Công ty CNTT đầu tiên của VN vào Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản

(Dân trí) - FPT vừa chính thức trở thành thành viên của Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren), một trong những tổ chức có ảnh hưởng lớn nhất về kinh tế đối ngoại và chính sách phát triển kinh tế.

FPT vừa phát thông tin cho biết trở thành công ty CNTT đầu tiên của Việt Nam có tên trong danh sách thành viên của Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản. FPT đã nhiều năm đầu tư tại thị trường nên việc này được cho là sẽ giúp FPT khẳng định vị thế tại thị trường Nhật Bản, tiếp cận các lãnh đạo cấp cao nhất của các khách hàng, đối tác chiến lược như Toyota, Sumitomo, Mitsubishi, Toshiba…, đồng thời góp phần giúp Việt Nam kết nối các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản và trên toàn cầu.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT cho biết: “Tôi đã có vinh dự được tham gia các buổi làm việc của Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản với lãnh đạo cấp cao của Chính phủ và việc trở thành thành viên của Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản là niềm tự hào to lớn đối với FPT. Là công ty tiên phong chuyển đổi số, FPT sẽ nỗ lực kêu gọi đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam và trở thành cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước, góp phần tăng cường sự đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc.”

Công ty CNTT đầu tiên của VN vào Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản - 1

Năm 2005, FPT thành lập tại Nhật Bản và sau 15 năm, FPT Nhật Bản hiện đứng trong Top 100 công ty CNTT mạnh tại thị trường này với quy mô doanh thu 5.534 tỷ đồng và hơn 1.500 nhân sự làm việc trực tiếp tại 12 văn phòng tại Nhật Bản và hơn 7.000 nhân sự tại Việt Nam triển khai các dự án cho khách hàng Nhật Bản. Đồng thời là đối tác chiến lược triển khai chuyển đổi số cho các tập đoàn lớn của Nhật Bản trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp, ngân hàng, tài chính, nông nghiệp…. FPT đặt mục tiêu đứng trong Top 20 Công ty mạnh tại Nhật Bản.

Thành lập từ năm 1946, Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản gồm 109 hiệp hội công nghiệp, 47 tổ chức kinh tế khu vực và 1.412 thành viên là các công ty có văn phòng tại Nhật Bản, trong đó có các tên tuổi lớn như: Toyota, Sumitomo, Mitsubishi, Toshiba. Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản đã có nhiều đóng góp to lớn trong kết quả quan hệ hợp tác, thương mại và đầu tư ấn tượng giữa Việt Nam – Nhật Bản trong thời gian qua, với nhiều sáng kiến hiệu quả, giúp cải thiện môi trường đầu tư, như Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản.

Liên đoàn Keidanren đang tập trung triển khai Chương trình xã hội 5.0 của Chính phủ Nhật Bản với các công nghệ trọng điểm như robotics, blockchain, AI giúp giải quyết các vấn đề xã hội và tạo ra những giá trị mới. Chương trình xã hội 5.0 là một xã hội tương lai mà Chính phủ Nhật Bản đang hướng tới với định hướng lấy con người làm trung tâm, cân bằng giữa tiến bộ kinh tế với việc giải quyết các vấn đề xã hội thông qua hệ thống tích hợp thế giới “ảo” và thế giới thực.

Minh Anh