Bộ TT&TT dự thảo đề án "Bộ quy tắc ứng xử trên MXH"

(Dân trí) - Nội dung của Bộ quy tắc sẽ bao gồm những chuẩn mực về đạo đức, về ứng xử, để khuyến khích, thúc đẩy những giá trị tốt đẹp của con người nói chung và trong cộng đồng mạng nói riêng, hay những hướng dẫn để mọi cá nhân, tổ chức tham gia MXH ứng xử một cách tôn trọng nhau hơn.

Hội thảo góp ý kiến xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên MXH được Bộ TT&TT tổ chức chiều ngày 11/12/2018.
Hội thảo góp ý kiến xây dựng "Bộ quy tắc ứng xử trên MXH" được Bộ TT&TT tổ chức chiều ngày 11/12/2018.

Thực hiện Nghị quyết số 55/2017/QH14 của Quốc hội trước yêu cầu về tăng cường công tác quản lý nhà nước nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực của MXH, nâng cao chuẩn mực đạo đức của người dùng MXH tại Việt Nam và nhằm tạo ra môi trường Internet lành mạnh, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) mới đây đã giới thiệu dự thảo nhằm xây dựng và triển khai "Bộ quy tắc Ứng xử trên MXH" dành cho các nhà cung cấp dịch vụ và người dùng MXH.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo cho biết, MXH đang phát triển nhanh chóng tại Việt Nam. Bên cạnh tác động tích cực, mạng xã hội phần nào đó có gây ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi của tổ chức, cá nhân.

"Thời gian qua Bộ TT&TT có nhiều giải pháp loại bỏ thông tin xấu, độc trên mạng xã hội nhưng không thể loại trừ mặt trái, chỉ có thể hạn chế mặt trái của mạng xã hội. Vì vậy cần bộ quy tắc "mềm" để ứng xử. Mục tiêu của bộ quy tắc ứng xử là thúc đẩy tác động tích cực của mạng xã hội, hạn chế tối đa tác động tiêu cực, ngăn ngừa có hiệu quả mặt trái, lan truyền thông tin xấu độc trên mạng", Thứ trưởng Bộ TT&TT nói.

Thứ trưởng cho biết việc ban hành một Bộ quy tắc ứng xử trên MXH là rất cần thiết với tình hình hiện nay. Nội dung của Bộ quy tắc sẽ bao gồm những chuẩn mực về đạo đức, về ứng xử, để khuyến khích, thúc đẩy những giá trị tốt đẹp của con người nói chung và trong cộng đồng mạng nói riêng, hay những hướng dẫn để mọi cá nhân, tổ chức tham gia MXH ứng xử một cách tôn trọng nhau hơn.

Dự thảo đề án "Bộ quy tắc ứng xử trên MXH" ngay lập tức thu hút sự chú ý của các chuyên gia, giáo sư, tiến sĩ trong nhiều ngành nghề khác nhau do tính ảnh hưởng và tầm quan trọng của nó. Tuy nhiên, tính hoàn thiện của Bộ Quy tắc theo một số ý kiến là cần phải làm chi tiết hơn.

Thí dụ như theo PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang, trưởng khoa PTTH, Học viện Báo chí Tuyên truyền, Bộ quy tắc ứng xử hiện nay vẫn đang thiếu đi chế tài xử lý, vì nó chỉ hoạt động giống như một bộ ứng xử về đạo đức, thông qua việc khuyến cáo mọi người "nên làm điều gì, không nên làm điều gì".

"Bộ ứng xử được chia ra các mục 'Được làm', 'Không được làm', 'Nên', 'Không nên',... nhưng chúng ta lại không có chế tài để xử lý cụ thể những điều này, mà chỉ nói một cách 'chung chung' là sẽ xử phạt theo quy định của pháp luật", PGS.TS cho biết. "Như vậy thì người ta đọc xong Bộ ứng xử này hoàn toàn có thể làm theo hoặc không làm theo".

PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang, trưởng khoa PTTH, Học viện Báo chí Tuyên truyền cho rằng Bộ quy tắc ứng xử cần phải hoàn thiện thêm để có thể đi vào thực tiễn.
PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang, trưởng khoa PTTH, Học viện Báo chí Tuyên truyền cho rằng Bộ quy tắc ứng xử cần phải hoàn thiện thêm để có thể đi vào thực tiễn.

PGS.TS cho rằng cũng cần cụ thể hóa Bộ quy tắc này vào các trường học THPT, THCS, và thậm chí là cấp Tiểu học. "Như chúng ta đã biết, thì tỷ lệ số lượng người dùng Internet hiện nay càng ngày càng được trẻ hóa. Vì vậy mà các em học sinh ngay từ cấp tiểu học cũng đã bắt đầu sử dụng MXH", PGS.TS cho hay. "Theo tôi, việc chúng ta đưa Bộ quy tắc này vào trường học là một điều cần thiết, và có sự kết hợp chặt chẽ giữa các Bộ, Ban, Ngành."

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng Bộ quy tắc ứng xử mặc dù được sinh ra là để dành cho tất cả những người dùng MXH, tuy nhiên nó sẽ khó lòng phù hợp với từng nhóm công chúng riêng, ngành nghề riêng, với từng cơ quan, xí nghiệp, hoặc doanh nghiệp. Do đó, để Bộ quy tắc thực sự đi vào đời sống, cần huy động những cơ quan, tổ chức, trường học,... xây dựng những Bộ quy tắc riêng với những chế tài riêng cho từng trường hợp cụ thể.

Nguyễn Nguyễn