Kỳ vọng Nhân tài Đất Việt là “bệ phóng” các sản phẩm tiềm năng

(Dân trí) - Chia sẻ sau khi hoàn tất phần bảo vệ sản phẩm của mình, các nhóm tác giả đều khá tâm đắc trước những góp ý của hội đồng giám khảo. Mọi người kỳ vọng, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt sẽ là “bệ phóng”, giúp thúc đẩy sản phẩm đi tới hoàn thiện, phục vụ người dân.

“Hội ngộ” nhóm tác giả 10 năm trước

Mở đầu phần chung khảo Sản phẩm CNTT triển vọng, nhóm tác giả sản phẩm “Công nghệ hòa âm thông minh” khá tự tin. Theo trưởng nhóm Nguyễn Anh Kiệt, nhóm của ông đã xây dựng thành công “Công nghệ Hòa âm thông minh”, gồm các phần mềm cho phép người dùng có thể thực hiện một bản hòa âm phối khí đạt yêu cầu trong thời gian nhanh nhất mà không đòi hỏi phải có kiến thức về hòa âm phối khí (chỉ cần biết về nhạc lý cơ bản).

Nhóm tác giả sản phẩm Công nghệ hòa âm thông minh bảo vệ sản phẩm của mình trước hội đồng giám khảo.
Nhóm tác giả sản phẩm "Công nghệ hòa âm thông minh" bảo vệ sản phẩm của mình trước hội đồng giám khảo.

Đi về chi tiết sản phẩm, các giám khảo tỏ ra khá khó tính khi “xoáy” nhiều về tính ứng dụng thực tế của sản phẩm, đặc biệt là đối tượng người dùng và cách người dùng có thể tiếp cận sản phẩm. Ông Kiệt cho biết, đối tượng sử dụng sản phẩm “Công nghệ hòa âm thông minh” chỉ cần biết sơ đẳng về nhạc lý, chỉ cần nhìn bản nhạc mà hiểu được là có thể sử dụng sản phẩm này.

Trao đổi với PV Dân trí sau khi hoàn thành phần bảo vệ sản phẩm của mình, ông Trần Việt Hưng (thành viên nhóm tác giả) chia sẻ, sản phẩm “Công nghệ hòa âm thông minh” đã trải qua 10 năm phát triển. Năm 2005, sản phẩm đã giành giải Triển vọng của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt. Hai năm sau, sản phẩm này tiếp tục đoạt giải 3 Apita (Singapore).

“Trong 10 năm qua, chúng tôi tập trung hoàn thiện sản phẩm, tập trung nâng cao chất lượng công nghệ hòa âm; tìm cách giao tiếp với các loại đàn điện tử để thay thế con người.” - ông Hưng chia sẻ và cho biết, đó là lý do nhóm của ông chưa chú trọng vào tính thương mại của sản phẩm.

Nói về lý do nhóm của ông đưa sản phẩm tham dự ở nhóm sản phẩm triển vọng, ông Hưng cho biết, sản phẩm của nhóm ông mới giao tiếp được với đàn điện tử. Hiện nhóm của ông vẫn đã cố gắng hoàn thiện sản phẩm để có thể giao tiếp với tất cả các loại đàn điện tử.

Đứng trước hội đồng giám khảo gồm các giáo sư, tiến sỹ đầu ngành về CNTT nhưng nhóm tác giả sản phẩm “WONAV CT - Giải pháp thu thập và số hóa dữ liệu biển báo giao thông” không hề run. Đây là sản phẩm được ứng dụng trong lĩnh vực thu thập dữ liệu bản đồ cho các ứng dụng GIS (hệ thống thông tin địa lý) trong lĩnh vực quản lý giao thông, quản lý hạ tầng đô thị, khảo sát thị trường, khảo sát sau thảm họa...

Các giám khảo và nhóm tác giả tranh luận về sản phẩm lọt vào chung khảo.
Các giám khảo và nhóm tác giả tranh luận về sản phẩm lọt vào chung khảo.

Nói về tính năng của sản phẩm này, đại diện nhóm tác giả cho biết, tính năng nổi bật nhất của sản phẩm là có thể tự động nhận diện các biển báo giao thông bằng phần mềm, tính toán các tọa độ. Thực hiện sản phẩm này, nhóm tác giả đã chạy thử một số tuyến đường ở TPHCM và toàn bộ các tuyến đường ở TP Vũng Tàu.

