Choáng váng với ứng dụng ghép khuôn mặt vào video như thật đang gây sốt

(Dân trí) - Zao, một ứng dụng sử dụng công nghệ DeepFake miễn phí giúp hoán đổi khuôn mặt đang gây sốt tại thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, ứng dụng này bị phản ứng dữ dội với chính sách quyền riêng tư.

Sau làn sóng FaceApp, ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo để làm giả khuôn mặt gây sốt trên Internet thì mới đây tại Trung Quốc lại xuất hiện một ứng dụng khác mang tên Zao, giúp hoán đổi khuôn mặt trong bất cứ video nào. Ứng dụng này sử dụng công nghệ DeepFake, ghép khuôn mặt của người dùng vào một nhân vật nổi tiếng trong các bộ phim hay thậm chí là các chương trình truyền hình.

Một tài khoản Twitter có tên Allan Xia mới đây đã đăng tải một video minh họa khá rõ ràng về ứng dụng này. Đoạn clip khoảng 30 giây phác họa rõ nét về việc anh này thay khuôn mặt của người khác vào nhân vật mà Leonardo Dicaprio đang thủ vai. Xia chia sẻ, clip này tạo ra trong vòng chưa đầy tám giây từ một bức ảnh duy nhất. Tuy nhiên, để có một kết quả video tốt hơn, ứng dụng này cũng có thể giúp người dùng chụp các bức ảnh để yêu cầu mở miệng, nhắm mắt, giúp ghép nối chân thực hơn.

Choáng váng với ứng dụng ghép khuôn mặt vào video như thật đang gây sốt - 1

Xia cũng cho biết, ứng dụng này hiện chỉ cung cấp một số lượng clip giới hạn để người dùng chèn khuôn mặt của mình vào. Điều này lý giải rằng, các nhà phát triển ứng dụng đang đào tạo các thuật toán của mình trên từng clip một để có kết quả như thật khi người dùng ghép nối khuôn mặt của mình vào.

Theo Bloomberg, ứng dụng này chỉ được phát hành vào thứ 6 tuần trước nhưng đã nhanh chóng lọt top bảng xếp hạng trên kho ứng dụng Trung Quốc.

Công nghệ này tương tự như những gì chúng ta đã thấy gần đây từ các nghiên cứu của Đại học Hoàng gia London. Các nhà nghiện cứu có thể biến một bức ảnh duy nhất thành một bức chân dung biết ca hát. Điểm khác biệt của Zao đó là việc thay một khuôn mặt mới vào video hiện có, thay vì tạo ảnh động trực tiếp từ bức ảnh. Điều này cho thấy, công nghệ đang phát triển nhanh như thế nào. Trước đây phải cần hàng trăm hình ảnh để tạo ra một video deepfake thì giờ chỉ cần một hình ảnh duy nhất đã cho ra kết quả rất tốt.

Tuy nhiên, ứng dụng Zao cũng đang vấp phải phản ứng mạnh mẽ của người dùng về quyền riêng tư. Trong đó, có điều khoản nói rằng, nhà phát triển sẽ được dùng miễn phí, được phép chuyển nhượng, tái cấp phép đối với tất cả nội dung do người dùng tạo ra. Ngay lập tức, chính sách bảo mật của Zao đã gánh chịu hàng ngàn đánh giá tiêu cực trên App Store.

Trước phản ứng mạnh mẽ, công ty này đã tức tốc phản hồi lại những chỉ trích, và họ đã nói rằng sẽ không sử dụng hình ảnh hoặc video của người dùng mà không có sự đồng ý của họ. Công ty này cũng cho biết sẽ xóa dữ liệu người dùng khỏi máy chủ của mình khi người dùng xóa dữ liệu của họ khỏi ứng dụng.

Bloomberg cũng lưu ý, ứng dụng này cũng đưa thông tin nhà phát triển là Công ty Công nghệ Mạng Trường Sa Shenduronghe và đây là một công ty con thuộc sở hữu của Momo, một công ty Trung Quốc sở hữu dịch vụ hẹn hò và phát hình trực tiếp (live-streaming).

Ngoài ra, một lưu ý cũng quan trọng mà người dùng cần nghĩ đến đó là quyền riêng tư, các tập dữ liệu của mình khi một dịch vụ được cung cấp miễn phí, chắc chắn họ sẽ thu được lợi nhuận từ dữ liệu của người dùng cung cấp. Có thể là để hướng đến mục tiêu quảng cáo tốt hơn, có thể để đào tạo AI để nhận dạng khuôn mặt tốt hơn và có thể dùng rất nhiều mục đích mà người dùng không biết được. Vì vậy, trước khi cài đặt bất cứ ứng dụng nào, hãy đọc kỹ chính sách quyền riêng tư.

Huy Anh