Công nghệ đằng sau màn pháo hoa chào năm mới đỉnh cao tại tòa nhà cao nhất thế giới

(Dân trí) - Không chỉ có hàng chục làn bắn pháo hoa được bố trí dọc bên thân tòa nhà, Burj Khalifa còn tự biến mình thành một màn hình LED khổng lồ, liên tục trình chiếu các nội dung chào mừng năm mới cùng tiếng nhạc, và vẫn giữ được kết cấu cao chót vót kéo dài hơn 828 mét lên không trung.

Màn pháo hoa chào đón năm mới 2019 đỉnh cao tại Dubai

Vào thời khắc giao thừa, khi đồng hồ điểm lúc 0 giờ ở khắp các múi giờ trên thế giới, vô số người đã đổ ra đường tại các thành phố lớn để chào mừng một năm mới, cùng với đó là các màn bắn pháo hoa đỉnh cao.

Trong khi thành phố New York luôn tự hào với màn thả rơi quả cầu pha lê ở Quảng trường Thời đại, thành phố Sydney ấn tượng với màn pháo hoa hoành tráng, thì tại Dubai - nơi có tòa nhà Burj Khalifa cao thế giới cũng tạo được sức hút mạnh mẽ với màn chào đón năm mới có một không hai.

Không chỉ có hàng chục dàn bắn pháo hoa được bố trí dọc bên thân tòa nhà, Burj Khalifa còn tự biến mình thành một màn hình LED khổng lồ, liên tục trình chiếu các nội dung chào mừng năm mới cùng tiếng nhạc, và vẫn giữ được kết cấu cao chót vót kéo dài hơn 828 mét lên không trung.

Điểm độc đáo đó là những hình ảnh hoạt hình chúng ta nhìn thấy không phải đến từ các màn hình hiển thị, mà chính là cấu trúc thực sự của tòa nhà, vốn được bao phủ bởi rất nhiều bóng đèn LED, với số lượng lớn nhất trong lịch sử thế giới từng ghi nhận.

Hàng triệu bóng đèn LED tạo thành màn hình khổng lồ

Hệ thống phát sáng của tòa nhà được điều chỉnh bởi một hệ thống phức tạp.
Hệ thống phát sáng của tòa nhà được điều chỉnh bởi một hệ thống phức tạp.

Theo Gulfnews, tờ báo có cơ hội được thăm quan phòng điều khiển nơi những show diễn chào mừng năm mới được diễn ra tại tòa nhà Burj Khalifa, ban quản lý tòa nhà đã xây dựng một hệ thống kết nối và điều khiển ánh sáng vô cùng phức tạp.

Cụ thể, họ đã sử dụng chương trình phần mềm trên một chiếc laptop kết nối cùng máy chủ và hàng triệu bóng đèn LED có kích thước nhỏ gắn trên bề mặt tòa nhà để hiển thị chúng với một màu sắc nào đó, đồng thời phát sáng theo đúng giai điệu.

Nhìn từ xa, tổng cộng 1,2 triệu bóng đèn tạo thành một hình ảnh tổng hợp của cùng một video đang phát trên máy tính xách tay, biến bề mặt tòa nhà trở thành một màn hình khổng lồ.

Những bóng đèn LED nhỏ xíu được bố trí chạy dọc hai bên cửa sổ tòa tháp, trên các dải nhựa mỏng. Chúng hòa quyện hoàn hảo với bề mặt khiến tất cả mọi người, ngay cả những cư dân sống tại đây cũng không hề biết rằng có đèn ở đó.

100% khả năng dự phòng nếu mất điện

Toàn bộ bề mặt tòa nhà trở thành một màn hình LED khổng lồ.
Toàn bộ bề mặt tòa nhà trở thành một màn hình LED khổng lồ.

Với một hệ thống bóng đèn kết hợp cùng điều khiển, nhiều người nghĩ rằng màn trình diễn sẽ ngốn một lượng điện khổng lồ và dễ dàng gián đoạn nếu gặp sự cố mất điện.

Tuy nhiên trên thực tế, các kỹ sư tại Dubai cho biết hệ thống này luôn được đảm bảo 100% khả năng trình diễn, cho dù bất kỳ điều gì có xảy ra.

"Chúng tôi có hệ thống dự phòng tại chỗ. Cứ nửa mét sẽ có một dải đèn và chúng tôi có khả năng tắt một nửa trong số chúng để thay thế", Bashar Kassab, Giám đốc quản lý hệ thống cho biết. "Do đó nếu xảy ra sự cố, chúng tôi vẫn có thể tiếp tục chương trình, cho dù hình ảnh sẽ có độ phân giải thấp hơn. Chúng tôi có giải pháp dự phòng đảm bảo 100% chương trình sẽ không bị dừng lại".

Khả năng phát sáng cực mạnh

Công nghệ đằng sau màn pháo hoa chào năm mới đỉnh cao tại tòa nhà cao nhất thế giới - 3

Sau khi chứng kiến màn trình diễn đỉnh cao kết hợp giữa hình ảnh, đèn laser, âm nhạc và cả pháo hoa hoành tráng, vốn có thể được nhìn thấy từ xa hàng chục ki-lô-mét, ít ai biết rằng thực tế các bóng đèn chỉ được đặt ở mức độ phát sáng 40%.

Nguyên nhân của sự hạn chế này là do nếu chạy 100% hiệu suất, toàn bộ năng lượng sẽ là quá nhiều để sử dụng. Kassab cho biết toàn bộ hệ thống này có công suất tối đa là 790 kilowatt/giờ.

"Điều tuyệt vời nhất của hệ thống này đó là nó đơn giản, hoặc "phức tạp theo một cách đơn giản nhất", Kassab nói thêm. "Hãy hình dung về một hệ thống chiếu sáng ấn tượng như thế, được đặt tại tòa nhà cao nhất thế giới. Chúng tôi đã xây dựng được một màn hình rất thông minh."

Những con số ấn tượng

1,2 triệu - số lượng đèn LED trên bề mặt tòa nhà.

828 mét - chiều cao tòa nhà Burj Khalifa, về cơ bản là chiều cao của 'màn hình'.

33km - chiều dài của những dải đèn LED nếu ghép lại với nhau.

790 kilowatt - lượng năng lượng mà đèn LED có thể sử dụng nếu chạy hết công suất trong mỗi giờ.

Hơn 1.825 - số chương trình kể từ khi lắp đặt hệ thống mới khoảng một năm trước.

Nguyễn Nguyễn