Chạy theo "số chấm" máy ảnh số, nên hay không?

(Dân trí) - Trái với suy nghĩ của nhiều người, độ phân giải (Megapixel) của máy ảnh kỹ thuật số không phải là yếu tố quyết định vẻ đẹp của ảnh, thậm chí ảnh hưởng đến chất lượng ảnh chụp.

Có thể nói Megapixel (Mpx) luôn là thứ hấp dẫn nhất của máy ảnh. Điều đầu tiên người không thạo về máy ảnh quan tâm khi nhìn thấy một chiếc máy lạ mắt là  “Mấy chấm?”.

Thực tế không cần đến mười mấy "chấm", chỉ cần một chiếc Nikon D60, độ phân giải 10 Mpx cũng đủ cho ra những bức ảnh sắc nét, ngay cả khi ở điều kiện ánh sáng yếu. Không phải lúc nào "số chấm" cũng quan trọng nhất, vì còn nhiều yếu tố khác giúp bạn có một bức ảnh đẹp, và đôi khi chính "số chấm" cao lại làm .. xấu đi bức ảnh lẽ ra rất tâm đắc.

Độ nhạy sáng

Chạy theo "số chấm" máy ảnh số, nên hay không? - 1
 Một bức ảnh chụp với ISO cao

Độ nhạy sáng (ISO) của máy ảnh số mô phỏng độ nhạy của film, nhưng nguyên tắc hoạt động không giống nhau. Cùng một hình ảnh với cùng một bộ cảm biến, nhưng càng tăng mức nhạy sáng thì ảnh càng trở nên sáng hơn. Tuy nhiên, độ nhiễu hạt cũng tăng lên. Điều này lý giải tại sao ảnh thường bị giảm chất lưọng khi chụp ở ISO cao dù đã được cải thiện bởi các phần mềm giảm nhiễu trong máy.

"Số chấm" càng cao, ảnh chụp với ISO cao càng dễ nhiễu, đặc biệt là với những bộ cảm biến nhỏ như máy ảnh gia đình, các điểm ảnh quá nhỏ và quá khít cho dữ liệu của hình ảnh, gây ra hiện tượng “nhiễu xuyên ảnh” (visual cross-talk).

Chế độ chụp liên tục

Chạy theo "số chấm" máy ảnh số, nên hay không? - 2
 Chụp liên tục để chọn "pô" ưng ý nhất

Hầu hết các máy ảnh nhỏ đều có chế độ quay phim với độ phân giải cao. Nếu số lượng điểm ảnh tối đa, giả sử, chỉ là 8 triệu điểm ảnh, thì bộ xử lý của máy ảnh có thể bắt kịp độ phân giải này, giúp tránhc ác vấn đề như không bắt đưọc các chuyển động nhanh, chớp mắt hay cười không tự nhiên. Đơn giản chỉ cần xem và chọn lựa bức hình ưng ý trong loạt hình được tự động chụp liên tục. Thẻ nhớ sẽ nhanh đầy hơn nhưng chính vì thế càng nên hạn chế độ phân giải. Canon đã làm được điều tương tự với loại máy Exilim EX-F1 - độ phân giải 6 Mpx nhưng tốc độ lên tới 60 hình/giây.

Dịch vụ định vị toàn cầu (GPS)

GPS không liên quan đến độ phân giải cao hay thấp, nhưng theo dự đoán dịch vụ này sẽ sớm được tích hợp trong mọi loại máy ảnh. Trong tương lai, mỗi bức ảnh có thể được xác định thời gian và địa điểm chụp thực tế. Người sử dụng có thể tìm kiếm những bức ảnh đã chụp trước đó tại một địa điểm cụ thể, thậm chí, cả vị trí của người chụp ảnh. Cho đến nay, Nikon vẫn là tên tuổi duy nhất tích hợp dịch vụ này vào sản phẩm P6000 của mình. Liệu còn hãng nào có thể nắm bắt được xu thế này?

RAW – nguyên gốc

RAW cũng nên được tích hợp trong mọi loại máy ảnh. Định dạng file RAW, dù khá lạ lẫm đối với hấu hết các loại máy ảnh, là định dạng gần như đáp ứng chuẩn nhất về âm bản kỹ thuật số (DNG – Digital Negative). Không giống như loại file JPEG, đã được nén, được cân bằng trắng và làm sắc nét từ trong máy, đó gần như là dữ liệu gốc từ bộ cảm ứng, hoàn toàn chưa qua xử lý. Một file RAW sau khi chụp cần phải được chỉnh sửa thêm, nhưng bù lại hình ảnh là nguyên gốc. Do đó, file RAW thường nặng hơn JPEG, nhưng một file RAW 8 Mpx sẽ chứa nhiều dữ liệu hơn một file JPEG có độ phân giải 12 Mpx.Trong trưòng hợp này, "nhiều chấm" lại thua "ít chấm".

Như thế, thay vì chạy đua theo những máy ảnh có số chấm ngày càng cao, biết "bao nhiêu chấm là vừa" để tập trung vào các tính năng khác luôn là lựa chọn sáng suốt. Trừ khi chụp ảnh để làm những áp phích lớn, máy anh du lịch bỏ túi luôn là  lựa chọn đúng đắn nhất cho bạn.

Anh Vinh