Có nên mua dụng cụ kháng khuẩn chống Covid-19 bằng tia UV tại nhà?

(Dân trí) - Tìm mua bóng đèn hoặc đèn phát tia cực tím ở Việt Nam khá dễ, nhưng người dùng nên cảnh giác với việc sử dụng thiết bị chiếu này tại nhà mà không có sự hướng dẫn cụ thể của bệnh viện, tổ chức y tế.

Có nên mua dụng cụ kháng khuẩn chống Covid-19 bằng tia UV tại nhà? - 1

Trong bối cảnh Covid-19 tiếp tục ghi nhận thêm những ca mắc mới tại Việt Nam, người dân đang trở nên cảnh giác với dịch bệnh. Một số người cảm thấy những phương pháp phòng tránh cơ bản như đeo khẩu trang, rửa tay, khử trùng các thiết bị di động,... là chưa đủ.

Thay vào đó, họ tìm đến những thiết bị cao cấp hơn như máy phát tia cực tím (UV), đèn chiếu tia cực tím tại cửa hàng y tế hay thậm chí tự chế loại thiết bị này tại nhà để diệt khuẩn và virus hiệu quả hơn.

Trên thực tế, khoa học chứng minh việc áp dụng các thiết bị chiếu tia cực tím để khử trùng đã được chấp nhận kể từ giữa thế kỷ 20. Nó được sử dụng chủ yếu trong điều kiện vệ sinh y tế và phương tiện làm việc vô trùng. Càng ngày, phương pháp này càng được sử dụng nhiều để khử trùng nước uống và nước thải như các cơ sở giữ được kèm theo và có thể được luân chuyển để đảm bảo một độ phơi nhiễm cao với tia cực tím. Trong những năm gần đây người ta đã tìm thấy thêm ứng dụng đổi mới trong máy lọc không khí, đèn chiếu bằng tia cực tím để loại bỏ các virus có hại trong không khí, bám trên bề mặt.

Trên mạng xã hội Facebook, tại các hội/nhóm về thiết bị điện, chủ đề về lắp thiết bị diệt khuẩn bằng tia cực tím, hay cách để dùng tia cực tím khử khuẩn, cũng được thảo luận khá sôi nổi.

Tia cực tím (UV) là gì?

Có nên mua dụng cụ kháng khuẩn chống Covid-19 bằng tia UV tại nhà? - 2

Tia UV (từ tiếng Anh Ultraviolet) hay còn được gọi là tia cực tím hay tia tử ngoại, là sóng điện từ có bước sóng ngắn hơn ánh sáng nhìn thấy nhưng dài hơn tia X. Phổ tia cực tím bao gồm thành tử ngoại gần (có bước sóng từ 380 đến 200 nm) và tử ngoại xạ hay tử ngoại chân không (có bước sóng từ 200 đến 10 nm).

Liên quan đến sức khỏe của con người và dựa vào bước sóng tia UV được chia làm 3 loại, đó là UVA (bước sóng 380 - 315 nm), UVB (bước sóng 315 - 280 nm) và UVC (bước sóng <280).

Trong đó, UVC là loại sóng ngắn có tính tiệt trùng mà các thiết bị diệt khuẩn hướng tới. Sở dĩ làm được điều này là bởi tia cực tím có thể phá vỡ cấu trúc phân tử, làm biến dạng và gây chết. Do đó, loại tia sáng này có thể được dùng như giải pháp để ngăn chặn virus.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia y tế khuyến cáo không nên tự mua và sử dụng các thiết bị phát tia cực tím tại nhà, nhất là những ai không am hiểu, bởi đây là tia sáng có hại nếu tiếp xúc trực tiếp.

Tác hại của tia UV

Có nên mua dụng cụ kháng khuẩn chống Covid-19 bằng tia UV tại nhà? - 3

Theo một số chuyên trang về khoa học, cả 3 bước sóng của tia cực tím là UVA, UVB, UVC đều có những tác động nhất định tới cơ thể con người, trong đó chủ yếu là mắt và da. Về cơ bản, tia cực tím là loại tia rất độc hại nếu tiếp xúc trực tiếp.

Các tổ chức y tế chỉ ra rằng phơi nhiễm tia cực tím không an toàn là yếu tố hàng đầu dẫn đến ung thư da, chủ yếu ung thư da tế bào đáy và tế bào mô vảy.

Dù không phải dạng ác tính, không dẫn đến tử vong lập tức nhưng loại tia này có thể tạo các u ác tính lan rộng khắp cơ thể, gây biến dạng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Đối với mắt, tia tử ngoại có thể xuyên qua được giác mạc, đi vào thủy tinh thể, võng mạc. Nếu phơi sáng quá lâu sẽ dẫn đến tình trạng thoái hóa hoàng điểm hay đục thủy tinh thể, hoặc gây ra các bệnh về giác mạc như viêm giác mạc, hạt kết mạc, mộng.

Với những tác hại nêu trên, có thể thấy việc sử dụng thiết bị chiếu tia UV tại nhà mà không theo một sự hướng dẫn nào của tổ chức y tế là vô cùng đáng lo ngại, đặc biệt là khi sử dụng sai cách và dẫn đến những hậu quả khó lường cho cơ thể.

Có nên dùng thiết bị chiếu tia UV tại nhà?

Có nên mua dụng cụ kháng khuẩn chống Covid-19 bằng tia UV tại nhà? - 4

Việc tìm mua bóng đèn hoặc đèn phát tia cực tím ở Việt Nam khá dễ khi chúng được rao bán công khai trên các hội nhóm bán hàng, trang thương mại điện tử, hoặc ngay tại cửa hàng vật tư y tế với giá không quá đắt.

Dẫu vậy, hiện vẫn khó lòng để kiểm chứng những thiết bị này có hoạt động đúng 100% như lời chỉ dẫn, hoặc có thể bị làm giả, làm nhái, biến tấu chức năng khi mua tại những nguồn kém uy tín. Điều này khiến nguy cơ virus thì không khử được, mà lại "rước" thêm bệnh tật cho cơ thể.

Lời khuyên đó là bạn đọc vẫn chỉ nên áp dụng các phương pháp cơ bản như đeo khẩu trang, vệ sinh cá nhân thường xuyên, tránh tiếp xúc tay trực tiếp với mắt, mũi, miệng nếu chưa rửa sạch, và nâng cao sức đề kháng là đã đủ chống Covid-19 hiệu quả.

Nếu mua những thiết bị chiếu UV, người dùng cần tuân thủ đúng kỹ thuật, sử dụng đúng diện tích, mỗi lần sử dụng khoảng một giờ và trong thời gian đó không nên ở trong phòng để tránh những sự cố do chùm tia tác động đến da, mắt và các bộ phận khác.

Nguyễn Nguyễn