Gặp cô gái 8X có doanh thu tiền tỷ mỗi tháng từ bán hàng online

(Dân trí) - Sau 3 năm vận hành chuỗi cửa hàng đồ làm bánh Beemart, đạt doanh thu từ bán hàng online và offine khoảng 1 tỷ đồng/tháng, chị Tống Thị Ngọc Ánh đã có những chia sẻ về bí quyết đằng sau sự thành công của mình.

Kinh doanh online là một phương thức không còn mới, mà trái lại đang đặc biệt thu hút người dùng từ các chủ shop nhỏ lẻ cho tới các chuỗi đại lý cung cấp sản phẩm. Lý do là vì kinh doanh online giúp họ tiếp cận được với tập khách hàng lớn hơn, lại nắm bắt được các xu thế mới trong bối cảnh hầu hết người dùng quen chuyển sang sử dụng thiết bị di động. Tuy nhiên để kinh doanh online thành công, là điều mà không phải ai cũng làm được.

Nhân vật được nhắc đến trong bài viết là Tống Thị Ngọc Ánh, cô gái năm nay mới 29 tuổi nhưng đã gặt hái được nhiều thành công đáng ngưỡng mộ trong cộng đồng khởi nghiệp Việt, hiện đang nắm trong tay chuỗi cửa hàng đồ làm bánh Beemart, với hệ thống gồm 6 cửa hàng trên toàn quốc.

Trong quá khứ, sau khi tốt nghiệp khoa Quản trị kinh doanh trường Đại học Ngoại thương, Ánh đi làm thuê như bao bạn bè đồng trang lứa, và tham gia 3 dự án start-up nhưng không thành công. Không nản chí, cô gái sinh năm 1989 quyết tâm tìm một ngách mới để kinh doanh. Cô quyết định nghỉ việc để xây dựng mô hình kinh doanh của riêng mình. Từ số vốn 50 triệu đồng, sau gần 2 năm, cô đã là chủ thương hiệu chuyên bán nguyên liệu và dụng cụ làm bánh với doanh thu 1 tỷ đồng/tháng.

Sau 3 năm vận hành chuỗi cửa hàng đồ làm bánh Beemart, Tống Thị Ngọc Ánh đã là chủ thương hiệu chuyên bán nguyên liệu và dụng cụ làm bánh với doanh thu 1 tỷ đồng/tháng
Sau 3 năm vận hành chuỗi cửa hàng đồ làm bánh Beemart, Tống Thị Ngọc Ánh đã là chủ thương hiệu chuyên bán nguyên liệu và dụng cụ làm bánh với doanh thu 1 tỷ đồng/tháng

Chia sẻ về việc lựa chọn sản phẩm kinh doanh là những dụng cụ làm bánh, Ánh cho biết cô vốn yêu thích làm bánh. Trong một lần đi mua hàng ở chợ, Ánh nhận thấy rất khó để tìm được cửa hàng chuyên bán các dụng cụ để làm bánh, như khuôn bánh, lò nướng bánh, nguyên liệu, túi đựng,... Đánh giá đây là thị trường tiềm năng phát triển, cô và 3 cộng sự từ những dự án start-up trước quyết định mở cửa hàng chuyên bán dụng cụ và nguyên liệu làm bánh, với số vốn ban đầu khoảng 50 triệu đồng.

Ngoài việc bán trực tiếp tại cửa hàng, nhờ kinh nghiệm có được trong lĩnh vực thương mại điện tử, Ánh đẩy mạnh việc bán hàng qua hình thức online bằng cách thiết kế website bán hàng www.beemart.vn trên nền tảng website Sapo. Theo Ánh, đây chính là lối đi giúp cô cạnh tranh được với những nhà sản xuất lớn.

Từ một cửa hàng nhỏ, chỉ sau vài năm, thương hiệu của Ánh giờ đây đã phát triển thành công ty cổ phần với doanh thu từ bán hàng online và offine khoảng 1 tỷ đồng/tháng, trong đó cao nhất là vào dịp Tết trung thu và Valentine. Lợi nhuận duy trì ở mức 30%.

Thế nhưng khi lượng đơn hàng lên quá cao, việc kiểm soát chúng một cách hiệu quả, nhanh chóng, lại là một trở ngại mà Ánh phải đối mặt.

"Khi chuỗi cửa hàng kinh doanh có đơn hàng quá cao, vượt ngoài tầm kiểm soát, cộng thêm lượng đơn hàng online đến từ các kênh chiếm một tỷ lệ không nhỏ, thì quy trình xử lý và giao hàng sẽ trở thành một bài toán hóc búa", chủ shop 8x chia sẻ. "Câu chuyện trở nên phức tạp hơn khi hàng hóa lại đang nằm rải rác ở nhiều kho khác nhau."

Dưới đây là 3 bí quyết được cô chia sẻ, mà theo Ánh là đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm soát từ khâu sản phẩm, xử lý đơn hàng, vận chuyển hàng và thực hiện chúng đồng nhất một cách hiệu quả, nhằm tạo ra doanh thu đều, ổn định.

Thiết lập quy trình xử lý đơn hàng phù hợp mô hình vừa online, vừa offline

Tuy lượng đơn hàng online thông thường chỉ bằng 1/4 so với lượng đơn bán tại quầy, nhưng quy trình để hoàn tất đơn hàng online thường phức tạp hơn nhiều so với việc bán hàng tại cửa hàng. Quy trình bán hàng tại cửa hàng diễn ra rất đơn giản, khách hàng lựa sản phẩm rồi thanh toán tại quầy.

