Một du khách Việt khóc lóc xin lại tiền mua iPhone 6 tại Singapore

(Dân trí) - Một khách du lịch Việt Nam đã gặp phải “ác mộng” khi mua một chiếc iPhone 6 tại Singapore nhưng không đọc kỹ các điều khoản mua sắm, khiến anh phải rơi nước mắt và van xin phía cửa hàng trả lại số tiền mà mình đã dùng để mua chiếc smartphone này.

iPhone 6 kèm gói bảo hiểm "trời ơi" giá... 41,6 triệu
 
Theo thông tin từ tờ báo Stomp của Singapore, một khách du lịch Việt Nam đã đến du lịch Singapore cùng bạn gái và anh quyết định mua một chiếc iPhone 6  tại cửa hàng điện thoại Mobile Air, nằm trong trung tâm bán lẻ hàng điện tử Sim Lim Square tại Singapore.

Chiếc điện thoại có giá 950 SGD (tương đương 16,1 triệu đồng) và người đàn ông này chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt. Tin tưởng vào uy tín của các cửa hàng tại Singapore, anh này cũng không hề đọc kỹ điều khoản mua bán giữa 2 bên.

Sau khi mua sản phẩm và chuẩn bị rời khỏi cửa hàng, nhân viên của Mobile Air đã hỏi anh này muốn mua thêm gói bảo hiểm sản phẩm trong một hoặc 2 năm. Là người không thông thạo tiếng Anh, khách hàng này đã quyết định chọn gói bảo hiểm một năm và nghĩ rằng nó hoàn toàn miễn phí.

Hình ảnh vị khách hàng mếu máo khi được biết mình không lấy lại được tiền đã mua chiếc iPhone 6
Hình ảnh vị khách hàng mếu máo khi được biết mình không lấy lại được tiền đã mua chiếc iPhone 6

Sau khi đồng ý các điều khoản, cửa hàng yêu cầu vị khách trả thêm 1.500SGD (25,5 triệu đồng) phí bảo hiểm một năm của sản phẩm, đồng thời phía cửa hàng khẳng định rằng nếu không trả tiền anh sẽ không được phép mang chiếc iPhone 6 vừa mua ra khỏi cửa hàng.

Không còn cách nào khác, vị khách hàng này đã bật khóc và quỳ xuống để xin phía cửa hàng trả lại tiền cho mình.

“Tôi chỉ là một công nhân với lương gần 200SDG (3,4 triệu đồng) mỗi tháng. 950SGD là tiền lương trong nhiều tháng của tôi và là một số tiền lớn. Tôi thực sự rất buồn”, vị khách này nói trong nước mắt khi được các phóng viên phỏng vấn.

Được biết du khách này định mua chiếc iPhone 6 để làm quà sinh nhật cho người yêu mình.

Theo lời các nhân chứng chứng kiến vụ việc, phía nhân viên của Mobile Air đã cười vào vị khách này và cũng không có người qua đường nào tỏ thái độ muốn giúp đỡ anh.

Sau đó phía Mobile Air chấp nhận trả lại vị khách hàng này số tiền 600SGD (10,2 triệu đồng), tuy nhiên người bạn gái đi cùng đã gọi cảnh sát vì tiếc số tiền 350SGD còn lại mà mình đã thanh toán. 

Dù các nhân viên của cửa hàng sau đó cho biết sẽ từ chối trả lại tiền nếu cô gọi điện báo cảnh sát, tuy nhiên người bạn gái này vẫn quyết định gọi điện cho cảnh sát.

Sau khi cảnh sát đến nơi, phía cửa hàng đã cho cảnh sát xem hóa đơn có chữ ký và chỉ đồng ý trả lại số tiền 70SGD (1,19 triệu đồng). 

Tuy nhiên sau khi có sự can thiệp của Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng Singapore, vị khách đã được phía cửa hàng đồng ý chi trả lại khoản tiền 400SGD  (6,8 triệu đồng). Vị khách hàng này cho biết anh đành phải chấp nhận số tiền trả lại này vì phải quay trở lại Việt Nam sau 2 ngày nữa và không chắc rằng nhà chức trách Singapore có giúp anh lấy lại đủ số tiền hay không.

