Donald Trump đã "đụng chạm" với giới công nghệ và dọa Apple như thế nào?

Donald Trump đã thắng cử Tổng thống Mỹ 2016. Cùng nhìn lại những lần “đụng chạm” của ông với cộng đồng công nghệ.

Theo cập nhật từ AP, Donald Trump đã giành chiến thắng áp đảo trước Hillary Clinton trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng với số phiếu đại cử tri tương ứng là 276 và 218. Như vậy, tỷ phú 70 tuổi đã trở thành tân Tổng thống Mỹ, kế nhiệm ông Barack Obama.

Chiến thắng của ông Trump khiến những người ủng hộ hài lòng, tuy nhiên với giới công nghệ, kết quả có phần “cay đắng” khi trước đây, ứng cử viên Đảng Cộng hòa từng nhiều lần có phát ngôn đụng chạm đến các công ty thuộc lĩnh vực này. Dưới đây là một số ví dụ tiêu biểu:

Donald Trump và Amazon

Trump liên tục chống lại Amazon và nhà sáng lập Jeff Bezos. Ông khẳng định công ty gặp “vấn đề chống độc quyền khổng lồ”, tố cáo Bezos mua lại tờ Washington Post nhằm thuyết phục các chính trị gia giảm thuế cho Amazon.

Donald Trump và Apple

Trump cũng chỉ trích Apple vì không sản xuất tại Mỹ. Ông lớn tiếng nói “chúng ta sẽ buộc Apple chế tạo những chiếc máy tính và những thứ chết tiệt tại đất nước này thay vì nước khác”. Ông còn hứa hẹn đánh thuế sản phẩm nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc như một phần trong kế hoạch bảo đảm nhiều công ty sản xuất tại Mỹ hơn.

Phần lớn các sản phẩm Apple đều được sản xuất tại Trung Quốc dù chúng được thiết kế tại Mỹ với lý do linh kiện và giá nhân công rẻ hơn, phù hợp với yêu cầu sản xuất quy mô lớn. Hãng nghiên cứu thị trường IHS cho biết giá thành iPhone 6s Plus là 236 USD trong khi giá bán lẻ của nó là 749 USD.

Dù vậy, thực tế Apple cũng đang sản xuất 1 trong số các máy Mac tại Mỹ từ năm 2013.

Donald Trump và âm mưu truyền thông

Trump nhiều lần khẳng định các hãng công nghệ lớn như Google, Facebook và Twitter chặn các bài đăng tiêu cực về đối thủ ở Đảng Dân chủ, Hillary Clinton, có chủ đích.

Mối quan hệ của Donald Trump với giới công nghệ

Thành thật mà nói, ông Trump không có quan hệ hòa hảo với giới công nghệ. Hồi tháng 7 năm nay, hàng loạt lãnh đạo công nghệ ký tên vào lá thư mở và gọi ông là “thảm họa đối với đổi mới”. Trong số này, có những cái tên nổi bật như Dustin Moskovitz, đồng sáng lập Facebook; Jimmy Wales, đồng sáng lập Wikipedia; Steve Wozniak, đồng sáng lập Apple; Aaron Levie, đồng sáng lập kiêm CEO Box.

Vài cái tên hiếm hoi ủng hộ ông Trump làm Tổng thống có nhà sáng lập PayPal Peter Thiel và nhà sáng lập Oculus Palmer Luckey.

Tuy vậy, chính sách đóng thuế tối đa 15% của ông Trump có thể giúp ông giành được sự ủng hộ từ những công ty nổi tiếng với các chiêu trò né thuế như Google và Apple.

Donald Trump và bình đẳng Internet

Bất chấp sự ủng hộ bình đẳng Internet trên diện rộng, thuật ngữ chỉ việc ngăn chặn các ISP can thiệp vào tốc độ Internet đối với một số nguồn và loại nội dung, ông Trump lại chống lại và gọi nó là “tấn công vào Internet”.

Donald Trump và iPhone – Android

Giọng điệu các tweet của ông Trump trên Twitter rất khác nhau, từ ôn hòa cho đến kích động. Hai giọng điệu lại khác nhau giữa những tweet gửi từ iPhone (thương hiệu mà ông Trump đã thề sẽ tẩy chay) và gửi từ Android. Điều đó dẫn đến suy đoán các tin tweet từ iPhone là từ nhân viên chiến dịch còn tin tweet từ Android là do ông Trump đích thân soạn.

Donald Trump và mã hóa

Bảo mật và mã hóa là vấn đề gai góc với bất kỳ Tổng thống nào nhưng câu chuyện này năm nay được đẩy lên cao hơn sau khi FBI và Apple tranh cãi nảy lửa về mã hóa trên iPhone. Liên quan đến điều đó, ông Trump hối thúc Apple trao mã số bảo mật cho nhà chức trách và thậm chí còn kêu gọi tẩy chay sản phẩm “táo khuyết” cho đến khi công ty làm theo.

Donald Trump và người nhập cư

Chính sách của ông Trump từng phản đối visa H-1B, khiến các doanh nghiệp Mỹ khó đưa nhân tài từ nước ngoài về hơn. Những người chỉ trích visa H-1B cho rằng đây là hình thức giữ mức lương thấp vì đưa về người nước ngoài làm việc ít hơn công dân Mỹ, còn phe ủng hộ lại tranh luận ngành công nghệ đang thiếu hụt lao động và cần có người nước ngoài để lấp chỗ trống, duy trì đổi mới.

Theo ICTNews