Quy trình xử lý đơn hàng khi bán hàng đa kênh
Quy trình xử lý đơn hàng khi bán hàng đa kênh

“Điều quan trọng nhất trong mô hình bán hàng đa kênh này là người bán cần kiểm soát được hàng tồn kho tức thì", chị Ánh lưu ý. "Dù có sử dụng phần mềm hay thủ công, người bán luôn cần nắm bắt được lượng hàng trong kho còn hay hết trước khi chốt được đơn hàng."

"Cần luôn đảm bảo chỉ hiển thị những mặt hàng còn trong kho trước khi có khách đặt đơn. Nói cách khác, việc đồng bộ tồn kho khi bán hàng đa kênh là một mắt xích cực kỳ quan trọng trong quản lý và vận hành bán lẻ”, chị nhấn mạnh.

Sử dụng cùng lúc nhiều bên vận chuyển để luôn chủ động và giảm thiểu rủi ro

Để đáp ứng được lượng đơn hàng phải vận chuyển lớn mỗi ngày, Beemart đã kết nối với nhiều đơn vị vận chuyển cho nội thành khu vực Hà Nội, TP. HCM và các tỉnh thành khác. Mặc dù không có sự khác biệt lớn giữa các đơn vị chuyển phát nhanh mảng TMĐT, nhưng mỗi đơn vị vẫn có những lợi thế riêng của mình.

“Việc cùng lúc đồng hành với nhiều bên vận chuyển cho phép Beemart linh hoạt hơn trong việc chủ động kết nối để đảm bảo việc giao hàng đúng hẹn và tránh việc phụ thuộc vào một đơn vị vận chuyển nào”, chị Ngọc Ánh cho biết.

Từ một cửa hàng nhỏ lẻ, Beemart đã vượt lên để trở thành một chuỗi bán lẻ offline, online với mức doanh thu khủng.
Từ một cửa hàng nhỏ lẻ, Beemart đã vượt lên để trở thành một chuỗi bán lẻ offline, online với mức doanh thu "khủng".

Chẳng hạn, Giao hàng nhanh và Giao hàng tiết kiệm có lợi thế với các đơn hàng giao hàng nội thành Hà Nội và Hồ Chí Minh, mức chi phí hợp lý và hệ thống tích hợp kết nối đơn hàng vận chuyển tự động, cùng với các báo cáo theo dõi về tình trạng đơn hàng luôn được cập nhật kịp thời, thuận tiện cho người quản lý.

Trong khi đó, với các đơn hàng đi tỉnh, Beemart chủ yếu sử dụng dịch vụ của Shipchung, ViettelPost và VNPost. Một điểm lưu ý nữa khi lựa chọn các đơn vị vận chuyển là ngoài yếu tố về giá thành, thời gian giao hàng, các chủ shop cũng nên quan tâm cả khả năng phối hợp khi xử lý các sự cố và khiếu nại, chị Ngọc Ánh bổ sung.

Lựa chọn nền tảng quản lý kết nối đẩy đơn tự động sang các bên vận chuyển

Hiện nay, với sự sẵn sàng của các công cụ, giải pháp về TMĐT, không khó để lựa chọn một nền tảng vận hành mở có khả năng tích hợp được với các bên thứ 3 giúp cho chủ shop tận dụng được lợi thế của công nghệ.

Theo như chia sẻ, chị Tống Ngọc Ánh đã sử dụng Sapo.vn - một nền tảng quản lý và bán hàng đa kênh khá phổ biến, từ khoảng 3 năm trở lại đây để làm đường dây kết nối giữa cửa hàng và các dịch vụ vận chuyển. “Việc sử dụng phần mềm tích hợp các đơn vị vận chuyển giúp mình có thể so sánh giá ship, đẩy đơn tự động sang các đơn vị vận chuyển", chị Ánh cho hay.

"Quá trình này giúp mình tiết kiệm tới 70% thời gian so với trước đây khi phải thủ công vào từng đơn vị để xem giá ship gói hàng và tạo đơn lại trên hệ thống. Từ đó không những giảm thiểu được công sức, thời gian xử lý đơn hàng mà còn giảm thiểu tối đa tỷ lệ sai sót về thông tin đơn hàng", chị nói thêm.

Tuổi đời còn khá trẻ, nhưng đây cũng là lợi thế của chủ shop cuối 8X, đầu 9X, giúp cô tận dụng được của công nghệ và những phần mềm thứ 3 để biến thành lợi thế trong khâu bán hàng, quản lý hàng.
Tuổi đời còn khá trẻ, nhưng đây cũng là lợi thế của chủ shop "cuối 8X, đầu 9X", giúp cô tận dụng được của công nghệ và những phần mềm thứ 3 để biến thành lợi thế trong khâu bán hàng, quản lý hàng.

"Ngoài ra, mình cũng dễ dàng theo dõi được tình trạng đơn hàng được giao hàng như thế nào tại một nơi, chi tiết lộ trình của đơn hàng được cập nhật liên tục để phản hồi cho khách hàng".

Trong thời buổi cạnh tranh hiện nay, để kiếm được đơn hàng đã khó nên việc tăng cường trải nghiệm đến tận khâu giao hàng và thu tiền cũng cần diễn ra hết sức trơn tru và hiệu quả.

Chủ shop 8X "đời cuối" qua đó khuyên các chủ shop online nên trải nghiệm các đơn vị vận chuyển khác nhau để lựa chọn cho mình những đơn vị uy tín và phù hợp nhất theo nhóm ngành hàng, từ đó khai thác yếu tố công nghệ trong viêc tích hợp giữa nền tảng vận hành với các đơn vị vận chuyển sẽ là một lợi thế lớn để rút ngắn thời gian giao hàng và tiết kiệm chi phí cho shop.

Nguyễn Nguyễn