Mỗi tháng có 7000 đợt tấn công website chính quyền TPHCM

(Dân trí) - Trung bình mỗi tháng có khoảng hơn 44 ngàn đợt dò quét và khoảng 7.000 đợt tấn công, trong đó, Trung Quốc và Mỹ là 02 quốc gia có nguồn tấn công nhiều nhất nhắm vào hệ thống của TPHCM.

screen-shot-2015-11-19-at-3-09-59-pm-1447920620568

Theo thống kê của Trung tâm dữ liệu thành phố, trong 09 tháng đầu năm 2015 đã có tổng cộng hơn 400.000 đợt dò quét và 60.000 đợt tấn công mạng bằng nhiều hình thức nhằm vào hệ thống của thành phố đã được phát hiện và ngăn chặn.

Trung bình mỗi tháng có khoảng hơn 44.000 đợt dò quét và khoảng 7.000 đợt tấn công. Cũng theo báo cáo thống kê này thì Trung Quốc và Mỹ là 02 quốc gia có nguồn tấn công nhiều nhất nhắm vào hệ thống của thành phố.

Đặc biệt đối với cổng thông tin điện tử TPHCM, trong 09 tháng đầu năm 2015, đã thống kê được có hơn 4,7 triệu đợt dò quét và tấn công ứng dụng web đã được hệ thống tường lửa ứng dụng web phát hiện và ngăn chặn. Các trang web của các đơn vị bị tấn công nhiều nhất như UB Việt Kiều, Trang chủ HCM, Trung tâm xúc tiến thương mại - điện tử... 

Trong khi đó, nói chung về tình hình an ninh mạng tại Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2015, diễn biến an ninh mạng ngày càng phức tạp hơn rất nhiều với kỹ thuật ngày càng tinh vi và gây ra hậu quả khôn lường. 

Thống kê cho thấy, trung bình mỗi tháng xuất hiện hơn 1.000 trang giả mạo Facebook nhằm lấy cắp thông tin tài khoản. 13,9 triệu tin nhắn rác được phát tán mỗi ngày, 30% website ngân hàng tồn tại nhiều lỗ hổng. Có 23.605 dòng virus máy tính mới xuất hiện tại Việt Nam. Các virus này đã lây nhiễm trên 30.936.000 lượt máy tính. Virus lây nhiều nhất nửa đầu năm 2015 là W32.Sality.PE, đã lây nhiễm trên 2.676.000 lượt máy tính. Đồng thời, 2.790 website của các cơ quan, doanh nghiệp tại Việt Nam bị hacker xâm nhập, trong đó có 34 site .gov.vn và 122 site . edu.vn .

Cũng theo thống kê của zone-h.org, trong năm 2015 có hơn 120 websites thuộc khối chính phủ Việt Nam (có tên miền .gov.vn) bị tin tặc tấn công và thay đổi giao diện.

Riêng trong quý I/2015, theo VNCERT ghi nhận 365.644 lượt địa chỉ IP Việt Nam tham gia mạng Botnet, tức đã nhiễm mã độc và sẵn sàng tấn công DDOS đến bất kỳ máy tính nào trên thế giới. Trong đó có 896 lượt địa chỉ IP của các cơ quan nhà nước.

Nhận thức về tầm quan trọng của an toàn thông tin và nâng cao nhận thức của các cấp lãnh đạo, cán bộ vận hành hệ thống thông tin, Sở Thông tin Truyền thông Thành phố đã chủ động tiếp và làm việc với các tập đoàn, công ty lớn trên thế giới về an toàn thông tin như FireEyes (Hoa Kỳ), Bynet (Israel), các doanh nghiệp Phần Lan để trao đổi, học tập kinh nghiệm trong triển khai và ứng cứu, đảm bảo an toàn thông tin.

Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân Thành phố đã tổ chức hội nghị các lãnh đạo các sở-ban-ngành, quận-huyện để nghe báo cáo về tình hình an toàn thông tin, chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn thông tin tại đơn vị. Đồng thời, theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố, Sở Thông tin Truyền thông và công ty FireEyes đã tổ chức hội nghị về an toàn thông tin cho tất cả các doanh nghiệp nhà nước thuộc Thành phố quản lý, các ngân hàng có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Sở Thông tin Truyền thông đã chủ động báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT về kế hoạch triển khai công tác phối hợp đảm bảo an toàn thông tin trên địa bàn Thành phố và khu vực phía Nam. Đồng thời, Sở đã có các hoạt động hợp tác và phối hợp cụ thể về an toàn thông tin với Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) trong thời gian qua.

Ngoài ra, theo thông tin từ Sở Thông tin Truyền thông TPHCM, trong năm 2014-2015, thành phố đã tổ chức đào tạo cho lực lượng tác chiến ANTT của TP các khoá học cơ bản về quản trị hệ thống và ANTT (Security+, CCNA Security, MCSA ...) Kế hoạch trong năm 2016 sẽ tiếp tục đào tạo các khoá học chuyên sâu về kỹ năng phân tích, điều tra truy vết về các sự cố ANTT. 

Phan Tuấn