Chính phủ Mỹ cảnh báo thiết bị bay không người lái gây mất an toàn hàng không

(Dân trí) - Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) vừa đưa ra lời cảnh báo những chiếc drone (máy bay không người lái) tự phát và thiếu trách nhiệm của người điều khiển có thể gây nên những nguy cơ mất an toàn hàng không khi có khả năng va chạm giữa drone và máy bay.

Theo một thông báo vừa được phát hành của FAA cho biết tính riêng trong ngày 9/8 vừa qua tại Mỹ đã có hơn 650 trường hợp phi công báo cáo về khả năng va chạm giữa máy bay và drone (máy bay không người lái). Con số này thậm chí còn cao hơn 238 trường hợp được báo cáo trong cả năm 2014. Tính riêng trong tháng 6 vừa qua đã có 138 báo cáo về các drone bay ở độ cao 10.000 feet (3.000m), tăng hơn 16 trường hợp so với cùng tháng năm ngoái,

Điều này cho thấy khả năng va chạm giữa drone và máy bay đang ngày càng tăng cao và đây là một vấn đề đáng bận tâm.

Những chiếc drone có thể gây nguy cơ mất an toàn bay khi có khả năng va chạm với máy bay
Những chiếc drone có thể gây nguy cơ mất an toàn bay khi có khả năng va chạm với máy bay

FAA cho biết những chiếc drone bay ở khu vực gần sân bay, máy bay phản lực hay trực thăng là cực kỳ nguy hiểm và đưa ra cảnh báo nhằm vào những chiếc drone bay từ độ cao 120m trở lên.

Theo FAA, nhiều người sử dụng drone một cách thiếu trách nhiệm và cho những chiếc máy bay không người lái này bay lên độ cao của những chiếc máy bay thương mại có thể gây nên những vụ va chạm chết người. Vào giữa tháng 7 vừa qua, những chiếc máy bay trực thăng chở nước để chữa cháy cho một vụ cháy rừng lớn ở bang California (Mỹ) đã không thể cất cánh do những chiếc drone bay ở khu vực lân cận của những người chơi thể loại này.

Hiện tại FAA đã ban hành những quy định cụ thể cho drone, tuy nhiên chủ yếu vẫn chỉ được áp dụng cho các doanh nghiệp, tuy nhiên FAA cho biết trong thời gian tới sẽ áp dụng các quy định đối với các chuyến bay drone trái phép và sẽ phối hợp với cảnh sát để xử phạt những người điều khiển drone vi phạm quy định của mình.

Thắt chặt quản lý drone tại Việt Nam

Thú chơi drone tại Việt Nam cũng đã trở nên phổ biến trong thời gian qua. Tuy nhiên, vào cuối tháng 7 vừa qua, Bộ Quốc phòng đã gửi công văn số 6321/BQP-TM tới các bộ ban ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm nêu rõ sự cần thiết trong cấp phép, quản lý và kinh doanh các loại máy bay không người lái, máy bay siêu nhẹ.

Trong công văn của mình, Bộ Quốc phòng nhấn mạnh hiện ở các tỉnh, thành phố đang có nhu cầu sử dụng các phương tiện bay siêu nhẹ để phục vụ cho mục đích thể thao, giải trí, kinh tế... tuy nhiên đã xuất hiện các hoạt động bay có tính tự phát, hoặc có một số tổ chức, cá nhân tự nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp, kinh doanh các phương tiện bay siêu nhẹ khi chưa xin phép các cơ quan có thẩm quyền. Điều này tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm cho các hoạt động bay quân sự và dân dụng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện cho các thế lực thù địch lợi dụng làm phương tiện để thực hiện các hành vi gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị nhất là vào các dịp cao điểm, lễ, tết.

Từ thực tế trên, để tăng cường sự hiểu biết, thực hiện đúng quy định của Chính phủ về quản lý hoạt động bay nêu trên, Bộ Quốc phòng đề nghị các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân nắm, hiểu và thực hiện đúng quy định tại Nghị định 36 của Chính phủ.

Các tổ chức, cá nhân trước khi bay phải thực hiện xin phép bay, chỉ cấp phép nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, thiết kế, sản xuất, thử nghiệm và kinh doanh tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ khi có văn bản chấp thuận của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, Bộ Tài chính, UBND tỉnh...

Bộ Quốc phòng cũng đề nghị các quân khu, quân đoàn, binh chủng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển… chỉ đạo cơ quan chức năng của địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân ký cam kết không vi phạm, tích cực kiểm tra, phát hiện kịp thời xử lý kiên quyết theo thẩm quyền; khuyến khích  tổ chức, cá nhân có nhu cầu tổ chức hoạt động bay tham gia các câu lạc bộ hàng không để đưa phương tiện vào hoạt động theo đúng quy định.

Drone là tên gọi ngắn gọn của loại máy bay không người lái, hiện đang sử dụng cho nhiều mục đích, từ quân sự đến dân sự. Những chiếc drone có thể được điều khiển thông qua sóng radio (phạm vi ngắn) hoặc thông qua vệ tinh (phạm vi hoạt động cao và dài hơn).

Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO) chia drone thành 2 loại chính:

- Máy bay tự hành (hiện ít xuất hiện trong thực tế vì các lý do an toàn).

- Máy bay điều khiển từ xa (xuất hiện phổ biến hơn).

Hiện Drone được ứng dụng cho các mục đích quân sự như bay giám sát, theo dõi các mục tiêu trên không, tiêu diệt mục tiêu, hỗ trợ lực lượng mặt đất... trong khi đó với mục đích phi quân sự, drone có thể được sử dụng để giao hàng tận nơi (hiện đang được Amazon và Google thử nghiệm), chụp ảnh/quay phim từ trên cao (đây là ứng dụng phổ biến nhất cho mục đích dân sự của drone), cứu hộ trong thiên tai khi không thể tiếp cận khu vực bị thiệt hại...

 

T.Thủy

sucmanhso-da5a0