Anh Vũ Quang Trọng, thành viên nhóm tác giả, cho hay, sản phẩm này có tính thương mại cao vì nhóm làm chủ được cả phần cứng và phần mềm. “Về tính thương mại của sản phẩm, chúng tôi nhận thấy thị trường ở Việt Nam khá rộng lớn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng hướng tới các thị trường các nước có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam trong khu vực.” - anh Trọng chia sẻ.

Kỳ vọng vào Giải thưởng Nhân tài Đất Việt

Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh chóng của truyền thông số, đặc biệt là nhu cầu truyền thông và giám sát hình ảnh với độ nét cao và băng thông giảm, nhóm tác giả Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội đã nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm “Vi mạch mã hóa tín hiệu video”. Sản phẩm thực hiện chức năng mã hoá video tương thích với chuẩn H.264/AVC dùng cho các thiết bị di động, từ đó cho ra đời vi mạch mã hóa video VENGME H.264/AVC (VENGME: Video Encoder for the Next Generation Multimedia Equipment).

Sản phẩm Vi mạch mã hoá tín hiệu video VENGME H.264/AVC do nhóm nghiên cứu tự nghiên cứu, thiết kế và hoàn thiện. Do đó, nhóm hoàn toàn chủ động về mặt công nghệ đối với sản phẩm vi mạch và các lõi xử lý IP cứng và mềm. Sản phẩm có thể triển khai ứng dụng trong các thiết bị giám sát thông qua camera trong các lĩnh vực giao thông, an ninh quốc phòng, công nghiệp, nông nghiệp.

Đại diện nhóm tác giả trường Đại học Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội trình bài trước ban giám khảo.
Đại diện nhóm tác giả trường Đại học Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội trình bài trước ban giám khảo.

Khá tâm đắc trước những góp ý của hội đồng giám khảo, PGS. TS Trần Xuân Tú (trưởng nhóm tác giả) cho biết, đội ngũ giám khảo của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt đều là những người có chuyên môn cao, am hiểu công nghệ cao. “Các câu hỏi của hội đồng giám khảo khá hóc búa, mọi người tranh luận rất khoa học. Nhiều điều góp ý có ích trong việc thương mại hóa cũng như phát triển, hoàn thiện sản phẩm.” - ông Tú cho hay.

Chia sẻ về lý do tham dự Giải thưởng Nhân tài Đất Việt, ông Tú thẳng thắn: “Không phải giải thưởng nào chúng tôi cũng tham gia. Nhân tài Đất Việt là giải thưởng uy tín, chất lượng, có đội ngũ chuyên gia am hiểu công nghệ. Chúng tôi đi thi không phải vì giải mà muốn thông qua giải thưởng này để thúc đẩy chuyển giao công nghệ.”

Đồng quan điểm với PGS.TS Trần Anh Tú, anh Lã Thế Vinh (thành viên nhóm tác giả sản phẩm “Bộ giải pháp định vị GPS/GNSS ứng dụng trong định vị độ chính xác cao (cỡ cm) và nâng cao an toàn, an ninh trong định vị vệ tinh - NAVISTAR) nhận định, Nhân tài Đất Việt là giải thưởng có uy tín nhất hiện nay, xét một cách toàn diện trên nhiều khía cạnh.

Mang sản phẩm đến tham dự giải thưởng, anh Vinh cũng như toàn nhóm hy vọng sẽ đoạt giải cao. Tuy nhiên, điều nhóm anh tâm đắc là những câu hỏi, những góp ý của hội đồng giám khảo.

“Các giám khảo có những câu hỏi sát sườn, rất có ích cho nhóm.” - anh Vinh vui vẻ nói.

Theo anh Vinh, sản phẩm của nhóm anh là một giải pháp giúp cho người dùng có thể tận dụng tối đa những lợi ích thiết thực mà định vị sử dụng vệ tinh GPS nói riêng hay GNSS nói chung vào nhiều lĩnh vực, ứng dụng rộng rãi, phục vụ cho nhiều ngành nghề cũng như đời sống của người dân.

“Sản phẩm của chúng tôi có tiềm năng lớn, phục vụ các đơn vị làm công tác chuyên môn cần định vị chính xác và cả nhu cầu của người dân phổ thông. Ngoài ra, tính thương mại của sản phẩm này khá cao vì phân khúc này chưa có nhà sản xuất nào ở Việt Nam thực hiện. So với sản phẩm ngoại nhập, sản phẩm này rẻ hơn 50-70% và có thể phát triển, sửa đổi, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng” - anh Vinh nói và cho biết, nhóm anh kỳ vọng, sau giải thưởng này, nhóm anh có thể triển khai toàn bộ các trạm tham chiếu trên lãnh thổ Việt Nam.

Tiến Nguyên