Mỹ bắt đầu gỡ bỏ lệnh cấm ZTE, nhưng chỉ có hiệu lực tới 1/8

(Dân trí) - Tưởng như đã đặt dấu chấm hết và chỉ còn cách khai tử tại thị trường Mỹ, nhưng ZTE nay đã có thể tiếp tục sản xuất điện thoại và các thiết bị khác dù phải chịu nhiều cấm vận.

Mỹ bắt đầu gỡ bỏ lệnh cấm ZTE, nhưng chỉ có hiệu lực tới 1/8
Mỹ bắt đầu gỡ bỏ lệnh cấm ZTE, nhưng chỉ có hiệu lực tới 1/8

Theo thông tin mới nhất, Bộ Thương mại Hoa Kỳ vừa mới tạm thời dỡ bỏ một phần lệnh cấm của ZTE trong việc hợp tác với các công ty tại Mỹ được ban hành gần 3 tháng trước.

Sau khi trả số tiền phạt lên tới 1 tỷ USD, hiện ZTE được phía Mỹ ủy quyền để tiếp tục hỗ trợ nhiều thiết bị và sản phẩm tiêu dùng đã triển khai trước đây. Điều này giúp hãng duy trì được nguồn vốn cho cơ sở hạ tầng tiếp tục hoạt động. Đáng chú ý, Mỹ còn cho phép ZTE cung cấp các bản vá bảo mật cho smartphone và các sản phẩm khác của hãng.

Tuy nhiên theo Bloomberg, lệnh cấm chỉ được dỡ bỏ một cách tạm thời, cụ thể là có hiệu lực đến ngày 1/8, và hoàn toàn không có thông tin cho biết sẽ xảy ra điều gì thời gian sau đó.

Vụ việc giữa ZTE và Mỹ xảy ra vào đầu tháng 4 khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã áp đặt lệnh cấm đầy bất ngờ kéo dài tới 7 năm đối với công ty đến từ Trung Quốc, qua đó không cho phép các công ty Mỹ bán thiết bị phần cứng và phần mềm cho thương hiệu này.

ZTE Blade V9
ZTE Blade V9

ZTE, thương hiệu smartphone lớn thứ 4 tại Mỹ sau đó ít ngày tuyên bố sẽ ngừng các hoạt động chính của công ty và không còn lựa chọn nào khác ngoài gỡ bỏ sản phẩm nhằm tìm giải pháp thay thế.

Tuy nhiên, tình thế "đứng trên bờ vực" của ZTE đã có những chuyển biến tích cực, khi ông Trump bất ngờ đăng tải một dòng tweet cho biết ông đang nỗ lực đưa hãng trở lại kinh doanh. Quyết định của Donald Trump sau đó gặp phải sự phản kháng từ các nhà lập pháp và cơ quan thực thi pháp luật tại Mỹ, trong đó bao gồm Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio cùng hơn 32 thượng nghị sĩ khác.

Dẫu vậy vào ngày 14/6, Wilbur Ross, Bộ trưởng Thương mại Mỹ thông báo đã đạt được thỏa thuận với ZTE để hãng tiếp tục kinh doanh, nhưng phải chịu thêm khoản tiền phạt trị giá 1 tỷ USD, cũng như buộc phải tiếp nhận một đội ngũ quản trị do Mỹ ứng cử, trực tiếp tham gia và ban điều hành và hội đồng quản trị của công ty.

Mặc dù hình phạt được đưa ra từ phía Mỹ là khá nặng tay, tuy nhiên đối với ZTE, đây gần như là cơ hội duy nhất để họ tiếp tục trở lại thị trường đứng thứ 2 trên thế giới và tiếp tục kinh doanh, cũng như cứu lấy hàng triệu công việc bị mất tại Trung Quốc.

Nguyễn Nguyễn

Theo Bloomberg