Điện thoại thương hiệu Việt đã làm được gì trong năm 2017?

(Dân trí) - Thị trường di động năm 2017 tiếp tục sôi động khi các ông lớn Samsung, Apple cạnh tranh nhau bằng những smartphone đặc biệt nhất của mình. Trong khi đó, các điện thoại thương hiệu Việt đã phải tìm những hướng đi khác để có cơ hội tồn tại trong cuộc đua không có người khoan nhượng này.

Thị phần tiếp tục bị đe dọa

Năm 2017 chứng kiến sự bành trướng của các thương hiệu sản xuất di động toàn cầu và đặc biệt là các thương hiệu đến từ Trung Quốc tại thị trường Việt khiến cho miếng bánh của các thương hiệu Việt đang bị thu hẹp nhỏ lại.

Theo một báo cáo mới từ công ty phân tích Counterpoint Research, thị trường smartphone Việt Nam đã tăng trưởng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ các nhãn hiệu điện thoại thông minh toàn cầu và Trung Quốc. Trong khi các thương hiệu Việt đang dần đi xuống và có thể tiếp tục mất đi vị thế trong những tháng tới.

Báo cáo này chỉ ra rõ, các thương hiệu toàn cầu và Trung Quốc tăng trưởng theo năm nhưng thị phần của các thương hiệu Việt Nam đã giảm từ 18% xuống 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị phần của các thương hiệu Việt giảm xuống 61% trong dải sản phẩm trị giá 100 Đô la Mỹ
Thị phần của các thương hiệu Việt giảm xuống 61% trong dải sản phẩm trị giá 100 Đô la Mỹ

Dải sản phẩm giá trị 100 đô la (khoảng hơn 2 triệu đồng) chiếm 14% trong tổng số lô hàng điện thoại thông minh, thị phần của các thương hiệu Việt Nam đã giảm xuống còn 61% so với 66% của năm trước đó.

Đối với phân khúc trung cấp phần lớn là do các thương hiệu Trung Quốc chiếm lĩnh trong năm 2017, riêng thương hiệu Việt Nam chỉ có thể chiếm được 4% thị phần, tức giảm 4% so với năm ngoái là 8%.

Chuyển mình để tồn tại

Theo các báo cáo của các nhà bán lẻ lớn ở Việt Nam, hầu như 9/10 sản phẩm bán tốt nhất đều ở phân khúc điện thoại tầm trung và phổ thông. Điều này khớp với những báo cáo thị trường gần đây khi Counterpoint Research cũng cho biết các phân khúc giá thấp và trung bình sẽ là chiến trường chính của các nhà sản xuất trong suốt phần còn lại của năm 2017. Các nhà sản xuất sẽ tiếp tục nhắm mục tiêu tới phân khúc này với danh mục sản phẩm mới được nâng cấp công nghệ mới trong dải điện thoại thông minh mới.

Counterpoint Research chỉ ra rằng, để giành lại và duy trì thị phần, các thương hiệu Việt Nam phải có được những chiếc điện thoại thông minh giá rẻ với những thông số kỹ thuật cao và những khoản đầu tư đáng kể vào việc tiếp thị để người tiêu dùng chú ý và yêu cầu họ mua hàng.

Một vấn đề khác được chỉ ra sự tụt giảm về thị phần của các thương hiệu Việt Nam như BPhone & Vivas gần đây đã tung ra điện thoại thông minh nhắm đến phân khúc giá cao cấp. Tuy nhiên, phân khúc này đã bị thống trị bởi các thương hiệu hàng đầu như Samsung và Apple. Và như thế rất khó có thể để các thương hiệu trong nước đạt được độ phổ biến vì nó đòi hỏi nỗ lực đáng kể để thu hút người tiêu dùng đối với sản phẩm của các thương hiệu mới.

Tuy không tạo nên một doanh số ngoạn mục và thị phần bị đe dọa nhưng thực tế năm 2017, các hãng thương hiệu Việt đã có sự chuyển biến rõ nét trong việc chuyển đổi phương án tiếp cận người dùng, mang giá trị, chất lượng của sản phẩm để tiếp thị bán hàng, đánh đúng vào tâm lý mua sắm thay vì bài toán truyền thông tự tôn dân tộc.

Nhìn vào sự ồn ào của Bphone 2017 năm nay và cách thuyền trưởng của Bkav truyền tải thông điệp được xem là liều thuốc kích thích của thương hiệu Việt khác trong sân chơi di động vốn đã ảm đạm trong thời gian vừa qua. Ông Nguyễn Tử Quảng thể hiện mục tiêu hướng đến người dùng, đến trải nghiệm của người dùng với sản phẩm chất lượng đến chiếm tình cảm của người dùng thay vì những thông điệp truyền thông niềm tự hào dân tộc để bán sản phẩm như 2 năm về trước. Chỉ tiếc thay phân khúc ông nhắm đến lại không phải là phân khúc được người Việt mua nhiều nhất và phân khúc này đang là sân chơi của các thương hiệu hàng đầu đã kể trên như Apple và Samsung.

Theo giới công nghệ và các nhà bán lẻ, những nỗ lực của Bkav trong năm qua hoàn toàn đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trong cuộc đua này, "tay ngang" như Bkav buộc phải có những lựa chọn thông minh hơn. Phân khúc tầm trung, giá rẻ sẽ là "ván bài" mang lại lợi thế cho CEO Nguyễn Tử Quảng khi không ít người dùng với ngân sách thấp nhưng muốn được trải nghiệm chiếc điện thoại thương hiệu Việt đúng nghĩa. Lúc đó, đối tượng khách hàng của Bphone sẽ được mở rộng hơn.

Thống kê từ GFK tháng 11/2017
Thống kê từ GFK tháng 11/2017

Năm 2017, bức tranh điện thoại thương hiệu Việt chỉ có một ánh sáng le lói từ MobiiStar. Dù thị phần đã sụt giảm đi so với cùng kỳ năm ngoái nhưng những bước chuyển biến mới đã giúp hãng này đang đứng vững trong những quý cuối năm. Đây cũng là thương hiệu Việt duy nhất còn trong top 10 thương hiệu lớn nắm giữ thị phần điện thoại di động tại Việt Nam.

Năm ngoái, MobiiStar nắm giữ 4.9% thì năm nay tính đến hết tháng 11/2017, theo GFK MobiiStar còn 2,9% thị phần, xếp thứ 4 sau Samsung, Oppo và Apple. Thị phần này tiếp tục được giữ liên tiếp trong vài tháng qua, xê xích từ 2,4-3% thị phần trong các tháng gần đây.​

Những lãnh đạo của các thương hiệu Việt đang tiếp tục viết nên trang sử mới cho doanh nghiệp trong nước
Những lãnh đạo của các thương hiệu Việt đang tiếp tục viết nên trang sử mới cho doanh nghiệp trong nước

Dù sao, năm 2017 cũng đã sắp kết thúc và "miếng bánh" thị phần cũng đã có chủ, nhưng sự chuyển biến của các thương hiệu Việt trong bài toán tiếp thị và "phát súng" tinh thần mang tên Bphone 2 sẽ là động lực để các thương hiệu trong nước tiếp tục cho hành trình mới trong năm 2018. Chúng ta sẽ cùng kỳ vọng, những chuyển biến này sẽ giúp các hãng tạo nên một cuộc lội ngược dòng ngoạn mục trong năm tới, tạo ra những giá trị thiết thực cho người dùng.

Gia Hưng