Hiệu ứng gì mà làm "điên đảo" thứ hạng Youtube, định hình lại Internet?

(Dân trí) - “Hiệu ứng Jio” (Jio effect) là thuật ngữ ít được biết tới bên ngoài lãnh thổ Ấn Độ, nhưng nó đang góp phần định hình lại cách thức hoạt động của Internet, cũng như khiến Thung lũng Silicon phải thay đổi quan điểm của mình.

Hiệu ứng gì mà làm điên đảo thứ hạng Youtube, định hình lại Internet? - 1

Như chúng ta đã biết, Ấn Độ là quốc gia đông dân thứ 2 trên thế giới cùng nhiều tiềm năng phát triển về công nghệ. Tuy nhiên vào khoảng 5-7 năm về trước, đất nước này vẫn nằm trong nhóm ít phổ biến Internet do không có được mạng lưới rộng rãi và đường dây điện ổn định.

Cuộc chơi tại Ấn Độ chỉ thực sự thay đổi khi mạng di động đóng vai trò là nền tảng và các thiết bị smartphone giá rẻ đóng vai trò là “người dẫn lối” bắt đầu phổ cập tại quốc gia này trong những năm gần đây. Internet tại Ấn Độ hiện liên tiếp đạt được những kỷ lục mới, và thứ đóng vai trò quan trọng trong sự thay đổi này được biết đến với tên gọi “hiệu ứng Jio”.

Hiệu ứng làm "thay đổi cuộc chơi" bắt đầu từ kẻ bạo chi và có tầm nhìn

Hiệu ứng gì mà làm điên đảo thứ hạng Youtube, định hình lại Internet? - 2

Tỷ phú Mukesh Ambani và tham vọng của kẻ dẫn đầu thị trường.

Trước hết, “hiệu ứng Jio” là thuật ngữ được truyền cảm hứng bởi Reliance Jio - một nhà mạng di động được ra mắt từ năm 2016 tại Ấn Độ. Và người thành lập ra mạng này không ai khác chính là tài phiệt, nhà tỷ phú Ấn Độ Mukesh Ambani.

Với nguồn tài chính dồi dào trong tay, Ambani biến Jio trở thành nhà khai thác di động lớn nhất thế giới với hơn 300 triệu thuê bao tại Ấn Độ, với đặc điểm đó là mang đến các gói cước vô cùng rẻ. Một thống kê vào năm 2018 cho thấy tập khách hàng của Reliance Jio thậm chí ngang ngửa với toàn bộ dân số tại Mỹ.

Trước đó, Jio thậm chí cung cấp 4G miễn phí cho hàng triệu người Ấn Độ vào năm 2016, sẵn sàng chịu lỗ để đổi lấy tập khách hàng. Họ chỉ bắt đầu thu phí dưới dạng danh nghĩa vào năm 2017, và cho tới nay thì đã bắt đầu có lãi.

Tính ra, người Ấn Độ chỉ phải trả vài đô la để có được khoảng 28GB dữ liệu. Và một khi có dữ liệu rẻ, cùng với smartphone, bạn sẽ tiêu thụ ngày càng nhiều nội dung hơn.

Hiệu ứng gì mà làm điên đảo thứ hạng Youtube, định hình lại Internet? - 3

Ấn Độ đang trải qua giai đoạn bùng nổ smartphone giá rẻ, nhưng tác nhân kích thích đằng sau đó lại đến từ các gói cước 4G siêu rẻ.

"Jio đã thay đổi thói quen tiêu dùng cho hàng trăm triệu người tiêu dùng", Neil Shah, nhà phân tích tại Counterpoint Research cho biết. "Nhiều người đã sử dụng smartphone như thiết bị thông minh đầu tiên của họ, chứ không phải máy tính PC giống như hầu hết các thị trường phát triển khác".

Từ đó, khái niệm "hiệu ứng Jio"dần được hình thành, và bất kỳ ai từng tới Ấn Độ cũng nhìn thấy được tác động rõ rệt của nó, hiển hiện ngay trong cuộc sống thường ngày.

"Hiệu ứng Jio" kéo theo sự tăng trưởng trong nhiều lĩnh vực khác

Hiệu ứng gì mà làm điên đảo thứ hạng Youtube, định hình lại Internet? - 4

T-Series là một trong những minh chứng rõ nhất cho thấy những tác động mạnh mẽ của "hiệu ứng Jio" tới Internet.

Cách đây hơn 2 năm, PewDiePie từng là cái tên "gây sốt" trong làng YouTube với số lượng đăng ký kênh cao nhất, bỏ xa các đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên cho tới nay, kênh YouTube của anh chàng người Thụy Điển đã bị vượt qua bởi T-Series - cái tên còn khá xa lạ với người dùng quốc tế. Kênh này thậm chí liên tục củng cố vị trí dẫn đầu sau 5 tháng, với 108 triệu người đăng ký so với 98 triệu của PewDiePie.

T-Series thực ra là một kênh khá lâu đời tại Ấn Độ, chuyên sản xuất các video âm nhạc bằng tiếng Ấn, cũng như các bộ phim bom tấn rất thành công. Điểm chung của họ là chỉ nhắm vào thị trường quê nhà.

Những năm trước, T-Series không thực sự nổi bật, vì chẳng mấy ai kết nối tới kênh này. Các khu vực khác thì càng không có lý do để nghe nhạc, xem phim tại đây. Thế nhưng nhờ "hiệu ứng Jio", T-Series nay đã trở thành kênh YouTube phổ biến nhất thế giới. Nên nhớ, họ chỉ sản xuất video cho thị trường Ấn Độ mà thôi.

Hiệu ứng gì mà làm điên đảo thứ hạng Youtube, định hình lại Internet? - 5

"Cuộc chiến" giữa T-Series và PewDiePie thu hút sự chú ý của cộng đồng YouTube.

Nhờ có "hiệu ứng Jio", không chỉ riêng YouTube, toàn ngành công nghệ tại Ấn Độ cũng đang chuyển mình để cho ra đời những gã khổng lồ Internet theo "phong cách Thung lũng Silicon" của riêng mình, như công ty bán lẻ Flipkart - được Walmart mua lại với giá 16 tỷ USD, siêu thị trực tuyến Grofers, công ty thanh toán Paytm và đối thủ Uber - Ola.

Facebook cũng từng nói về tác động của "các gói dữ liệu miễn phí" tại Ấn Độ đối với sự tăng trưởng người dùng mạng xã hội trong mỗi đợt khảo sát thường niên. Công ty mô tả Ấn Độ là thị trường tăng trưởng lớn nhất của họ mỗi quý, kể từ quý 3/2016.

Google thì đương nhiên đã để mắt tới thị trường Ấn Độ từ lâu. Công ty báo cáo mức tăng trưởng lớn kỷ lục đối với người dùng Android tại Ấn Độ kể từ đầu năm 2017, và không lâu sau khi Reliance Jio để lại những tác động sâu đậm. Đầu năm nay, Google cho biết Ấn Độ là thị trường phát triển nhanh nhất đối với YouTube. Trong đó, ứng dụng đồng hành của nó, YouTube Music, đã có hơn 15 triệu lượt tải xuống.

Hình mẫu của Reliance Jio sau đó được nhiều quốc gia học tập, đặc biệt là những nơi có nền kinh tế chưa phát triển, và người dân chưa được tiếp cận nhiều tới Internet.

 Nguyễn Nguyễn