Cơ hội nào cho FPT Telecom thời tân Chủ tịch Hoàng Nam Tiến?

(Dân trí) - Dù có kinh nghiệm làm mảng phân phối và phần mềm, nhưng thách thức dành cho tân Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Nam Tiến cũng như Tổng Giám đốc Hoàng Việt Anh là không nhỏ.

Luân chuyển bộ đôi “sếp” phần mềm qua viễn thông

Theo thông tin từ FPT,  từ ngày 3/3, ông Hoàng Nam Tiến sẽ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch FPT Telecom thay bà Chu Thị Thanh Hà sang làm Chủ tịch FPT Software. FPT khẳng định việc bổ nhiệm và luân chuyển này nằm trong chương trình “Quy hoạch và Luân chuyển lãnh đạo FPT” được triển khai từ năm 2014 để chuẩn bị nguồn lực cấp cao cho Tập đoàn và các công ty thành viên trong những năm tới.

Cơ hội nào cho FPT Telecom thời tân Chủ tịch Hoàng Nam Tiến? - 1

Ông Hoàng Nam Tiến làm Chủ tịch FPT Telecom thay bà Chu Thanh Hà. 

Trước đó, tháng 3/2018, Tổng Giám đốc FPT Software Hoàng Việt Anh cũng đã được luân chuyển sang làm Tổng Giám đốc FPT Telecom.

Như vậy, chỉ sau 2 năm, bộ đôi lãnh đạo cao cấp nhất của FPT Software 1 thời đều đã được luân chuyển sang FPT Telecom.

Về kế hoạch kinh doanh, FPT Telecom đặt mục tiêu doanh thu năm 2020 là 11.814 tỷ đồng, tăng 13,6% so với năm 2019 (trong đó doanh thu từ dịch vụ viễn thông là 11.150 tỷ đồng, tăng 13,9% và doanh thu từ dịch vụ nội dung số là 664 tỷ đồng, tăng 9%).

Từ cơ cấu mục tiêu doanh thu cho thấy, phần lớn vẫn đến từ mảng kinh doanh viễn thông truyền thống, doanh thu từ mảng nội dung số vẫn còn ở mức khiêm tốn (chỉ bằng 1/16 lần), trong khi thị trường mảng viễn thông vẫn được coi là bão hoà,

Từ đó cho thấy, cơ cấu doanh thu của FPT Telecom cũng đang gặp vấn đề giống với các nhà mạng ở Việt Nam. Theo báo cáo tổng kết năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ năm 2020 của Bộ TT&TT, trong năm 2019, doanh thu dịch vụ di động của các nhà mạng vẫn dựa chủ yếu vào các loại hình dịch vụ truyền thống, đặc biệt là thoại, SMS (chiếm 76,6%) trong khi những dịch vụ này đã ở vào trạng thái bão hoà. Tuy nhiên, với việc các nhà mạng dự kiến sẽ được triển khai dịch vụ mới Mobile Money trong năm 2020, cơ cấu doanh thu của các đơn vị này được cho là sẽ có nhiều thay đổi.

Sẽ tập trung nhiều hơn cho mảng nội dung số, phần mềm?

Trước kia, FPT Telecom vẫn “kiếm sống” tốt nhờ vào mảng kinh doanh dịch vụ viễn thông. Tuy nhiên, giống như nhiều chuyên gia Internet thường ví von, “hạ tầng giống như một con đường, đường có rộng mà không có phương tiện lưu thông thì cũng không thể phát triển được”.

Vì vậy, từ năm 2014-2015 đến nay, FPT Telecom đã có những bước chuyển mình vào nội dung như tập trung khai thác dịch vụ truyền hinh IPTV hay thành lập “Ban dự án”để gom những dự án riêng lẻ trước đó như Fshare, FPT Play vào một mối, để phát triển những dự án mới như Startalk, mix166… hay thiết bị xem truyền hình FPT Play. Tuy nhiên, sau 4-5 năm phát triển, có thể nói chỉ có FPT Play là đem lại những thành công nhất định về thương hiệu và người dùng cho FPT Telecom hơn là doanh thu, khi mà chi phí bản quyền lớn, trong khi người dùng vẫn chưa có nhiều thói quen trả phí trên môi trường Internet.

Hướng đi khác của FPT Telecom trong những năm gần đây là khai thác việc bán phần cứng và tối ưu hoá phần mềm trên các thiết bị này, thông qua việc hợp tác hay tự phát triển. Tiêu biểu có thể kể đến như box xem truyền hình FPT Play hay sản phẩm mới được ra mắt gần đây là Camera trên nền tảng đám mây. Tuy nhiên, cả 2 sản phẩm này đều gặp những đối thủ lớn là các sản phẩm đến từ Trung Quốc, với giá thành rẻ hơn rất nhiều.

Như vậy, có thể nói, việc bộ đôi “nhà phần mềm” (FPT Software) làm Chủ tịch và Tổng Giám đốc FPT Telecom được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều “làn gió mới” tích cực cho đơn vị này, không còn thuần là một đơn vị cung cấp hạ tầng thông thường.

Trong thời gian tới, bên cạnh các dịch vụ truyền thống, “nhà viễn thông” có thể sẽ tiếp tục khai thác mạnh hơn nữa mảng dịch vụ nội dung số và các dịch vụ phần cứng trên nền tảng phần mềm tự xây dựng, nhất là việc áp dụng các công nghệ mới như AI, Blockchain… Tại FPT Software thời gian qua, đơn vị này cũng đã liên tục xây dựng các chính sách hỗ trợ startup ngay tại chính công ty với các sản phẩm thông qua việc chia sẻ doanh thu, khuyến khích áp dụng các công nghệ mới trên thế giới, tiêu biểu có thể kể nền tảng Akachain, hay ứng dụng tích điểm Utop…

Tuy nhiên, thách thức cho vị Chủ tịch mới là không hề nhỏ, khi FPT Telecom là đơn vị có bộ máy vận hành cực kì ổn định, bất kể người lãnh đạo là ai, và được duy trì từ thời ông Trương Đình Anh- người đặt nền móng đầu tiên. Chưa kể đến, nếu tiền thân của FPT Telecom với tên gọi FOX, trùng tên với nghĩa con cáo trong tiếng Anh, vì xác định sẽ phải nhanh nhẹn, khéo léo như cáo thì hiện nay FPT Telecom đã trở nền "cồng kềnh" như một con voi.

Vì thế, mọi sự thay đổi hay chuyển mình của FPT Telecom sẽ không thể thực hiện trong “một sớm một chiều”, khi mà dịch vụ nội dung số luôn đòi hỏi sự sáng tạo và thay đổi rất nhanh để đáp ứng nhu cầu thị trường. Càng tụt lại phía sau, FPT Telecom sẽ càng khó có cơ hội phát triển các dịch vụ mới, trong khi các dịch vụ truyền thống sẽ tăng trưởng chậm dần. Đây sẽ là bài toán mà bộ đôi lãnh đạo cao nhất của FPT Telecom phải giải quyết sớm nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.

Gia Khánh