Microsoft khiến giới công nghệ phải ngỡ ngàng khi biến trợ lý ảo thành “người thật”

(Dân trí) - Các trợ lý ảo như Siri, Alexa hay Google Assistant đã trở nên rất quen thuộc với người dùng di động, nhưng “dung nhan” của các trợ lý ảo này trông như thế nào? Microsoft vừa khiến giới công nghệ phải ngỡ ngàng khi có thể biến trợ lý ảo thành một “người thật” với đầy đủ hình hài nhờ vào kính thực tế ảo HoloLens của hãng.

Microsoft đã giới thiệu công nghệ mới của mình trên sân khấu của sự kiện Microsft Inspire Partner diễn ra ở thành phố Las Vegas (Mỹ) hôm 17/9 vừa qua. Julia White, giám đốc bộ phận điện toán đám mây Azure, đã xuất hiện trên sân khấu sự kiện với chiếc kính thực tế ảo HoloLens thế hệ thứ 2 do Microsoft phát triển.

Một máy quay đặc biệt đã được sử dụng để những người trong hội nghị có thể nhìn thấy được những gì mà Julia White có thể nhìn thấy thông qua chiếc kính thực tế ảo của mình. Nhờ chiếc kính thực tế ảo này, Julia White đã có thể tạo ra cho mình một trợ lý ảo, với điểm nhấn là hình hài của trợ lý ảo này giống hệt với Julia White, cả về ngoại hình lẫn trang phục.

Điều kinh ngạc không chỉ dừng lại ở đó. Sau khi được “hiện hình”, trợ lý ảo do kính thực tế ảo HoloLens tạo ra có thể nói trôi chảy một bài diễn thuyết bằng tiếng Nhật, với giọng nói của chính Julia White, dù trước đó bà khẳng định rằng mình không thể nói tiếng Nhật.

Microsoft khiến giới công nghệ phải ngỡ ngàng khi biến trợ lý ảo thành “người thật” - 1

Julia White và hình mẫu thực tế ảo có hình dáng của chính mình, nói với một ngôn ngữ khác thay vì ngôn ngữ gốc mà cô biết

Vậy Microsoft đã thực hiện điều đó bằng cách nào?

Đầu tiên ngoại hình và trang phục của Julia White sẽ được quét toàn bộ tại Mixed Reality, studio của Microsoft được sử dụng để có thể tạo ra ảnh toàn ký (hologram) của các vật thể thực, sau đó mang hình ảnh 3D này của Julia White để tích hợp vào chiếc kính thực tế ảo HoloLens để tạo nên một bản sao 3 chiều hoàn chỉnh của cô.

Tiếp theo Microsoft sử dụng một công nghệ dịch ngôn ngữ được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo, có tên là Neural Text to Speech (hoặc Neural TTS). Công nghệ này sẽ ghi âm giọng nói thật của White, sau đó sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra một giọng nói bằng máy tính giống hệt giọng thật của White, kết hợp với nội dung gốc đã được trí tuệ nhân tạo dịch ra tiếng Nhật và tạo nên một bài phát biểu hoàn chỉnh bằng ngôn ngữ khác.

Mặc dù Microsoft chỉ mới giới thiệu bản thử nghiệm của công nghệ mới, nhưng công nghệ này hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi ích trong tương lai, chẳng hạn có thể tạo ra các bản thuyết trình hoặc giới thiệu sản phẩm để người khác có thể xem qua kính thực tế ảo HoloLens thay vì phải thuyết trình hoặc giới thiệu một cách trực tiếp. Công nghệ dịch bằng trí tuệ nhân tạo cũng có thể giúp dịch nội dung các bài thuyết trình hoặc giới thiệu qua các ngôn ngữ khác để có thể xóa đi các giới hạn về ngôn ngữ.

Tuy nhiên, để công nghệ mới này có thể được thương mại hóa và có thể áp dụng vào thực tế có thể vẫn phải cần thêm không ít thời gian.

HoloLens là kính thực tế ảo, sử dụng nền tảng Windows Holographic, được Microsoft giới thiệu lần đầu tiên vào tháng 1/2015. Chiếc kính thực tế ảo này hoạt động như một máy tính hoàn chỉnh, với đầy đủ các thành phần như CPU, vi xử lý đồ họa, bộ xử lý 3D chuyên dụng... và có thể biến thế giới thực thành thế giới ảo với các hình ảnh 3D được hiển thị hết sức độc đáo.

Chiếc kính thực tế ảo HoloLens thế hệ thứ 2 đã được Microsoft giới thiệu tại Hội nghị Di động Thế giới diễn ra hồi cuối tháng 2 vừa qua.

Microsoft khiến giới công nghệ phải ngỡ ngàng khi biến trợ lý ảo thành “người thật”

T.Thủy