Máy bay chạy năng lượng mặt trời đầu tiên bay quanh Trái đất

(Dân trí) - Vào tháng 2 tới đây, máy bay chạy năng lượng mặt trời đầu tiên sẽ thử nghiệm bay vòng quanh Trái đất, chứng minh cho việc máy bay cũng có thể bay mà không cần phải sử dụng đến nhiên liệu hóa thạch.

Máy bay chạy năng lượng mặt trời
Máy bay chạy năng lượng mặt trời

Chiếc máy bay có tên gọi Solar Impulse 2 sẽ bắt đầu khởi hành từ thủ đô Abu Dhabi (thuộc Các tiểu Vương Quốc Ả rập thống nhất - UAE) và sẽ thực hiện bay vòng quanh Trái đất với các chặng dừng là Ấn Độ, Myanmar và Trung Quốc trước khi băng qua Thái Bình Dương, đến Hoa Kỳ, miền nam châu Âu và cuối cùng là trở lại nơi xuất phát.

Theo dự kiến, quãng đường mà Solar Impulse 2 đi sẽ dài khoảng 35.000 km (tức 22.000 dặm) và chỉ bay bằng năng lượng mặt trời. Sẽ có hai phi công quốc tịch Thụy Sỹ thay nhau lái liên tục.

“Năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời là một phép lạ. Chúng tôi sẽ tận dụng nó để bay cả ngày lẫn đêm trên chiếc máy bay này mà không cần đến một giọt nhiên liệu nào”, Bertrand Piccard, một trong hai phi công và người đồng sáng lập dự án, nói với các phóng viên bên lề Hội nghị thượng đỉnh thế giới về tương lai năng lượng đang diễn ra tại Abu Dhabi.

Solar Impulse 2 có trọng lượng chỉ bằng một chiếc xe hơi gia đình (khoảng 2,3 tấn) và có sải cánh bằng một chiếc máy bay chở khách lớn nhất. Dự kiến, chiếc máy bay này sẽ cất cánh vào cuối tháng 2 và trở về điểm xuất phát vào cuối tháng 7. Hành trình vòng quanh Trái đất là 25 ngày bay mỗi chặng với tốc độ từ 50 – 100 km/h.

Để chuẩn bị cho Solar Impulse 2 bay quanh Trái đất, nhóm dự án đã phải mất 12 năm làm việc liên tục. Các công ty tham gia vào dự án bao gồm Bayer AG, Solvay, ABB, Schindler, Omega và Abu Dhabi's Masdar.

“Solar Impulse 2 có thể không phải là máy bay chạy năng lượng mặt trời đầu tiên, nhưng nó sẽ là chiếc máy bay chạy năng lượng mặt trời vượt đại dương và châu lục đầu tiên”, Andre Borschberg, phi công thứ hai nói.

Được hỏi trong trường hợp thất bại, cả hai phi công đều nói rằng họ sẽ tiếp tục chế tạo thêm các máy bay khác để chinh phục bầu trời mà không cần nhiên liệu hóa thạch.

Lâm Anh