Dịch chuyển đáng kỳ vọng của thị trường fintech Việt Nam

(Dân trí) - Các công ty thanh toán điện tử nước ngoài đang ngày càng mở rộng sự hiện diện tại thị trường đầy tiềm năng như Việt Nam. Theo các chuyên gia, nếu các doanh nghiệp còn chần chừ thì sẽ trễ nhịp trong thị trường thanh toán điện tử.

Thanh toán phi tiền mặt đang thắng thế

Theo nghiên cứu của công ty tư vấn Solidiance, thị trường công nghệ tài chính Việt Nam năm 2017 đã đạt 4,4 tỷ USD và dự đoán sẽ đạt 7,8 tỷ USD vào năm 2020. Với lợi thế từ tỷ lệ tiếp cận Internet và sở hữu điện thoại thông minh ở mức rất cao tại khu vực đô thị, mức thu nhập và tiêu dùng của người dân ngày càng gia tăng, cùng lĩnh vực thương mại điện tử tăng trưởng mạnh mẽ, thị trường fintech Việt hiện đang sở hữu những tiềm năng phát triển rất lớn.

Chỉ tính riêng trong 2 năm 2016 – 2018, số lượng các công ty fintech tham gia cung ứng dịch vụ trên thị trường Việt đã tăng hơn hai lần (từ 40 công ty lên tới gần 100 công ty). Trong đó, lĩnh vực thanh toán đóng vai trò chủ đạo với 26 công ty đã được NHNN cấp giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đang hoạt động.

Không bỏ qua cơ hội phát triển, trong nhiều năm qua, các quỹ đầu tư liên tục hợp tác, rót vốn vào thị trường fintech Việt Nam. Song song với sự phát triển của thanh toán điện tử, ví điện tử được xem là thị trường khá sôi động khi ghi nhận nhiều phản hồi tích cực. Số lượng người dùng ngày càng tăng nhờ vào doanh nghiệp fintech không ngừng nỗ lực liên kết với các ngân hàng, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nhằm đẩy mạnh tung sản phẩm, tung khuyến mãi, ưu đãi… để giảm thanh toán tiền mặt và mang lại nhiều lợi ích hơn cho người dùng. Đồng thời với phương thức thanh toán không tiền mặt, cũng đã được triển khai rộng tại các trang thương mại điện tử và các cửa hàng hiện đại, một số cửa hàng truyền thống, điều này hứa hẹn phương thức thanh toán này bùng nổ nhanh trong thời gian tới.

Dịch chuyển đáng kỳ vọng của thị trường fintech Việt Nam - 1
Thị trường ví điện tử Việt Nam phát triển ngày càng sôi động

Một động lực khác thúc đẩy sự phát triển của fintech nói chung cũng như thanh toán điện tử nói riêng là động thái gia tăng hỗ trợ từ nhà quản lý như Chính phủ thông qua những chính sách thân thiện như dần chuyển hướng khỏi giao dịch tiền mặt. Cụ thể, Chính phủ đề xuất việc không sử dụng tiền mặt thanh toán tiền điện, nước, học phí cũng như các khoản chi phí sinh hoạt khác ở đô thị cần được thực hiện trước tháng 12/2019.

Mảnh ghép cho hệ sinh thái lớn

Một chuyên gia trong ngành cho biết ví điện tử hiện nay không chỉ phục vụ việc thanh toán, mà sẽ là một mảnh ghép hoàn thiện cho các siêu ứng dụng của các doanh nghiệp như SEA hay Grab. Siêu ứng dụng hiểu đơn giản là kết hợp nhiều dịch vụ tài chính vào trong một ứng dụng.

Theo đó các ứng dụng này ngoài việc giúp người dùng tiếp cận việc thanh toán cho các dịch vụ trong hệ sinh thái, còn giúp liên kết các khách hàng thân thiết của doanh nghiệp. Tích hợp với Foody, ví điện tử AirPay trở thành kênh đặt hàng và thanh toán chính thức của Foody và dịch vụ giao đồ ăn Now.

Hiện AirPay cũng đang tích cực chạy đua khuyến mãi thúc đẩy người dùng liên kết các thẻ ngân hàng vào ứng dụng. Thông qua ví điện tử AirPay, khách hàng còn có thể giao dịch các dịch vụ đặt hàng, thanh toán khác như thanh toán hoá đơn, mua thẻ điện thoại, vé xem phim, dịch vụ viễn thông, các dịch vụ tài chính, bảo hiểm, mua vé máy bay,.. với nhiều ưu đãi hấp dẫn. Ứng dụng hỗ trợ nhiều dịch vụ thanh toán trực tuyến, hướng tới người dùng trẻ và game thủ.

