Cựu lãnh đạo Facebook khuyên mọi người nên tránh xa mạng xã hội này

(Dân trí) - Được thành lập để kết nối mọi người và hiện đã có hơn 2 tỷ người dùng, tuy nhiên dường như mục đích ban đầu của Facebook đã không còn đi đúng hướng khi ngày càng nhiều người dùng sa vào “thế giới ảo” do mạng xã hội này tạo nên và rời xa xã hội bên ngoài.

Đó là nhận định của Chamath Palihapitiya, một cựu giám đốc cao cấp của Facebook, về tác hại mà mạng xã hội đang làm đối với người dùng trên toàn thế giới. Chamath Palihapitiya gia nhập Facebook vào năm 2007 và trở thành Phó chủ tịch phụ trách phát triển người dùng trước khi rời bỏ mạng xã hội này.

Phát biểu tại buổi nói chuyện Trường đại học Stanford, Chamath Palihapitiya cho biết cảm thấy “vô cùng tội lỗi” khi đã giúp để xây dựng nên Facebook.

“Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã tạo nên những công cụ để tàn phá kết cấu vận hành của xã hội”, Palihapitiya nhận định. “Đây không phải là vấn đề đơn thuần của một quốc gia nào, đây là vấn đề của toàn cầu”.

Chamath Palihapitiya từng là Phó chủ tịch phụ trách phát triển người dùng Facebook, nhưng giờ đây ông khuyên mọi người nên tránh xa mạng xã hội này
Chamath Palihapitiya từng là Phó chủ tịch phụ trách phát triển người dùng Facebook, nhưng giờ đây ông khuyên mọi người nên tránh xa mạng xã hội này

Vị cựu giám đốc của Facebook cũng khuyên mọi người nên tránh xã mạng xã hội, không riêng gì Facebook. Palihapitiya lấy ví dụ về một tin đồn thất thiệt được lan truyền trên WhatsApp tại Ấn Độ về một đứa trẻ bị bắt cóc đã khiến 7 người vô tội bị giết.

“Hãy thử tưởng tượng đến mức cực đoan nơi những người xấu có thể thao túng một lượng người đông đảo để có thể làm theo những gì họ muốn. Đó thực sự là một tình huống tồi tệ”, Palihapitiya nhận xét.

Palihapitiya khẳng định ông sẽ không cho các con mình sử dụng Facebook và sẽ hạn chế bản thân sử dụng Facebook càng ít càng tốt.

"Facebook đang làm xói mòn nền tảng cốt lõi của cách mọi người hành xử với người khác, áp đảo những điều tốt đẹp trên thế giới. Và tôi không có giải pháp nào cho vấn đề này. Giải pháp cho riêng tôi là sẽ hạn chế sử dụng công cụ này càng nhiều càng tốt", Palihapitiya nói thêm.

Đáng chú ý đây không phải là lần đầu tiên một cựu lãnh đạo Facebook, những người đã góp phần xây dựng mạng xã hội này, lên tiếng cảnh báo về tác hại của Facebook. Trước đó vào giữa tháng 11, Sean Parker, một trong những nhà đầu tư đầu tiên và sau này trở thành chủ tịch đầu tiên của Facebook cũng đã gọi mạng xã hội này là “con quái vật”.

“Đó thực sự là một con quái vật và tôi đã giúp tạo ra nó. Facebook thực sự thay đổi mối quan hệ của bạn với xã hội, với những người khác. Nó sẽ can thiệp vào năng suất làm việc theo những cách lạ lùng. Chỉ có Chúa mới biết được nó sẽ làm gì với trí não của con em chúng ta”, Sean Parker cho biết.

Trước đó Justin Rosenstein, kỹ sư đã tạo ra nút “Like” nổi tiếng trên Facebook cũng đã lên tiếng thừa nhận “sai lầm” của bản thân khi tạo ra nút “Like” trên Facebook: “Con người thường hay phát triển những thứ với ý định tốt nhất, nhưng để lại cho họ những hậu quả tiêu cực, không mong muốn”.

Facebook đáp trả lời chỉ trích của Chamath Palihapitiya

Trước lời chỉ trích của Chamath Palihapitiya, Facebook đã có một động thái khá bất ngờ khi “đáp trả” lại vị cứu giám đốc của mình như một cách để tự bảo vệ

“Khi Chamath còn làm việc tại Facebook, chúng tôi đã tập trung để xây dựng một trải nghiệm xã hội mới và phát triển Facebook trên toàn cầu. Facebook lúc đó là một công ty khác và khi chúng tôi phát triển, chúng tôi đã nhận ra trách nhiệm của chúng tôi cũng phải thay đổi theo”, phát ngôn viên của Facebook cho biết, đồng thời khẳng định Palihapitiya đã rời khỏi Facebook từ cách đây hơn 6 năm, nghĩa là mọi thứ đã thay đổi trong thời gian đó.

Với hơn 2 tỷ người dùng, tương đương cứ 7 người trên trái đất lại có 2 người có tài khoản Facebook, không quá ngạc nhiên khi Facebook đang có một tầm ảnh hưởng cực lớn trên thế giới hiện nay, trong đó những tin tức giả mạo lan truyền trên Facebook đôi khi gây nên những hậu quả lớn và hết sức nghiêm trọng.

T.Thủy