Giải thưởng NTĐV 2015: Hội đồng Chung khảo liên tục “quay” thí sinh

(Dân trí) - Không chỉ lắng nghe các thí sinh trình bày trực tiếp về sản phẩm của mình, thành viên của Hội đồng Chung khảo còn liên tục đặt ra các tình huống khác nhau khiến thí sinh “toát mồ hôi”. Tuy nhiên có một điểm chung là tất cả thí sinh rời khỏi phòng thi với tâm trạng vui vẻ và “tâm phục khẩu phục”.

Giám khảo liên tục "quay" thí sinh

 

Theo quy định của Hội đồng chấm Chung khảo, mỗi thí sinh (nhóm thí sinh) tham dự vòng chung khảo đều có khoảng thời gian là 40 phút. Sau khi trình bày sản phẩm của mình, các thành viên Ban giám khảo sẽ đặt ra các vấn đề để “phản biện” thí sinh.

Tại Hội đồng bảo vệ chung khảo sản phẩm CNTT ứng dụng di động cuộc tranh luận, “phản biện” giữa giám khảo với thí sinh sôi nổi ngay từ đầu.

Trưởng nhóm sản phẩm mạng giao thông vận tải Piiship Phùng Khắc Huy rất tự tin khi trình bày trước các vị giám khảo “khó tính”.

Theo Khắc Huy, Piiship ra đời trong tình huống những nhà sáng lập muốn gửi tức thời một gói hàng của mình nhưng không thể tìm được dịch vụ tương ứng với mức giá rẻ nhất. Piiship được xây dựng với mục đích tạo nên nền tảng mạng lưới vận tải kết nối những người cần chuyển hàng với những người cùng di chuyển trên đoạn đường (tài xế) đó để giúp chuyển hàng. Tài xế (xe máy hoặc ô tô) qua dịch vụ này cũng có thể giảm thiểu thời gian lãng phí và có thêm thu nhập trên quãng đường về khi vận chuyển hàng bằng cách nhận thêm hàng hóa.

Sự tự tin của nhóm đã tạo được thiện cảm rất lớn của giám khảo Nguyễn Thành Hưng – Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam.

Giám khảo Nguyễn Thành Hưng tặng thưởng cho nhóm tác giả sản phẩm mạng giao thông vận tải Piiship
Giám khảo Nguyễn Thành Hưng "tặng thưởng" cho nhóm tác giả sản phẩm mạng giao thông vận tải Piiship

“Tôi không biết các bạn có được giải hay không nhưng ý tưởng là rất hay. Hiệp hội sẵn sàng giúp đỡ cũng như hỗ trợ nhóm trong việc Thương mại Điện tử” - ông Hưng bày tỏ.

Tuy nhiên ngay sau đó, hàng loạt câu hỏi “hóc búa” được các vị giám khảo đưa ra như tính pháp lý, mục tiêu kinh doanh…Bên cạnh đó những “lỗ hổng” về giải pháp kỹ thuật cũng được giám khảo xoáy sâu khiến cho các thành viên của nhóm Khắc Huy “toát mồ hôi”. Ngoài ra Ban giám khảo cũng yêu cầu thí sinh thực hiện thao tác ngay trên máy điện thoại di động để kiểm chứng dịch vụ của sản phẩm.

Các vị giám khảo khó tính liên tục quay thí sinh
Các vị giám khảo khó tính liên tục "quay" thí sinh
Thí sinh thao tác trên điện thoại di động để minh chứng cho các vị giám khảo khó tính
Thí sinh thao tác trên điện thoại di động để minh chứng cho các vị giám khảo khó tính

“Nếu một người đi giao hàng xuất hiện sự cố thì nhà cung cấp dịch vụ có tính đến việc bồi thường cho khách hàng hay không? Làm thế nào để giao hàng đúng thời gian theo cam kết?...” - Ông Lê Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội tin học Việt Nam “quay” thí sinh.

Cũng để cho thí sinh tự đánh giá về mặt hạn chế của sản phẩm, TS Nguyễn Long phân tích: Hiện nay ở TPHCM cũng đã có dịch vụ của sản phẩm giao hàng nhanh và khá thành công. Vậy sản phẩm của các bạn có gì khác biệt với họ? Cách thức hoạt động của sản phẩm không khác gì về dịch vụ Uber thì việc giám sát, đảm bảo giao dịch an toàn như thế nào?...Đây là những vấn đề mà nhóm cần phải thực sự quan tâm để đưa ra giải pháp tốt nhất.

Tâm phục khẩu phục với phần phản biện của Ban giám giáo, nhóm của Khắc Huy rời phòng thi với tâm trạng thoải mái và rất vui vẻ bởi sự góp ý của của các chuyên gia hàng đầu về CNTT Việt Nam sẽ giúp cho sản phẩm hoàn thiện tốt hơn.

Sự “khó tính” của Ban giám khảo không chỉ dành cho các bạn trẻ mà ngay như một thí sinh “kỳ cựu” như bác Nguyễn Anh Kiệt – thí sinh nhiều tuổi nhất, từng dự thi Giải thưởng NTĐV năm thứ 1 cũng bị “truy” đến cùng.

Mở đầu phần chung khảo Sản phẩm CNTT triển vọng, nhóm tác giả sản phẩm “Công nghệ hòa âm thông minh” trình bày khá tự tin. Theo trưởng nhóm Nguyễn Anh Kiệt, nhóm của ông đã xây dựng thành công “Công nghệ Hòa âm thông minh”, gồm các phần mềm cho phép người dùng có thể thực hiện một bản hòa âm phối khí đạt yêu cầu trong thời gian nhanh nhất mà không đòi hỏi phải có kiến thức về hòa âm phối khí (chỉ cần biết về nhạc lý cơ bản).

Ngay sau khi nghe lời thuyết trình kết thúc, các giám khảo tỏ ra khá khó tính khi “xoáy” nhiều về tính ứng dụng thực tế của sản phẩm, đặc biệt là đối tượng người dùng và cách người dùng có thể tiếp cận sản phẩm.

Sự “truy vấn” của Ban giám khảo không khiến cho một người dày dặn kinh nghiệm như thí sinh Nguyễn Anh Kiệt mất bình tĩnh.

“Đối tượng sử dụng sản phẩm “Công nghệ hòa âm thông minh” chỉ cần biết sơ đẳng về nhạc lý, chỉ cần nhìn bản nhạc mà hiểu được là có thể sử dụng sản phẩm này” - Thí sinh Nguyễn Anh Kiệt hồi đáp.

Đầu giờ chiều, Hội đồng chung khảo tiếp tục là chấm thi đối với các nhóm thí sinh thuộc nhóm sản phẩm CNTT thành công và các sản phẩm CNTT tiềm năng. Không khí vẫn sổi nổi và dường như sự “truy vấn” khắt khe của các vị giám khảo dày dặn kinh nghiệm không hề giảm sút.

Nguyễn Hùng - Trọng Trinh