Vụ việc sau khi được các phương tiện truyền thông tại Singapore đăng tải đã gây nên một làn sóng phản đối nhằm vào phía cửa hàng Mobile Air. Nhiều người cho rằng đây là một hành động lừa đảo của Mobile Air, trong khi đó không ít người cho rằng hành động của Mobile Air làm xấu đi hình ảnh của đất nước Singapore và xứng đáng bị đóng cửa...

Hành vi lừa đảo, cẩn thận khi mua iPhone tại Singapore

Cửa hàng Mobile Air. Ảnh: Straits Times

Cửa hàng Mobile Air. Ảnh: Straits Times

Đáng chú ý đây không phải lần lần đầu tiên cửa hàng Mobile Air dính vào rắc rối khiến cho cửa hàng bị tẩy chay.

Trên một số diễn đàn, nhiều người Việt Nam, trong đó có cả những thợ chuyên buôn iPhone cho biết mình cũng đã dính vào bẫy tương tự.

Anh Vũ Hải, quản trị diễn đàn Tinh tế, chia sẻ về thủ đoạn của cửa hàng Mobile Air như sau:

Khi người mua vào hỏi giá, trả giá, người bán đồng ý bán, thì lúc này thủ đoạn lừa đảo bắt đầu.

Bên bán sẽ kích hoạt lập tức chiếc máy đồng thời đưa người mua ký vào bản hợp đồng và hỏi người mua trả tiền mặt hay thẻ.

Sau khi kí tờ giấy đầu tiên, bên bán ghi thêm 1 dòng nữa với thông tin: Tôi đồng ý nhận gói khuyến mãi, gói này kèm theo iPhone. Nếu người mua hỏi "Quà tặng à, tôi chỉ muốn mua iPhone thôi, không cần khuyến mãi!" thì bên bán sẽ trả lời đại khái "Anh yên tâm, gói này tặng kèm, bảo hành cửa hàng miễn phí!".

Lúc này bên bán đã lấy tiền mua máy (có thể quẹt thẻ hoặc trả tiền mặt).

Sau khi dán màn hình xong, bên bán trao máy, nhưng kèm theo 1 tờ giấy, chính là tờ "Gói khuyến mãi". Bạn phải trả thêm mấy trăm SGD cho "gói bảo hành" này, nếu không cửa hàng sẽ không trả máy. Đây là lúc người bán lật lọng vì tất cả giấy tờ người mua đã ký.

Nếu bạn không mua iPhone nữa, người bán cũng chấp nhận trả lại tiền nhưng chỉ nhập lại cái máy bằng tiền giá máy cũ, hụt mất một khoản lớn so với giá mua ban đầu.

Bản thân anh Hải mặc dù tiếng Anh thông thạo nhưng không thể ngờ người bán lại có thể lật lọng như vậy nên cũng đã dính lừa một lần. "Trong lúc cãi nhau, bên bán còn trưng ra tập hoá đơn cùng câu nhắn nhủ “không phải mình mày, rất nhiều người cũng vậy!”, có nghĩ là rất nhiều người bị lừa với thủ đoạn tương tự", anh kể.

Cách đây không lâu một cô gái tên Zhou tại Singapore đã mua một chiếc iPhone 6 Plus tại cửa hàng này với giá 1.600SGD, tuy nhiên sau khi ký hợp đồng mua bán, nhân viên của cửa hàng yêu cầu cô trả thêm 2.400SGD phí bảo hiểm.

Túi tiền xu mà cửa hàng Mobile Air vứt xuống sàn nhà và yêu cầu khách hàng tự nhặt.
Túi tiền xu mà cửa hàng Mobile Air vứt xuống sàn nhà và yêu cầu khách hàng tự nhặt.

Zhou sau đó thỏa thuận mức giá xuống 3.000SGD nhưng vẫn cảm thấy không hài lòng, sau đó đã mang vụ việc lên Tòa án dân sự tại Singapore, nơi đã ra phán quyết cửa hàng Mobile Air phải trả lại cho Zhou số tiền 1.010SGD. Sẽ không có gì đáng nói nếu như phía cửa hàng sau đó không trả cho Zhou số tiền này hoàn toàn bằng  tiền xu và nhân viên của cửa hàng đã vất túi tiền xu nặng đến 18kg xuống sàn nhà và yêu cầu Zhou tự nhặt số xu bị văng ra.

Để tránh gặp tình trạng này, bạn cần trang bị cho mình kiến thức tối thiểu khi mua sắm ở nơi xa lạ, tốt nhất nên vào các đại lý được hãng ủy quyền.

T.Thủy