Nên làm gì khi bị nhục mạ, vu khống trên mạng xã hội?

(Dân trí) - "Một lời nói trên mạng xã hội có thể giết người không cần dao" - Tiến sĩ Lê Thẩm Dương đưa ra quan điểm cá nhân tại Hội thảo "Nói không với vu khống và trục lợi trên mạng xã hội” vừa được tổ chức tại TP.HCM.

Nên làm gì khi bị nhục mạ, vu khống trên mạng xã hội? - 1

Buổi hội thảo có sự tham gia của nhiều đại diện đến từ các ngành nghề khác nhau như đạo diễn Lê Hoàng, tiến sĩ Lê Thẩm Dương, hoa hậu Diễm Hương, Phó Chánh tòa Hình sự TAND TPHCM - ông Vũ Phi Long…

Tại hội thảo, hoa hậu Diễm Hương đã có những chia sẻ về việc chính cô cũng trở thành nạn nhân của mạng xã hội.

Nên làm gì khi bị nhục mạ, vu khống trên mạng xã hội? - 2

"Có rất nhiều người chửi mình, có những comment dùng nhiều ngôn từ nặng nề và vô văn hoá. Việc này làm ảnh hưởng đến cả gia đình mình. Thời gian đó, mình bị áp lực, stress và phải gặp bác sĩ. Bác sĩ còn sợ mình tự tử vì đặc tính công việc buộc mình lúc nào cũng phải cười, không thể hiện sự căng thẳng ra bên ngoài. Những cảm xúc tiêu cực cứ tích tụ dần, có lúc mình cảm thấy như muốn nổ tung. Lúc đó, mình phải đóng facebook trong một thời gian để tránh luồng dư luận và năng lượng xấu”.

Nên làm gì khi bị nhục mạ, vu khống trên mạng xã hội? - 3

Tiến sĩ Lê Thẩm Dương cũng đồng ý về những nguy hiểm mà mạng xã hội mang lại. Theo ông, một câu nói có thể giết chết một con người, thậm chí là một doanh nghiệp.

Nhưng ở vấn đề này, đạo diễn Lê Hoàng lại có ý kiến ngược lại. Theo ông, đã lựa chọn trở thành người của công chúng thì cũng phải chấp nhận được những ý kiến và bàn luận trái chiều. Theo đạo diễn, mạng xã hội là sự phát triển của loài người, giúp nhiều người có phương tiện để thể hiện quan điểm của mình. Mạng xã hội cũng có rất nhiều điều tích cực chứ không phải quá xấu xa như những gì mọi người nhận định gần đây.

Nên làm gì khi bị nhục mạ, vu khống trên mạng xã hội? - 4

Đạo diễn Lê Hoàng chia sẻ, ông cũng từng là nạn nhân của những bình luận tiêu cực khi làm bộ phim “Lọ lem hè phố” và bị một số người cho rằng bộ phim này ăn cắp ý tưởng của một bộ phim Mỹ.

“Khi đó rất nhiều người nói nặng nề, lúc đó tôi chỉ có thể chứng minh là tôi làm phim không bao giờ ăn cắp ý tưởng, nhưng với những bình luận của cộng đồng mạng thì tôi chỉ biết im lặng”.

Đạo diễn Lê Hoàng nhận xét: "Ngay cả bây giờ, mỗi khi nhạc sĩ, ca sĩ ra tác phẩm mới, vẫn có thông tin tố ăn cắp ý tưởng mà việc làm rõ đúng sai không phải là điều dễ dàng".

Do đó theo đạo diễn Lê Hoàng, trước những thông tin vu khống, ngoài việc tìm đến sự giúp đỡ của cơ quan quản lý nhà nước, người dùng cần tự nâng cao bản lĩnh và sức chịu đựng và tự ứng xử khi gặp thông tin xấu trước khi trông chờ cơ quan quản lý vào cuộc giải quyết.

Nên làm gì khi bị nhục mạ, vu khống trên mạng xã hội? - 5

Trả lời câu hỏi “nạn nhân bị vu khống trên mạng xã hội, cần làm gì?” ông Vũ Phi Long cho biết, có 4 bước xử lý khi bị vu khống trên mạng xã hội gồm:

  1. Gửi ý kiến đến đơn vị quản lý của người đó để xử lý
  2. Xử lý hành chính trong vi phạm hành chính
  3. Kiện ra toà dân sự để yêu cầu bồi thường thiệt hại
  4. Nạn nhân có thể làm đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự. 

Thư Quỳnh