Kỷ niệm 30 năm cuộc gọi đầu tiên trên mạng GSM

Thế Anh

(Dân trí) - Ngày 1/7/1991, cuộc gọi đầu tiên trên mạng GSM được thực hiện bởi ông Harri Holkeri, cựu Thủ tướng Phần Lan và ông Kaarina Suonio, phó Thị trưởng thành phố Tampere.

Hiện tại là năm 2021 và chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của 5G. Công nghệ mạng di động thế hệ thứ năm được xem như bước đột phá khi có tốc độ cao và độ trễ cực thấp, giúp thúc đẩy ngành công nghiệp di động và nhiều lĩnh vực quan trọng khác.

Để có thể đạt được những thành tựu như ngày nay, thế giới cũng đã trải qua nhiều cột mốc quan trọng trong quá khứ, một trong số đó là cuộc gọi đầu tiên được thực hiện trên hạ tầng mạng 2G hay GSM (Global System for Mobile Communications - Hệ thống thông tin di động toàn cầu).

Kỷ niệm 30 năm cuộc gọi đầu tiên trên mạng GSM - 1

Cựu Thủ tướng Phần Lan, ông Harri Holkeri thực hiện cuộc gọi GSM đầu tiên ngày 1/7/1991.

Cuộc gọi này được thực hiện vào ngày 1/7/1991 trên một thiết bị của Nokia. Khi đó, ông Harri Holkeri, cựu Thủ tướng Phần Lan đã quay số gọi cho ông Kaarina Suonio, phó Thị trưởng thành phố Tampere, để thảo luận về lợi ích và những ưu điểm vượt trội của công nghệ GSM.

Chất lượng của cuộc gọi này cũng được đánh giá tương đối cao khi ông Holkeri nói rằng "giống như đang nói chuyện với hàng xóm".

Theo Android Authority, cuộc gọi trên chỉ kéo dài hơn 3 phút. Tuy nhiên, để có thể thực hiện được điều đó, các nhà nghiên cứu đã phải bỏ ra khoảng thời gian gần 2 năm làm việc chăm chỉ.

Chia sẻ trên trang blog của Nokia, ông Pekka Lundmark, chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành hiện tại của Nokia cho biết ông gia nhập Nokia vào năm 1990 với mục tiêu thực hiện cuộc gọi thương mại đầu tiên tại châu Âu trên nền tảng mạng GSM. Trước đó, Lundmark và nhóm của ông đã thử nghiệm thành công cuộc gọi mạng GSM vào ngày 27/3/1991.

"Vào lúc 4h sáng ngày 27/3/1991, chúng tôi đã thử nghiệm thành công lần đầu tiên cuộc gọi trên mạng GSM. Chúng tôi đã làm việc liên tục trong nhiều ngày đêm. Thậm chí, những người đồng nghiệp còn đặt biệt danh cho tôi là "Chief Worrier" vì trông tôi giống như một thây ma", ông Lundmark hồi tưởng.

Song hành với sự phát triển của GSM, nhiều sáng kiến về di động cũng đã được tạo ra như thẻ SIM, tin nhắn SMS hay kết nối GPRS giúp điện thoại truy cập Internet ở khắp mọi nơi. Dù vậy, sau 30 năm, công nghệ này đến nay đã lỗi thời. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã tắt sóng 2G. Đến quý I/2022, Việt Nam sẽ bắt đầu tắt sóng viễn thông 2G.

Kỷ niệm 30 năm cuộc gọi đầu tiên trên mạng GSM - 2

Ông Pekka Lundmark và nhóm của mình đang thử nghiệm cuộc gọi trên mạng GSM.

Từ ngày 1/7/2021, Thông tư số 43/2020/TT-BTTTT về ban hành "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất - Phần truy nhập vô tuyến" chính thức có hiệu lực, theo đó các thiết bị đầu cuối thông tin di động sản xuất, nhập khẩu vào Việt Nam phải hỗ trợ công nghệ 4G trở lên. Động thái này nhằm mục đích thúc đẩy sử dụng thiết bị đầu cuối thông minh 4G và 5G, tiến tới mục tiêu phổ cập smartphone vào năm 2025.

Theo dự báo của Hiệp hội Thông tin Di động Toàn cầu GSMA, lượng thuê bao 2G (trên tổng số thuê bao các thế hệ mạng di động) trên thế giới sẽ giảm từ mức 40% trong năm 2017 xuống còn 6% vào năm 2025.