Mua điều hòa cũ giá vài ba triệu: tưởng rẻ hóa đắt

(Dân trí) - Không tính trước chi phí tháo lắp và vệ sinh, mua phải sản phẩm bị nâng đời hay đã qua "mông má" khiến người dùng mua điều hòa cũ "tiền mất, tật mang".

Lắp điều hòa cách đây hai tuần nhưng chị Thanh Tâm (Hà Đông, Hà Nội) lại không dùng được khi thời tiết vào hè. Chiếc máy mà chị mua thanh lý của một người trên mạng liên tục chảy nước ở cửa gió và làm lạnh rất yếu. "Lúc kiểm tra, thấy điều hòa vẫn còn mới và hơi mát sâu, giá chỉ hơn ba triệu đồng - bằng một phần ba so với hàng bóc hộp nên tôi mới quyết mua", chị Tâm chia sẻ. "Bán sang tay nên không có bảo hành, giờ ôm cục tức vào người và chỉ còn biết gọi thợ ngoài sửa".

Cũng chọn điều hòa đã qua sử dụng, anh Minh Đức (Đống Đa, Hà Nội) lại tìm đến hàng nội địa Nhật và dùng bình thường hết mùa nóng trước. Tuy nhiên vừa rồi khi gọi thợ để vệ sinh máy, anh mới được biết chiếc máy lạnh mà mình mua sản xuất từ 2010 chứ không phải đời 2016 như quảng cáo. "Máy được lột tem cũ, dán tem của thế hệ mới đè lên, giờ gọi cửa hàng bán cho mình thì không liên lạc được", anh phân trần.

Nhộn nhịp thị trường điều hòa cũ

Mua điều hòa cũ giá vài ba triệu: tưởng rẻ hóa đắt - 1
Điều hòa cũ là lựa chọn được không ít người quan tâm nhằm tiết kiệm chi phí

Bên cạnh hàng mới, thị trường điều hòa cũ tại Việt Nam khá sôi động. Đầu tiên phải kể đến các sản phẩm trưng bày, là hàng được bóc khỏi hộp và giới thiệu cho khách xem tại các siêu thị điện máy, rồi hết chiến dịch sẽ bán lại với giá rẻ hơn 10-30%. "Thực tế, điều hòa trưng bày hầu hết chưa cắm điện, vẫn được bảo hành đầy đủ như hàng mới chính hãng nên có thể phần nào yên tâm", anh Lê Văn Phúc, quản lý tại một cửa hàng điện tử trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội), nói. "Tuy nhiên, người dùng vẫn cần trực tiếp kiểm tra yếu tố hình thức và hỏi rõ về chính sách bảo hành, lắp đặt, hậu mãi”.

Loại điều hòa cũ khác cũng được nhiều khách hàng quan tâm, đặc biệt với sinh viên, công nhân là những sản phẩm trong nước đã qua sử dụng được thanh lý, nâng đời hay các máy hỏng được cửa hàng mua lại, sửa chữa rồi tiếp tục bán ra thị trường. Ngoài ra, còn có những chiếc máy lạnh cũ được giới thiệu là nhập trực tiếp từ Nhật Bản, chỉ dành riêng cho thị trường nội địa.

Không khó để tìm thấy các bài rao trên Facebook, diễn đàn hay hội nhóm bán các mặt hàng này, với giá chỉ 3-5 triệu đồng cho một mẫu điều hòa, tức rẻ bằng nửa hay một phần ba so với điều hòa mới. Tuy nhiên, theo những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực điện tử, điều hòa cũ tiềm ẩn nhiều rủi ro và cũng là bài toán kinh tế mà người dùng cần cân nhắc kỹ.

Mua hàng cũ, tưởng rẻ hóa đắt

Điều hòa mới thường được các cửa hàng, siêu thị điện máy hỗ trợ chi phí lắp đặt, vật tư, thậm chí là tính luôn vào giá bán. Trong khi đó, nếu mua điều hòa cũ bạn cần cộng thêm chi phí tháo (khoảng 300.000 – 500.000 đồng) nếu là mua sang tay, công vận chuyển vì là hàng cồng kềnh và chi phí lắp đặt (500.000 – 1 triệu đồng). Đó là chưa kể đến một số vật tư cũ không tận dụng được, chẳng hạn ống đồng quá ngắn hay gấp gãy sẽ phải thay mới, nạp gas, thay aptomat, chân đế cục nóng, dây điện...

