Cơ hội nào cho các hãng smartphone mới nổi vào Việt Nam?

(Dân trí) - Thị trường Việt Nam tưởng dễ mà khó, tưởng khó mà dễ, nếu hiểu được yếu tố này của thị trường thì sẽ tìm được cơ hội cho các thương hiệu điện thoại mới nổi, đặc biệt là các hãng sản xuất Trung Quốc, và kể cả “tay ngang” như Bkav chuẩn bị bước vào cuộc đua.

“Cám cảnh” những thương hiệu “nay trồi mai sụt”

Theo đánh giá của các nhà bán lẻ di động, thị trường điện thoại Việt Nam hiện nay đang có sự cạnh tranh của nhiều hãng lớn, và những sản phẩm bán chạy nhất trong năm 2014 vừa qua đều thuộc về Apple, Samsung và Microsoft/Nokia … Nguyên nhân của sự cạnh tranh này là do Việt Nam hiện được đánh giá là một thị trường đầy tiềm năng và sôi động.

Theo công ty nghiên cứu thị trường IDC công bố báo cáo khảo sát quý 4.2014 về thị trường điện thoại di động châu Á/Thái Bình Dương, thị trường Việt Nam năm 2014 đã tiêu thụ 28,7 triệu chiếc ĐTDĐ, tăng 13% so với năm trước. Trong đó, dòng smartphone có mức tăng trưởng cao nhất với 11,6 triệu chiếc, tăng 57% so với năm 2013. Thị trường có sức cầu lớn, ưa chuộng sản phẩm mới và luôn sôi động đó chính là cơ hội đối với các hãng điện thoại mới khi muôn gia nhập vào Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Ngọc Thắng, Phó Giám đốc ngành hàng điện thoại của hệ thống bán lẻ FPT Shop, khó khăn sẽ chồng chất đối với những thương hiệu điện thoại mới nổi. “Trước mắt, có thể kể đến 2 khó khăn lớn nhất mà các hãng này có thể gặp phải là về mặt tâm lý người dùng và thói quen truyền thống. Về mặt tâm lý người dùng, với những thương hiệu lạ chưa có tên tuổi, khó có được niềm tin về chất lượng sản phẩm. Thêm vào đó, các yếu tố về văn hóa ngôn ngữ, yếu tố thương hiệu cũng ảnh hưởng lớn đến quyết định chọn mua sản phẩm của người dùng. Về phân khúc tầm trung và tầm thấp tại Việt Nam hiện vẫn ổn định và đang phát triển vì đã sở hữu một lượng khách hàng trung thành riêng. Trong đó các sản phẩm như Lumia 525, Zenphone 5, Galaxy Prime, Galaxy V… với thiết kế đẹp, nhiều tính năng hay, giá cả hấp dẫn đang được rất nhiều khách hàng chọn mua”.

Cơ hội nào cho các hãng smartphone mới nổi vào Việt Nam?
Thị trường smartphone Việt đang chứng kiến cuộc cạnh tranh khốc liệt từ các ông lớn cho tới các thương hiệu mới nổi.

Trong khi đó, ông Mai Triều Nguyên, giám đốc chuỗi cửa hàng Mai Nguyên Luxury, cho biết các thương hiệu Wiko, Huawei, Lenovo, Alcatel… đều đang gặp khó khăn trên thị trường Việt Nam. “Các thương hiệu này chỉ có thể tung các chiến dịch bán hàng xuống các tỉnh thành, còn ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng.... là rất khó.

Khó khăn trên thị trường Việt Nam không chỉ xảy ra các thương hiệu điện thoại còn ít tuổi đời, mà với những thương hiệu có tiếng, như Lenovo, Huawei… Dù là 2 gã khổng lồ, nằm trong Top 3 trên thị trường smartphone tại Trung Quốc nhưng, hai ông lớn này dường như cũng đã nếm mùi thất bại tại Việt Nam.

