Cảnh giác với quảng cáo smartphone "xịn" giá sốc

(Dân trí) - Không chỉ "phô trương" sản phẩm ngay trên các website tin tức tổng hợp, nhiều cửa hàng kinh doanh smartphone Trung Quốc còn chạy nhiều chương trình trên các mạng xã hội để quảng bá về những chiếc smartphone cao cấp mà giá chưa bằng 1/3 so với hàng chính hãng. Người dùng cần lưu ý.

"Treo đầu dê bán thịt chó"

Gần đây, đơn vị Avatelecom đã cho chạy khá nhiều bài viết ngay trên các website tổng hợp tin tức trong nước về một phiên bản Galaxy S6 Đài Loan với giá sốc chỉ 3,2 triệu đồng.

Những lời quảng cáo có cánh và hình ảnh như một chiếc Galaxy S6 chính hãng
Những lời quảng cáo có cánh và hình ảnh như một chiếc Galaxy S6 chính hãng

Đáng chú ý, trong quảng cáo của mình, cửa hàng này chèn vào các bức ảnh là một phiên bản Galaxy S6 do chính Samsung sản xuất. Nếu nhìn vào bức ảnh quảng cáo, người dùng sẽ đinh ninh rằng đây chính là những chiếc Galaxy S6 "thứ thiệt" - một sản phẩm cao cấp của Samsung.

Theo quảng cáo, đây là chiếc Galaxy S6 Đài Loan và cũng trang bị các tính năng tương tự như cảm biến vân tay, camera 16 MP và một camera phụ 5 MP... tương tự như phiên bản Galaxy S6 quốc tế. Tuy nhiên, phiên bản này được cắt bớt đi một số tính năng và chỉ bán ở thị trường Đài Loan và giá 5,9 triệu đồng, và bán tại VN với giá khuyến mại là 3,2 triệu đồng.

Trước vấn đề trên, trao đổi với Dân trí, đại diện truyền thông của Samsung Việt Nam cho biết: "Đối với Samsung Galaxy S6, Samsung không có bất cứ một phiên bản nào có bộ nhớ trong 8 GB được bán trên toàn cầu. Đồng thời, Samsung cũng không có các phiên bản rút gọn tính năng của Galaxy S6 được bán trên toàn cầu."

Như vậy, với lời khẳng định của Samsung ở trên, thì phiên bản Galaxy S6 Đài Loan ở trên do đơn vị Avatelecom bán ra chắc chắn không phải là hàng được Samsung sản xuất.

Cẩn thận, đừng ham rẻ

Trao đổi với Dân trí, giám đốc một chuỗi bán lẻ uy tín tại TPHCM cho biết: "Ở mỗi thị trường thì sản phẩm sẽ dành riêng cho thị trường đó và giá bán của sản phẩm sẽ không chênh lệch quá nhiều. Trừ khi đó là hàng do mạng bán ra, yêu cầu xài SIM của nhà mạng đó thì giá sẽ khấu trừ vào hợp đồng sử dụng mạng".

Đối với hàng lock, khi hàng này về Việt Nam, các cửa hàng xách tay sẽ unlock (tức mở khóa) để xài SIM tại Việt Nam, thì giá máy cũng không hề rẻ, có rẻ chỉ tầm vài triệu đồng so với hàng chính hãng.

"Của rẻ là của ôi!", người dùng cần tỉnh táo hơn khi đọc được những lời quảng cáo, không ai cho ta không cái gì cả.

Khi một mặt hàng chào bán ở mức giá sốc, người dùng cần tìm hiểu kỹ càng hơn về thông tin của thiết bị. Cần chú ý nơi bán, tìm kiếm thông tin về công ty đang rao bán thiết bị để đảm bảo uy tín của cửa hàng này ra sao.

Đồng thời, không mua những sản phẩm khi chưa biết rõ nguồn gốc của chúng và không nên chuyển tiền để nhận được những sản phẩm quảng cáo sai sự thật.

Hơn hết, nếu có thể, người dùng nên nhờ người thân ở gần đơn vị chào bán để đến xem tận tay chiếc máy, nếu đúng như quảng cáo hãy mua.

Nhìn chung, với những lời quảng cáo có cánh như trên, dù chỉ là nhỏ và đơn lẻ nhưng nó đang góp phần làm xấu đi hình ảnh của nhiều đơn vị đang cố gắng thay đổi để làm trong sạch thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam. Thiết nghĩ, các đơn vị truyền thông, những website tổng hợp hãy loại bỏ những quảng cáo như trên, không tiếp tay cho những hành vi gian dối, lừa đảo người tiêu dùng. Qua đó, thay đổi cách nhìn nhận của người dùng về thương mại điện tử, thúc đẩy sự phát triển của loại hình này nhanh hơn, để theo kịp với bạn bè quốc tế.

Quốc Phan

(phuocquoc@dantri.com.vn)