Mua điều hòa cũ giá vài ba triệu: tưởng rẻ hóa đắt - 2
Cần tính thêm chi phí tháo, lắp, vệ sinh khi mua điều hòa đã qua sử dụng

"Hầu hết điều hòa cũ được các cửa hàng bán lại đều đã qua tân trang", anh Nguyễn Văn Hoàn, một thợ sửa điều hòa trên phố Nguyễn Lương Bằng (Đống Đa, Hà Nội) cho hay. "Tùy vào tình trạng của máy mà có thể được đánh bóng lại phần vỏ, hàn các chi tiết nhựa gãy hay can thiệp vào cả phần máy và bảng mạch". Đây cũng là lúc người dùng dễ rơi vào "mê cung" của điều hòa cũ với các sản phẩm "thượng vàng hạ cám" mà nếu không có kinh nghiệm thì chỉ biết tin vào người bán.

Theo thợ này, nếu điều hòa cũ được làm mới, vệ sinh phần vỏ mà không can thiệp vào bên trong thì yên tâm sử dụng. Tuy nhiên, nếu phải mở lốc, bảng mạch hay linh kiện điện sẽ ảnh hưởng tới tuổi thọ cũng như hiệu suất của máy. Một số điều hòa nội địa Nhật cũ vì hiếm linh kiện nên được sửa theo kiểu chắp vá. Nguy hiểm hơn cả là mua phải hàng cũ được "lên đời" thì phần nhựa dùng chỉ vài tháng đã ố vàng, phần sơn của cục nóng bay màu và có thể xuất hiện rỉ sét do tiếp xúc trực tiếp ngoài trời.

"Với máy quá cũ, thợ thường dùng hóa chất để tẩy trắng nhựa, lúc mua thì trông rất mới nhưng rất nhanh xuống cấp", anh Hoàn giải thích. "Máy lạnh đời chênh nhau 3-5 năm vẫn có chung thiết kế nên lợi dụng điều này, một số cửa hàng còn bóc tem cũ để dán tem mới nhằm 'trẻ hóa' chiếc máy của mình để dễ bán hoặc bán được giá cao hơn". Khi mua phải những chiếc điều hòa này, người dùng tưởng mua được hàng rẻ nhưng hóa ra lại đắt.

Chỉ mua cũ khi thực sự am hiểu

Mua điều hòa cũ giá vài ba triệu: tưởng rẻ hóa đắt - 3
Điều hòa đã qua sử dụng, dễ mua nhưng khó chọn

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực điện máy, điều hòa đã qua sử dụng là một lựa chọn có thể cân nhắc khi người dùng muốn tối ưu chi phí nhưng không dành cho "tay mơ". Nếu tìm mua máy cũ cần đến những nơi uy tín, người bán tin cậy, hỏi rõ về nguồn gốc, chính sách bảo hành, tính toán chi phí lắp đặt. "Dù là sản phẩm giá rẻ thì chữ in cũng phải nét, tem mác dán không bị xộc xệch", anh Hoàn tiết lộ. "Để phân biệt các đời máy thì phải dựa vào tính năng khác biệt hay hình ảnh của nhà sản xuất, có thể tra cứu trên Internet".

Anh Hoàn cho rằng các mẫu điều hòa nội địa Nhật mà tìm được sản phẩm tốt cũng rất bền, làm lạnh sâu, hoạt động êm ái và có những công nghệ vượt trội so với sản phẩm chính hãng cùng tầm tiền. Được rao bán rất nhiều trên các hội nhóm Facebook, diễn đàn nhưng không dễ tìm được máy còn nguyên bản. Hơn nữa, điều hòa Nhật cũng có những bất tiện trong quá trình sử dụng do khác biệt về ngôn ngữ, không tận dụng được hết các tính năng.

Ngược lại, thị trường điều hòa mới hiện nay cũng có rất nhiều lựa chọn với các mức giá khác nhau, chỉ từ khoảng 3 triệu đồng. "Dù mua một chiếc điều hòa giá rẻ nhưng hàng mới chính hãng, bạn vẫn sẽ được bảo hành ít nhất một năm như dòng đắt tiền", chủ một cửa hàng điện máy nói. "Chưa kể vấn đề tuổi thọ, loại gas, mức tiêu thụ điện hay các công nghệ của những chiếc điều hòa mới cũng được cải tiến".

Đình Nam