“Ngập lụt” trong cơn “đại hồng thủy” game lậu

Tính từ ngày 3.7.2013 (thời điểm Bộ TTTT tổ chức hội thảo “Nâng cao hiệu quả công tác quản lý trò chơi trực tuyến” tại Hà Nội) đến nay đã hơn hai tháng, và sau đó là sự ra đời của Nghị định 72/2013/NĐ-CP (về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng), song, thị trường game lậu hầu như vẫn không được chấn chỉnh.

Thậm chí ngược lại, cơn “đại hồng thủy” về game lậu đang gây “ngập lụt” thị trường.
 
Game được cho là không có giấy phép được quảng bá trên truongton.net.
Game được cho là không có giấy phép được quảng bá trên truongton.net.
 
Từ bí mật chuyển sang công khai

Game lậu là game không/chưa có giấy phép lưu hành tại VN nhưng vẫn hiện diện trên thị trường để kinh doanh. Số lượng game lậu hiện nay được giới DN phát hành game cũng như giới chức quản lý ngành TTTT ước lượng có trên 200 đầu. Trước tháng 7.2013, các đơn vị kinh doanh game lậu dù đã rất táo bạo nhưng ít nhiều còn chút dè chừng cơ quan chức năng, đặc biệt là sau vụ SunSoft bị công an đánh án. Tuy nhiên, từ sau hội thảo kể trên, nhiều đơn vị phát hành, kinh doanh game lậu đã nhảy từ hoạt động bí mật ra công khai.
 
Mới nhất là hai Cty TNHH công nghệ Thế Giới Trẻ (viết tắt là Cty Thế Giới Trẻ, sở hữu diễn đàn truongton.net khá nổi tiếng) và Cty InnoFlex. Với thế mạnh của trang truongton.net được nhiều người biết đến, Cty Thế Giới Trẻ đã quảng bá hàng loạt game lên diễn đàn này, như Vua hải tặc, Đại chiến Nam Thiên Môn, Nhiệt huyết..., đều được cho rằng chưa có giấy phép lưu hành.
 
Trong khi đó, vào sáng ngày 19.8 vừa qua, Cty InnoFlex và Venus Fashion đã tổ chức cuộc họp báo tại TPHCM công bố hợp tác và ra mắt game Huyền thoại Tam Quốc mà người đẹp Ngọc Trinh dính dáng đến với chức danh giám đốc thương hiệu cho game này. Theo tìm hiểu của chúng tôi, game Huyền thoại Tam Quốc chưa được Bộ TTTT cấp phép lưu hành nhưng đã mở ra cho chơi rộng rãi. Vụ việc này đang được Sở TTTT TPHCM xem xét và xử lý.
 
Hiện, ngay cơ quan chức năng còn phân biệt hai khái niệm game lậu (game ăn cắp bản quyền và lưu hành tại VN không có giấy phép) khác game không phép (có bản quyền nhưng không có giấy phép lưu hành). Tuy nhiên theo chúng tôi, dù có bản quyền nhưng nếu phát hành, kinh doanh tại VN mà chưa có giấy phép, cũng coi như là game lậu. Game lậu hiện nay được quảng cáo đầy rẫy trên các trang báo điện tử, website thông tin tổng hợp, đặc biệt là trên các diễn đàn và cổng thông tin. 

Vì sao không dẹp được?
 
Đã là game lậu thì tất nhiên không được phép lưu hành chứ đừng nói gì đến việc tổ chức sự kiện ra mắt chính thức hay quảng cáo. Thế nhưng hiện nay, game lậu được quảng cáo rộng rãi, cơ quan chức năng có thấy có biết cũng đành lơ, có thể do lực lượng mỏng không đủ sức tìm hiểu, điều tra thu thập căn cứ; nhưng cũng có thể chủ động buông xuôi...
 
Đích thân Chánh Thanh tra Bộ TTTT chỉ ra rằng: Có ít nhất 4 DN nước ngoài kinh doanh hàng chục đầu game lậu tại VN và trốn thuế. Thế nhưng đến nay, chưa có DN nào trong số này bị xử lý nghiêm túc. Một trong những cái tên “cộm cán” trong số 4 DN nước ngoài kể trên là Cty TNHH Koram Games (Koram Games Limited), đóng tại TPHCM, từng phát hành các game như Phong Vân Tam Quốc 2 (www.pvtq2.com); Tam Quốc (www.3quoc.com); Tiên Cảnh (www.tiencanh.com) và Huyền thoại Bá Vương. Koram Games đã trở thành cái gai ngay cả trong mắt các DN game VN, nhưng cuối cùng cũng chẳng làm gì được. Hơn thế nữa, gần đây dù đã được Bộ TTTT nhắc nhở nhưng game của Cty này vẫn được quảng bá trên một số trang online có tên miền .vn.
 
Trên thực tế, gần như 100% DN phát hành game tại VN đều làm game lậu, với số lượng game lậu được quảng bá chiếm ít nhất cũng từ 60-70% lượng game đang lưu hành trên thị trường. Thẳng thắn nhất mới chỉ có Cty FPT Online thừa nhận thời gian qua đã có phát hành vài game lậu.
Theo Lao động