Nghiên cứu gen thằn lằn giúp chữa nhiều chứng bệnh nan y trên con người

(Dân trí) - Khi một con thằn lằn bị đứt đuôi, nó có thể mọc lại chiếc đuôi của mình. Các nhà khoa học vừa tìm ra được nguyên nhân và hy vọng điều này có thể hữu ích với con người để chữa nhiều chứng bệnh nan y.

Các nhà khoa học đã có một bước tiến lớn để đến gần hơn với câu trả lời cho câu hỏi tại sao thằn lằn có thể mọc lại đuổi sau khi bị đứt, bằng cách định vị những gen có trách nhiệm phục hồi phần đuổi cho thằn lằn. 

Theo đó, các nhà khoa học của Trường Đại học bang Arizona (Mỹ) đã tiến hành nghiên cứu kỹ càng khoảng 23.000 gen được tìm thấy trong mẫu đuôi bị đứt lìa của loài thằn lằn xanh anole (được phân bổ chủ yếu tại đông nam nước Mỹ và một số đảo trong vùng biển Caribe). Các nhà khoa học phát hiện ra rằng có ít nhất 326 gen tại một số điểm cụ thể trong chiều dài đuôi được “kích hoạt” trong quá trình tái tạo. Điều này cho thấy DNA của thằn lằn có một “công thức” di truyền để tái sinh.

“Chúng tôi đã thực sự bất ngờ”, Kenro Kusumi, một Giáo sư về khoa học đời sống của trường Đại học bang Arizona, đồng tác giả của công trình nghiên cứu cho biết. “Chúng tôi nghĩ rằng các tế bào tái sinh được tập trung ở phần chóp của đuôi, tuy nhiên thay vào đó các tế bào được phân chia trong từng khu vực riêng, bao gồm ở cơ, sụn, tủy sống và phần da ở đuôi”.

Nghiên cứu cơ chế tái tạo đuôi của thằn lằn có thể mang lại nhiều lợi ích cho con người
Nghiên cứu cơ chế tái tạo đuôi của thằn lằn có thể mang lại nhiều lợi ích cho con người

Các nhà khoa học cho biết những tế bào này sẽ phát triển thành những mô mới để hình thành lại chiếc đuôi đã bị đứt của thằn lằn.

“Quá trình tái sinh phần đuôi không diễn ra ngay lập tức, mà phải mất hơn 60 ngày để thằn lằn có thể phục hồi hoàn toàn phân đuổi và đầy đủ chức năng của đuôi”, Elizabeth Hutchins, đồng tác giả của công trình nghiên cứu cho biết.

Đáng chú ý, các nhà khoa học cho rằng công trình nghiên cứu của mình có thể giúp mở đường cho phương pháp điều trị mới cho các dị tật bẩm sinh, tổn thương tủy sống hay chữa chứng bệnh viêm khớp... trên con người. 

“Thằn lằn về cơ bản có bộ gen tương tự như con người. Đây là loài động vật có liên quan chặt chẽ nhất với con người có thể tái tạo toàn bộ một bộ phận phụ bị mất đi”, Kenro Kusumi chia sẻ.

Giáo sư Kusumi cho biết gần như tất cả 326 gen được các nhà nghiên cứu xác định được trên thằn lằn cũng đang hiện diện trên con người. 

“Một phần quan trọng của các chi là khớp, được đệm bởi một loại sụn nhất định”, Giáo sư Kussumi cho biết. “Thằn lằn phát triển rất nhiều loại sụn này trong phần đuôi tái sinh của nó, và chúng tôi hy vọng rằng nghiên cứu mới sẽ giúp phát triển được quá trình tái tạo sụn để chữa nhiều chứng bệnh ở con người”.

Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học đã được đăng tải trên tạp chí Khoa học Plos One

T.Thủy