Hành tinh mới có vành đai bụi gấp 200 lần sao Thổ

(Dân trí) - Hơn 400 năm sau khi phát hiện một ngôi sao có vành đai bụi trong Hệ Mặt trời mang tên sao Thổ, các nhà khoa học tiếp tục tìm thấy một hành tinh có lượng khí bụi tương tự lớn gấp hàng trăm lần.

Một hành tinh mới mang tên J1407b
Một hành tinh mới mang tên J1407b

Năm 1610, sau khi hoàn tất kính thiên văn của mình, nhà Vật lí học Galileo Galile đã phát hiện ra ngôi sao có vành đai bụi khổng lồ nằm trong trong Hệ Mặt trời mang tên sao Thổ. Và hơn 400 năm, các nhà thiên văn học Mỹ và Hà Lan vừa công bố đã phát hiện ra một hành tinh mới mang tên J1407b bằng cách sử dụng kính thiên văn quang học mạnh mẽ. Vị trí của hành tinh này nằm ngoài dải Ngân hà, cách Trái đất khoảng 430 năm ánh sáng. 

Hiện tại, vành đai sao Thổ với đường kính 7000 – 8000 km là lớn nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, dựa trên các số liệu ước tính, J1407b có vành đai gấp 200 lần như vậy. Vành đai hành tinh này kéo dài tới hơn 120 triệu km và trên đó là lớp bụi dày đặc. Riêng độ rộng của vành đai bụi này gấp 120 lần so với đường kính mặt trời và 13.000 lần so với đường kính của Trái đất. Riêng kích thước của J1407b gấp 40 lần sao Mộc.

Theo NASA, với vành đai có kích thước khổng lồ như vậy, nếu J1407b “thế chỗ” sao Thổ thì chúng ta có thể nhìn rất rõ hành tinh này, thậm chí nhìn rõ hơn cả mặt trăng hiện tại.

“Nếu chúng ta thay thế sao Thổ bởi J1407b, chúng ta sẽ nhìn thấy nó rất rõ vào ban đêm với kích thước lớn hơn mặt trăng gấp nhiều lần”, nhà thiên văn học Matthew Kenworthy của Hà Lan nói.

“Bạn có thể xem J1407b là một ‘siêu sao Thổ’ (super Saturn)”, Eric Mamajek, thành viên nhóm nghiên cứu tại Đại học Rochester nhấn mạnh.

Trên J1407b có thời gian nhật thực lên tới 56 ngày. Ở những nơi lớp khí bụi thưa, ánh sáng có thể lọt qua để chiếu sáng hành tinh (khoảng 2 tháng) và chu kì này lặp đi lặp lại. J1407b có chu kì quay quanh sao chủ khá lâu, khoảng 10 năm (tính theo thời gian trên Trái đất).

Hiện tại, tổ chức AAVSO (American Association of Variable Star Observers) đang kêu gọi các nhà thiên văn học nghiệp dư thu thập các hình ảnh về J1407b nhằm có thêm số liệu, đặc biệt là nghiên cứu sự thay đổi về độ sáng trên J1407b.

Lâm Anh