Ông Nguyên cho biết: “Lenovo là một điển hình của sự xuống dốc trên thị trường smartphone Việt Nam”. Doanh số điện thoại của Lenovo bán rất chậm trong thời gian gần đây dù trước đó đã đạt được những con số khá tốt, và hiện tại chuỗi Mai Nguyên Luxury đã ngừng bán các sản phẩm của thương hiệu này. Trong khi đó, Huawei dù đã tuyên bố với những tham vọng lớn tại Việt Nam và đã đưa vào thị trường các dòng smartphone cao cấp nhất của mình, nhưng tìm trên các chuỗi siêu thị lớn đều vắng bóng thương hiệu này.

Thách thức trên con đường “chinh phục”

Theo ông Nguyên, thách thức lớn nhất của các thương hiệu mới nổi vào Việt Nam là làm sao vượt qua được cái tâm lý “thương hiệu Trung Quốc”, và thứ hai là làm sao để chống chọi với các hãng lớn khi mà mà các hãng lớn, các hãng danh tiếng toàn cầu đều đã tung ra các sản phẩm giá rẻ để phục vụ đối tượng người dùng phổ thông. Microsoft đã có smartphone giá chỉ dưới 2 triệu đồng, Samsung cũng tung ra thị trường smartphone dưới 2 triệu và, HTC cũng có điện thoại giá chỉ 1,79 triệu đồng.

Qua quan sát nhiều năm nay, ông Nguyên đánh giá: “Chỉ mới có 1 hãng Trung Quốc đang phát triển tốt, vượt qua được 2 thách thức này đó là Oppo. Còn các hãng còn lại thì nay trồi mai sụt, thậm chí mốt biến mất, rồi lâu lâu quay lại...”.

Cũng nói về “bức tranh” của thị trường smartphone Việt Nam và cơ hội cho các thương hiệu di động mới nổi, ông Nguyễn Anh Văn, chủ chuỗi siêu thị CellPhoneS, cho biết nhìn vào thành công trong năm 2014 của Asus và Oppo, cùng sự tăng trưởng của thị trường smarphone thì rõ ràng là vẫn có cơ hội không nhỏ cho những tên tuổi mới vào Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Văn, ngoài những khó khăn lớn nhất mà các thương hiệu này sẽ đối mặt về thói quen truyền thống, về sự ăn sâu trong suy nghĩ của những nhãn hàng đến từ Trung Quốc thì các thương hiệu này đang gặp khó khăn trong đưa hình ảnh, sản phẩm vào các đại lý, đặc biệt là ở các chuỗi, hệ thống lớn vốn đang chiếm tới gần 70% thị trường bởi sự cạnh tranh rất lớn tới từ các hãng đã sẵn có trên thị trường.

Hầu hết các hãng điện thoại mới vào Việt Nam trong thời gian vừa rồi đều đến từ Trung Quốc. Cùng với một số sự cố liên quan tới bảo mật thông tin người dùng cá nhân trong thời gian qua của các hãng điện thoại tới từ Trung quốc gây tâm lý e ngại ở người tiêu dùng .

Đứng ở vai trò là người “trong cuộc”, theo bà Tô Hồng Trang, Phó Tổng giám đốc phát triển tổ chức Digiworld, là nhà phân phối thương hiệu Wiko, và sắp tới là thương hiệu OBI (Ấn Độ), các hãng di động mới nổi hoàn toàn có cơ hội tiến vào thị trường Việt Nam, tuy nhiên, miếng bánh còn lại cho những “tân binh” này là ở phân khúc tầm trung, giá rẻ, và thị trường chính là ở các tỉnh thành, không phải là khu vực trung tâm.

Bà Trang nhìn nhận, các thương hiệu này không có “cửa” ở phân khúc cao cấp vốn đang thuộc sự kiểm soát của Apple và Samsung.

“Thị trường Việt Nam tưởng dễ mà khó, tưởng khó mà dễ... Rất nhiều hãng đều thấy được điều này. Dễ và khó quan trọng là cách làm, sự kiên trì, cách tiếp cận khách hàng, cách làm việc với đại lý… vì thị trường hiện nay quá chật chội”, ông Nguyên nói.

Khôi Linh