Trong tương lai, với một thị trường fintech đang phát triển sôi động, chắc chắn tham vọng của AirPay sẽ không chỉ dừng ở thanh toán. Những hướng đi đã khai mở tại thị trường này cũng cho thấy một viễn cảnh về sự sáp nhập toàn diện, khi các chức năng thanh toán, cho vay và đầu tư sẽ được tích hợp trên ứng dụng di động.

Cuộc đua gia tăng liên kết giữa các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài

Theo thống kê của Statista 2017, Việt Nam có 28,77 triệu người đang sử dụng điện thoại thông minh và 53% dân số đang sử dụng Internet. Với dân số trẻ, thích sự mới lạ, nắm bắt xu hướng toàn cầu nhanh, Việt Nam hiện là thị trường tiềm năng cho những phương thức thanh toán đổi mới như thanh toán di động với các ví điện tử.

Do đó, hàng chục ví điện tử khác nhau đang giành giật trở thành ví tiền của người tiêu dùng, trong đó không thể bỏ qua sự hiện diện của các fintech lớn. Cuộc đua gia tăng liên kết sôi động giữa các doanh nghiệp có yếu tố liên kết nước ngoài về dịch vụ đem đến các giải pháp thanh toán hợp lý về tốc độ, tiện ích và khả năng tiếp cận đa kênh cho khách hàng Việt. Các ứng dụng lớn và có sự góp mặt của nhà đầu tư nước ngoài có thể kể đến như AirPay, Grabpay by Moca, Momo, Payoo,…

Với tập khách hàng lớn có sẵn cùng với tiềm lực tài chính, các ứng dụng nước ngoài này tung ra nhiều ưu đãi, khuyến mãi để thay đổi thói quen thanh toán của khách hàng cũng như giúp họ hiểu thanh toán di động đang là xu hướng mới, hơn thế nữa “tiền trong ví có lợi hơn tiền mặt”.

Ví điện tử Moca sau khi hợp tác với Grab năm 2018 đang tích cực mở rộng sang các dịch vụ khác trong hệ sinh thái có sẵn như đặt đồ ăn, giao hàng. Ví Momo đẩy mạnh nhiều hoạt động khuyến mãi hấp dẫn, mua hàng trên các trang thương mại điện tử và thanh toán trực tuyến, thanh toán hóa đơn dịch vụ (điện, nước, điện thoại trả sau,…).

Trong khi MoMo xuất hiện khá sớm tại Việt Nam thì AirPay lại được biết đến nhiều gần đây thông qua sự tích hợp chặt chẽ với nền tảng giao nhận đồ ăn Now.vn. AirPay cũng thu hút các game thủ với mức chiết khấu và ưu đãi cao, do đơn vị chủ quản cũng là nhà phát hành game online lớn tại Việt Nam.

Dịch chuyển đáng kỳ vọng của thị trường fintech Việt Nam - 2

AirPay được đánh giá là đối thủ đáng gờm khi tham gia thị trường ví điện tử

Tuy mới tham gia thị trường nhưng AirPay được đánh giá là đối thủ đáng gờm trong ngành khi có bệ đỡ là tập đoàn công nghệ đến từ Singapore: SEA Group. Tập đoàn này hợp tác với công ty cổ phần phát triển thể thao điện tử Việt Nam (VED) để triển khai dịch vụ thanh toán AirPay tại Việt Nam. Năm 2017, SEA đã mua lại phần lớn cổ phần của Foody , đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ đặt nhà hàng và giao thức ăn ở Việt Nam với giá 64 triệu USD. Việc thâu tóm Foody này là bước đầu để tập đoàn này chuẩn bị cho nền tảng thanh toán AirPay bùng nổ tại Việt Nam.

Hiện cả 2 lĩnh vực hoạt động của SEA tại Việt Nam bao gồm game (Liên Minh Huyền Thoại), thương mại điện tử (Shopee) đều có tập khách hàng lớn, tiềm năng phát triển mạnh để cho ví điện tử như AirPay sớm giành vị thế lớn trên thị trường.