Kinh doanh dữ liệu cá nhân: Như thế nào là đúng?

(Dân trí) - Nguồn tài nguyên lớn trước kia của thế giới là dầu mỏ, nguồn tài nguyên hiện nay là dữ liệu. Tuy nhiên, việc sử dụng dữ liệu thô và kinh doanh trên thông tin cá nhân của người dùng Internet là một việc làm cần phải xem xét.

Tại sự kiện Internet Day 2018 tổ chức hôm tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho rằng sự phát triển bùng nổ của công nghệ nói chung, Internet nói riêng đã mang đến các mô hình kinh doanh mới. Việt Nam trở thành một điểm đến thu hút rất nhiều doanh nghiệp công nghệ nước ngoài vào đầu tư kinh doanh, hoạt động xuyên biên giới.


Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, mặc dù các cơ quan quản lý đã có những nỗ lực để điều chỉnh, chúng ta cần thừa nhận rằng có một độ trễ nhất định của chính sách, khi mà thực tiễn diễn biến quá nhanh và chính sách không thể theo kịp.

Ông Park Jong Hyun, Tổng Giám đốc DZS Việt Nam, cũng cho rằng: “Cập nhật kiến thức và công nghệ mới không khó, ai cũng có thể làm được, nhưng từ nhận thức đến thay đổi một mô hình kinh doanh đang triển khai lại là điều hoàn toàn không đơn giản. Hiện nay, trên thế giới các doanh nghiệp trong mọi ngành nghề, từ các cửa hàng bán lẻ, văn phòng, bệnh viện, trường đại học, sân bay, khách sạn, các cơ sở y tế, nhà máy v.v. đều đang tăng tốc xây dựng các tòa nhà thông minh để khai thác triệt để các lợi ích từ sự bùng nổ của thiết bị kết nối và dữ liệu khổng lồ trong những năm tới. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam vẫn do dự thì một lần nữa sẽ bỏ lỡ cơ hội bứt phá.”

Kinh doanh từ dữ liệu người dùng cũng đang là một lĩnh vực tập trung của nhiều doanh nghiệp hiện nay.

Nói về việc nguồn tài nguyên lớn trước kia của thế giới là dầu mỏ nhưng nguồn tài nguyên hiện nay là dữ liệu, ông Vũ Minh Trí, Phó TGĐ VNG phụ trách Điện toán Đám mây kiêm Tổng GĐ VinaData, cho rằng: “Dữ liệu khác với dầu mỏ là ở chỗ nó không còn biên giới nữa. Dữ liệu của nước ta có rất nhiều, nhưng lại khu trú ở những nơi khác nhau và nó không kết nối với nhau”. Ông lấy ví dụ như Việt Nam đang có dữ liệu rất lớn về ngân hàng nhưng lại không được kết nối để biết về hành vi tiêu dùng, trình độ học vấn,… và ranh giới giữa việc khai thác dữ liệu và xâm phạm đời tư rất là mờ nhạt.


Ông Vũ Minh Trí, Phó TGĐ VNG phụ trách Điện toán Đám mây kiêm Tổng GĐ VinaData.

Ông Vũ Minh Trí, Phó TGĐ VNG phụ trách Điện toán Đám mây kiêm Tổng GĐ VinaData.

Ông Trí cho rằng chính sách phải hết sức rõ ràng, để ra được xu hướng dữ liệu và mọi người hiểu được Việt Nam có những tầng lớp nào và hành vi của mỗi tầng lớp là gì, ví dụ như Top 10 nhãn hiệu họ hay sử dụng nhất, thì đấy chính là những dữ liệu rất có ích cho mảng bán lẻ, mảng hàng tiêu dùng, chứ không tới mức biết được các thông tin cá nhân như email của người dùng, thu nhập bao nhiêu, chi tiêu bao nhiêu, gia đình bao nhiêu đứa con,…

“Việt Nam đang trong tình trạng có nhiều dữ liệu cá nhân nhưng lại không có cấu trúc và không được phân tích, và cũng không có khung pháp lí nào rõ ràng nói là được sử dụng dữ liệu đến mức nào, đến mức nào thì được coi là phân loại, mức nào là cá nhân. Đây là thử thách lớn nhất của hệ sinh thái số”, ông Trí nhấn mạnh.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cũng cho rằng, hệ sinh thái số trên thế giới cũng như tại Việt Nam đang thay đổi từng ngày và sẽ dịch chuyển sang các hình thái khác. Sẽ có những yếu tố buộc các loại hình dịch vụ này phải thay đổi để tồn tại, cạnh tranh và phát triển.

Thứ trưởng cho rằng có 2 yếu tố đóng vai trò chính cho sự thay đổi này trong thời gian sắp tới là AI (Trí tuệ nhân tạo) và Privacy (Quyền riêng tư). AI là công nghệ, các doanh nghiệp buộc phải ứng dụng AI để tăng sức cạnh tranh, thay đổi sản phẩm của mình nhanh hơn nữa để thu hút khách hàng; Privacy lại liên quan đến con người và xã hội, đến chính sách. Các doanh nghiệp nội địa muốn sống sót, phát triển để chiếm lĩnh thị trường nội địa và xa hơn nữa là vươn ra khu vực thì không thể không quan tâm đến hai yếu tố này.

Đồng tình với quan điểm của Thứ trưởng, ông Vũ Minh Trí cũng cho rằng, khi có rất nhiều dữ liệu thì chúng ta phải hiểu những dữ liệu đó nói lên điều gì. Muốn hiểu được nói lên điều gì thì phải dựa nhiều vào AI và Học máy (Machine Learning).

Còn Privacy (quyền riêng tư) thì sẽ liên quan đến chính sách của nhà nước. Chắc chắn privacy ai cũng rất mong muốn và nếu như hệ sinh thái số phát triển mà privacy mọi người bị lộ ra hết thì lúc đó nó sẽ ko phát triển được nữa, vì người ta e ngại không tham gia nữa, mà như thế thì sẽ không còn dữ liệu được tải lên nữa. Do đó, Nhà nước phải có được chính sách tốt để đảm bảo quyền riêng tư cá nhân cho người dùng. Nếu chúng ta không có quy định cụ thể rõ ràng thì dễ dàng vi phạm privacy. Hiện tại, có khá nhiều người bán data, mỗi ngày chúng ta nhận cỡ chục cuộc gọi chào mua bất động sản, bảo hiểm, bán SIM…. Đó là vi phạm privacy.

Tuy nhiên, theo ông Trí, chúng ta nên khai thác dữ liệu theo hướng nhóm những khách hàng có thu nhập từ bao nhiêu đến bao nhiêu. Chúng ta mẫu số chung nó lên để ra được cái định hướng chung của thị trường, không nên dữ liệu thô.

Khôi Linh