tôi muốn nhấn mạnh là, càng hội nhập thì mỗi quốc gia càng phải coi việc phát triển CNTT là động lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và xóa bỏ hố ngăn cách giàu nghèo. Đây cũng là những cam kết của chính chúng ta với thế giới. Một điều đáng mừng là, có đến 70% lớp trẻ dưới 30 tuổi của chúng ta rất có năng lực về CNTT.

 

Hiện nay, CNTT không còn đơn thuần chỉ là công nghệ nữa mà nó đã hiện diện trong tất cả mọi mặt của đời sống, trong sản xuất, kinh doanh và trong quản lý. Vì vậy, nguồn cán bộ am hiểu về CNTT luôn luôn cần thiết trong tất cả các lĩnh vực. Mặt khác, CNTT khi đi vào cuộc sống sẽ tạo ra rất nhiều công ăn việc làm. Đặc biệt, CNTT không chỉ giải quyết công ăn việc làm cho những người bình thường mà kể cả những người thiệt thòi từ lúc bẩm sinh, người khuyết tật cũng có thể có công ăn việc làm phù hợp với sức khỏe của mình.

 

Ông có điều gì nhắn gửi đối với những tài năng đã tỏa sáng trong đêm chung kết NTĐV 2006 và những nhân tài nhiều triển vọng trong tương lai?

 

Đối với nhân tài dù trong bất cứ lĩnh vực nào cũng đều được trân trọng. Không chỉ riêng Bộ BCVT mà các cơ quan,doanh nghiệp đều hiểu rõ vấn đề này. Các doanh nghiệp muốn quản lý có hiệu quả, muốn nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh… đều phải sử dụng những cán bộ tài năng. Đối với chúng tôi, những tài năng về CNTT-TT lại càng được coi trọng. Tôi có một lời khuyên giành cho giới trẻ: Hãy luôn tự tin vào chính mình, luôn luôn học hỏi, trau dồi kiến thức cho bản thân và đặc biệt phải không ngừng nâng cao trình độ ngoại ngữ và CNTT. Đó là những chiếc chìa khóa vàng mở ra tương lai thành công của các bạn trong xu thế hội nhập và phát triển.

 

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

 

Trần Đức - Bảo Trung thực hiện